Công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đề xuất 2 phương án, theo đó chậm nhất vào ngày 30/4 hoặc 30/9 hằng năm, cơ quan này chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ công bố công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ vừa gửi tới Bộ Tư pháp báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng - 1

(Ảnh minh hoạ).

Trong đó, cơ quan này đề xuất 2 phương án chậm nhất vào ngày ngày 30/4 hoặc ngày 30/9 hằng năm, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ công bố công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công khai kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của ngành, cấp mình chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày có kết quả thẩm định. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị được đánh giá.

Đánh giá dựa trên mức độ dư luận xã hội quan tâm

Về tiêu chí đánh giá số lượng, tính chất, mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết có một số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí về mức độ dư luận xã hội quan tâm.

Dự thảo nghị định đã quy định các tiêu chí đánh giá số lượng, tính chất, mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng gồm các tiêu chí thành phần như số lượng người có hành vi tham nhũng, vị trí, chức vụ của người có hành vi tham nhũng, lĩnh vực để xảy ra hành vi tham nhũng, mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng, giá trị tiền, tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra, số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, các tiêu chí này cũng đã thể hiện mức độ dự luận xã hội quan tâm.

Về tổ chức tự đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, có một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng đánh giá đến UBND cấp huyện; có ý kiến đề nghị thiết kế quy định theo hướng tổ chức đánh giá công tác phòng chống tham nhũng lấy phiếu khảo sát của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời căn cứ vào kết quả đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Sau khi nghiên cứu, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, dự thảo nghị định quy định hằng năm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch tự đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của UBND tỉnh, điều đó có nghĩa là việc đánh giá được thực hiện trong địa bàn tỉnh mà không cần quy định đánh giá đến UBND cấp huyện.

Đối với đề nghị đánh giá công tác phòng chống tham nhũng qua lấy phiếu khảo sát hoặc kết quả đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế sẽ phát sinh kinh phí rất lớn nếu như đánh giá theo phương thức này.

Thanh tra Chính phủ cho biết, kết quả tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh là đầu vào quan trọng để tổng hợp và xây dựng Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 16 của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

Vì vậy, để đảm bảo tính chính xác và chất lượng của kết quả tự đánh giá này, việc quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc thẩm định kết quả tự đánh giá này là rất cần thiết.

Việc quy định các thủ tục thẩm định kết quả tự đánh giá của Thanh tra Chính phủ là phù hợp, giúp các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đảm bảo chất lượng của kết quả tự đánh giá, đồng thời phát huy vai trò của Thanh tra Chính phủ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng - 2

Ảnh minh hoạ: Ngọc Diệp

Xử lý xung đột lợi ích

Điều 32 dự thảo nghị định quy định hang loạt trường hợp người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích. Đơn cử như: Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình; Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;

Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;

Người có chức vụ, quyền hạn có vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đó;

Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

Điều 33 dự thảo nghị định nhấn mạnh, người có chức vụ, quyền hạn khi được phân công công việc hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo bằng văn bản cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

Thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích được thực hiện trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày biết được hoặc phát hiện được nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích với người được giao nhiệm vụ, công vụ.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền han có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, báo cáo thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người đó áp dụng một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích.

Thế Kha