Ninh Bình:

“Cơn bão” dịch tả lợn hoành hành, dân lo thiếu thịt lợn ăn Tết

(Dân trí) - Trước sự hoành hành của dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn nhiều tháng qua, người dân ở Ninh Bình lo ngại, nếu dịch bệnh cứ tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu hụt lượng lớn thịt lợn sạch.

Ngày 12/7, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV đã diễn ra ngày họp thứ 3 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên trả lời chất vấn ý kiến cử tri của UBND tỉnh Ninh Bình, các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm đến diễn biến tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thời gian qua.

“Cơn bão” dịch tả lợn hoành hành, dân lo thiếu thịt lợn ăn Tết - 1

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV cử tri quan tâm đến tình hình dịch tả lợn Châu Phi hoành hành trên địa bàn.

Cử tri đặt câu hỏi: Thời gia qua dịch tả lợn Châu Phi lan diện rộng, nhiều gia đình lo ngại thịt lợn nhiễm dịch nên không sử dụng, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Bên cạnh đó, từ nay đến Tết Nguyên đán 2020, lượng thịt lợn sạch sẽ thiếu hụt lớn, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên?

Trả lời ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến ngày 8/7/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 9.576 hộ; 950 thôn; 139 xã phường, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố. Toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 79.000 con (chiếm 21% tổng đàn), trọng lượng tiêu hủy trên 4.500 tấn.

“Cơn bão” dịch tả lợn hoành hành, dân lo thiếu thịt lợn ăn Tết - 2

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trả lời các ý kiến mà người dân quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, giai đoạn cao điểm dịch tả lợn Châu Phi “hoành hành” ở Ninh Bình, mỗi ngày tiêu hủy khoảng 1.000 con lợn với trọng lượng từ 60 – 100 tấn. Thời điểm hiện tại, số lượng lợn bị tiêu hủy có xu hướng giảm còn 300 con/ngày với trọng lượng 20 – 30 tấn/ngày.

Thời gian đầu, do dịch bệnh bùng phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên hầu hết lợn bị dịch bệnh đều buộc phải tiêu hủy hết. Vì thế, số lượng lợn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất ít, nhiều nơi cơ bản không còn. Hiện nay, các trang trại chăn nuôi tập trung lớn vẫn kiểm soát tốt.

“Cơn bão” dịch tả lợn hoành hành, dân lo thiếu thịt lợn ăn Tết - 3
“Cơn bão” dịch tả lợn hoành hành, dân lo thiếu thịt lợn ăn Tết - 4

Lợn mắc dịch bệnh chết nằm la liệt khiến nông dân ở Ninh Bình điêu đứng.

Toàn tỉnh Ninh Bình lũy kế số hố chôn lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy là trên 3.700 hố, trong đó có 9 hố chôn có hiện tượng bốc mùi sụt lún gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Người dân đã có ý kiến, phản ánh về vấn đề này đã được chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Tỉnh Ninh Bình đã cấp gần 92 tỷ đồng phục vụ phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo thống kê, sản lượng thịt lợn Ninh Bình cung ứng ra thị trường mỗi năm khoảng 45.000 tấn thịt hơi. Nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng trên 36.000 tấn, còn lại 9.000 tấn thịt hơi được xuất đi các tỉnh thành phố khác.

“Cơn bão” dịch tả lợn hoành hành, dân lo thiếu thịt lợn ăn Tết - 5

Cơ quan chức năng ở Ninh Bình hiện nay mỗi ngày tiêu hủy khoảng 20 - 30 tấn lợn chết vì bệnh dịch tả lợn Châu Phi. 

“Dự báo dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng lợn bị tiêu hủy sẽ còn tăng, việc tái đàn phát triển chăn nuôi lợn rất khó khăn, do vậy dịp Tết Nguyên đán 2020 có thể thiếu hụt thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân”, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, trước tình trạng trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, phòng chống “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi đang càn quyét trên địa bàn.

“Cơn bão” dịch tả lợn hoành hành, dân lo thiếu thịt lợn ăn Tết - 6

Người dân Ninh Bình lo ngại, "cơn bão" dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu thịt lợn để ăn Tết.

Theo đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, khống chế nhanh bệnh dịch để ổn định sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện các giải pháp tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng đa dạng hóa đối tượng vật nuôi. Tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền về dịch bệnh để người dân cùng chung tay với chính quyền phòng chống, dập dịch bệnh; nhất là hiểu rõ được chủ trương của nhà nước về hỗ trợ chính sách cho các đối tượng chăn nuôi bị thiệt hại…

Thái Bá