1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây "đứng hình" chờ cát

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Dự án thành phần 2 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần 7 triệu m3 cát đắp nền. Khởi công từ tháng 6/2023 nhưng đến nay, nhiều gói thầu ở Cần Thơ đang dừng thi công vì không có cát.

Dù khởi công từ 17/6/2023, thế nhưng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn đang ì ạch, thi công đứt quãng vì thiếu cát. Ghi nhận tại dự án thành phần 2 do TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản, nhiều hạng mục vẫn nằm im lìm chờ cung ứng cát. 

Cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây đứng hình chờ cát - 1

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận TP Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Hoàng Quang Tâm, Giám đốc Ban điều hành gói thầu 11, 13 và 14 cao tốc trục ngang thuộc Tập đoàn Định An cho biết, trong tuyến cao tốc dài hơn 188km, đơn vị phụ trách thi công hơn 10km cầu, đường và nút giao lộ tẻ Rạch Sỏi, nhu cầu cần 6-7 triệu khối cát. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhà thầu vẫn chưa nhận được khối cát nào để triển khai, chưa thể thi công đúng tiến độ.  

"Hiện cát cung ứng cho gói thầu của chúng tôi là mỏ cát ở An Giang, trữ lượng hơn 2 triệu m3 nhưng sản lượng khai thác năm đầu tiên chỉ được 1,5 triệu m3 thôi. Đơn vị thi công đã hoàn thành thủ tục xin cấp cát, đang chờ An Giang bàn giao", ông Tâm nói thêm. 

Cũng theo nhà thầu, do thiếu cát, trong thời gian qua kỹ sư, công nhân chỉ có thể bóc phong hóa, đắp bờ bao đối với những mặt bằng sạch được bàn giao để chờ khi có cát sẽ đắp lên. Gói thầu 13 do mới khởi công vài tháng nên đơn vị chuẩn bị đem máy móc, thiết bị đến dọn dẹp mặt bằng, đào đường hữu cơ...

Cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây đứng hình chờ cát - 2

Trong khi chờ cát, đơn vị thi công bóc phong hóa, đắp bờ bao (Ảnh: Nhà thầu cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc Quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ cho biết: Dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn Cần Thơ cần khoảng 7 triệu m3 cát. Trong đó, An Giang đã cam kết cấp một mỏ cát khoảng 2,3 triệu m3, sẽ xong thủ tục trong tháng này để khai thác cung ứng cho dự án.

Riêng đoạn cao tốc trên qua Cần Thơ vẫn còn thiếu trên 4 triệu m3 cát. Chủ đầu tư cùng ngành chức năng ở Cần Thơ đã liên hệ với tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang để tìm thêm nguồn cát bổ sung cho dự án, nhưng đến nay chưa có kết quả. 

Về nguồn cát biển của tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có báo cáo bước đầu gửi Chính phủ đánh giá về việc thí điểm sử dụng cát này dùng cho san lấp dự án giao thông.

Chủ đầu tư cũng đã có văn bản báo nhu cầu gửi UBND tỉnh Sóc Trăng tổng hợp. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng nguồn cát biển thay cát sông vẫn phải chờ hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng.

Cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây đứng hình chờ cát - 3

Các tuyến cao tốc miền Tây đang rơi vào cảnh khan hiếm cát đắp nền (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo ông Vĩnh, từ khi khởi công đến nay, cao tốc trục ngang qua Cần Thơ không được cung ứng cát do thiếu nguồn. Thời gian qua nhà thầu chỉ có thể làm cầu, dọn dẹp mặt bằng, cào bóc đất hữu cơ... Khi được phân bổ cát đắp, các đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần việc bị chậm. 

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) khởi công ngày 17/6/2023, tổng chiều dài khoảng 188km, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước (kết hợp vốn trung ương và địa phương có dự án đi qua). Dự án đi qua 4 địa phương, được chia làm 4 dự án thành phần giao các địa phương làm chủ đầu tư, gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Giai đoạn 1, cao tốc có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề tương lai (tỉnh Sóc Trăng).

Trong đó, dự án thành phần 2 qua Cần Thơ dài hơn 37km, tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng, do UBND TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Hiện tỷ lệ mặt bằng sạch được bàn giao của dự án thành phần 2 đạt 99%.