1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

“Cơn sốt” săn chiến mã

Càng đến gần ngày diễn ra Giải đua ngựa truyền thống trên “cao nguyên trắng” Bắc Hà - Lào Cai, đi đến đâu chúng tôi cũng được nghe người dân bàn tán chuyện “cơn sốt" săn chiến mã quý.

Xã Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư… là nơi sinh sống của đồng bào Tày và Mông, từ lâu đã nổi tiếng về địa danh nuôi ngựa chiến. Các "kỵ sĩ chân đất" ở các bản làng không quản ngại xa quyết tìm cho mình con chiến mã như ý.

  

Chiến mã trên đường đua (Ảnh: Ngọc Bằng)
Chiến mã trên đường đua (Ảnh: Ngọc Bằng)

 

Tôi nhớ năm 2011, tại Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng lần thứ 5, nằm  trong Chương trình "Du lịch về cội nguồn" của 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/5/2011. Đây là cuộc đua ngựa diễn ra quyết liệt và hấp dẫn.

 

Vào cuộc đua, 72 chiến mã của các đội đua Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư… là những đội thay nhau đoạt các giải cao nhất về cá nhân và toàn đoàn. Các kỵ sĩ: Vàng Văn Cương, Vàng Văn Huỳnh (xã Na Hối), Lý Seo Áo (xã Bản Phố), Thào Seo Lềnh (xã Tả Van Chư), đều là những cái tên được mọi người nhắc đi nhắc lại nhiều nhất.

 

Các "kỵ sĩ chân đất", cưỡi ngựa không yên, vung tay quất roi lia lịa, lao đi như tên bắn trong tiếng hò reo vang dội của người xem, cộng hưởng tiếng vó ngựa dồn dập, biến sân vận động thành trường đua ngựa sôi động ở "cao nguyên trắng". Người chiến thắng được đoàn rước về nhà trong tiếng kèn, trống vang lừng góc trời và lời chúc mừng của dân bản.

 

Tôi gặp lại anh Thào Seo Lềnh, dân tộc Mông, ở xã Tả Van Chư, là kỵ sĩ không có duyên "may" đoạt giải nhất tại Giải đua ngựa năm 2011, vì chiến mã chạy quá "tít" không làm chủ tốc độ, vượt chiến mã của kỵ sĩ Vàng Văn Huỳnh… lao ra hẳn đường đua, đến khi quay đầu lại thì chiến mã của anh Huỳnh chạm đích trước, anh Lềnh và chiến mã đành thất thủ trong sự nuối tiếc của mọi người.

 

Anh Lềnh bảo: Trước đây cả xã Tả Van Chư, chỉ còn vài hộ nuôi ngựa để chuyên chở hàng hoá. Từ khi có giải đua ngựa truyền thống của huyện Bắc Hà, tổ chức từ năm 2005 thì đến nay có một nửa số hộ dân trong xã nuôi ngựa. Bây giờ nhiều kỵ sỹ "ôm" đổ về đây "săn" chiến mã. Giá chiến mã tăng lên 15 đến hơn 20 triệu đồng/con, vậy mà không ai "dám kêu" đắt, mục tiêu của người mua là muốn có một chiến mã như ý.

 

Tại xã Na Hối, tôi gặp anh Vàng Văn Cột, dân tộc Tày, là người có thâm niên nuôi ngựa. Anh Cột cho biết: Giá ngựa đua được bán theo nhu cầu thị trường. Tức là khi ngựa ở mức bình thường thì dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/con đực, nhưng khi là ngựa đua tốt và khan hiếm thì giá là vô cùng.

 

Cũng vì lý do đó mà nghề nuôi ngựa đang phát triển trở lại ở xã vùng cao này. Để phân biệt chiến mã đua hay, anh Cột cho hay: Chiến mã phản chủ là có khoáy "xuyên tông", nếu lỡ mua thì chỉ có bán cho nhà hàng làm thắng cố. Chiến mã tốt là giống lai tạo từ những con ngựa được chọn giống nổi bật về tố chất: cao, to, mạnh mẽ, thể hình đẹp và tốc độ chạy nhanh. Chiều cao có con trên 1,6 m, riêng cặp chân phải dài hơn 1 m.

 

Kỵ sĩ mua chiến mã phải biết xem tuổi ngựa bằng cách xem răng. Răng ngựa đủ và trắng là ngựa nuôi từ 4 đến 6 năm là lúc ngựa sung sức nhất. Ở cao nguyên Bắc Hà nhiệt độ thường hay xuống thấp, trời lạnh nên thức ăn cho chiến mã phải có đủ chất; mỗi ngày cho ăn trên 10 kg cỏ tươi ngon, trộn với 2 kg thức ăn tinh.

 

Trước ngày đua, kỵ sĩ và ngựa phải thường xuyên luyện tập chạy để cho ngựa có sức bền, sức rướn, quen chủ và đường chạy đến khi đua là ngựa mới "thuần". Thậm chí móng ngựa đua cũng cần phải có hai bộ, một bộ chỉ để dành cho khi đua và một bộ dành khi ngựa thồ hàng…

 

Đến chợ ngựa Bắc Hà họp vào ngày chủ nhật, mỗi phiên bán hàng trăm con. Tôi vận dụng kinh nghiệm của anh Cột truyền thụ, thử tìm nhưng chọn được một chiến mã thấy thật khó, vì người nuôi "giấu" chiến mã tốt ở nhà. Họ chỉ đưa chiến mã yêu quý ra tham dự giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà với ý định đoạt giải, được vinh danh trên bục chiến thắng.

 

Vì thế, “cơn sốt” săn chiến mã trên cao nguyên trắng càng diễn ra sôi động trước ngày đua ngựa ở Bắc Hà.

 

Theo La Văn Tuất

 Báo Lào Cai