1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến không thể từ nhiệm!

(Dân trí) - Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đã gửi đơn từ nhiệm tới UB Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên trường hợp của bà Yến lại không thể áp vào quy định về "xin thôi làm nhiệm vụ" của luật Tổ chức Quốc hội...

Sau phiên họp của Thường vụ Quốc hội vào chiều 5/5, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, đã gửi đơn xin từ nhiệm và đã báo với Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương về việc không tham dự cuộc họp cùng UB Thường vụ Quốc hội vì “thấy việc này không còn cần thiết”. Nữ đại biểu bị đề xuất xem xét miễn nhiệm cũng giải thích việc “xin rút khỏi Quốc hội” là do đã “mệt mỏi” vì “chịu nhiều sức ép dư luận”.

Việc bà Hoàng Yến làm đơn từ nhiệm đại biểu Quốc hội là dựa theo điều 57 của luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể, điều 57 nêu rõ: “Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định; trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì do UB Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Trả lời báo chí về sự việc sau khi tham dự cuộc họp thống nhất ý kiến đề nghị bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến của UBTƯ MTTQ sáng 18/4, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương cũng “đề ngỏ” phương án bà Yến có thể tự… xin rút. “Một đại biểu Quốc hội có thể tự rút lui khi sức khỏe, năng lực yếu, không đủ điều kiện đảm nhận trách nhiệm người đại biểu của dân…” – bà Nương nói.

Trong khi đó, việc UB Thường vụ tổ chức phiên họp xem xét việc bãi nhiệm đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, quyết định trình sự việc ra Quốc hội định đoạt là theo Điều 56 của luật này. Cụ thể, điều 56 quy định “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm…”.

Nhận định về vấn đề này, nguyên Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên khẳng định, giải quyết việc từ nhiệm hay bãi nhiệm có một nguyên tắc chung: Từ nhiệm áp dụng trong các trường hợp vì những lý do khách quan không liên quan đến khuyết điểm (ví dụ do nhu cầu học tập, đi công tác ở nước ngoài trong thời kỳ dài…) thì có thể xin thôi làm nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội hay xin điều động công tác. Còn những trường hợp đại biểu mắc khuyết điểm, vi phạm tư cách thì phải giải quyết theo quy trình bãi nhiệm theo luật định.

Cho đến thời điểm này, nữ đại biểu doanh nhân bị cho là không trung thực khi khai lý lịch ứng cử: không khai rõ từng là đảng viên và không khai về chồng là ông Jimmy Trần - người đang bị truy nã quốc tế. Trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội của bà Yến cũng có một số nội dung khác khai không đúng.

Theo nguồn tin của báo Tuổi trẻ, đơn từ nhiệm của bà Yến đã không được UB Thường vụ Quốc hội chấp nhận.

Phương Thảo - Tùng Nguyên