1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cán bộ “cướp” rừng, dân không chốn nương thân

(Dân trí) - Hầu hết cán bộ của Công ty lâm nông nghiệp Sông Hiếu (thị trấn Thái Hoà, Nghĩa Đàn, Nghệ An) đều có trong tay hàng chục ha đất rừng: ít thì 2ha, nhiều thì 3-6ha. Trong khi đó, hơn 100 hộ dân ở xóm Bãi Kè, một tấc đất “cắm dùi” cũng không có.

Bãi Kè nằm bên bờ sông Hiếu, có 119 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Họ phần lớn là người Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương... lên đây từ những năm 1963-1982, theo chủ trương của  tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ là khai hoang dãn dân, xây dựng khu kinh tế mới.

 

Từ cuộc chia chác dai dẳng…

 

Năm 1993, khi có Dự án 327 trồng rừng phòng hộ, cán bộ lâm trường Đồng Hợp về vận động dân trồng cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Dân Bãi Kè hồ hởi nhận về mỗi hộ hàng héc ta đất rừng, nhiệt tình trồng và chăm sóc, chả tính toán thiệt hơn.

 

Năm 2004, không hiểu bằng cách nào mà lâm trường Đồng Hợp có “bảo bối” cho phép họ khai thác gỗ rừng trồng của Dự án 327; với lý do là thu hồi vốn cho nhà nước và lấy đất trồng rừng nguyên liệu.

 

Tất nhiên sẽ không có chuyện hàng chục người dân kéo nhau xuống trụ sở UBND tỉnh Nghệ An khiếu kiện nếu phía lâm trường khai thác gỗ và trả tiền công cho dân một cách công bằng.

 

Ông Vũ Văn Điểm, 76 tuổi, người nhiều tuổi nhất xóm Bãi Kè, bức xúc: “Nào họ (Lâm trường Đồng Hợp - PV) có thông báo gì với chúng tôi mô. Họ thuê người nơi khác đến vạch sơn, khai thác ầm ầm vô tội vạ. Dân thấy hàng trăm cây keo hơn 10 năm tuổi mình bỏ công chăm sóc bị khai thác mà chẳng biết kêu ai. Nhiều hộ có gần nửa héc ta rừng keo nhưng lâm trường chỉ trả cho họ có hơn 1 triệu đồng. Thế khác gì cướp trắng mồ hôi nước mắt của dân”.

 

Chị Nguyễn Thị Kim, 44 tuổi, tức giận không kém: “Có ở đâu có chuyện lạ đời như ở đây không. Năm 2004, người của Lâm trường Đồng Hợp đến khai thác hơn 160 cây keo của tui. Họ bảo vì mình trồng trên đất của họ nên họ khai thác. Sau này phía lâm trường cũng chỉ trả cho có 1/3 tiền”.

 

Năm 2006, Lâm trường Đồng Hợp lại mở đợt khai thác rừng lần thứ hai. Khi bị người dân khiếu kiện vì trả cho dân số tiền quá ít, lâm trường “chữa cháy” bằng cách trả thêm tiền khoán bảo vệ gây trồng rừng phòng hộ với tỷ lệ hưởng lợi là hơn 22%, tương ứng 25 triệu đồng/ha. Với cách tính này, người dân vẫn thấy chưa thoả đáng.

 

Việc “chia chác” giữa lâm trường và dân kéo dài, chưa ngã ngũ. Người dân Bãi Kè vẫn cho rằng “chia” như thế là thiệt cho dân, chưa đúng với tinh thần của Thủ tướng Chính phủ về quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê nhận khoán rừng, đất lâm nghiệp.

 

Hàng chục ha đất rừng về tay cán bộ

 

Không những “cướp” tiền của dân, dân Bãi Kè còn cho rằng lâm trường đã “cướp” cả đất rừng của họ.  

 

Ông Hứa Văn Hiền - xóm trưởng xóm Bãi Kè - cho biết: “Năm 2004, sau khi khai thác xong hơn 40ha rừng, Lâm trường Đồng Hợp không giao đất lại cho dân để sản xuất. Đây là mảnh đất mà mấy chục năm dân đã đổ mồ hôi nước mắt để khai hoang, gây dựng; nay lại được trao cho chủ khác. Người dân trở thành người làm thuê trên mảnh đất của mình. Dân hỏi thì họ bảo đất của họ, họ ưng giao cho ai là tuỳ”.

 

Người chủ mới của rừng là một số cán bộ của Công ty lâm nông nghiệp Sông Hiếu - đơn vị quản lý trực tiếp Lâm trường Đồng Hợp.

 

Theo tài liệu mà Dân trí có được thì có 12 cán bộ của Công ty lâm nông nghiệp Sông Hiếu có đất rừng, với tổng diện tích hơn 45ha. Những cán bộ “bự” như phó giám đốc, chủ tịch công đoàn, kế toán trưởng,... có từ 3-6ha đất rừng. Nhưng người dân bảo rằng đó mới là “phần nổi” thôi, “phần chìm” thì không ai biết được.

 

Sau khi có đất rừng trong tay, các cán bộ của lâm trường lại thuê chính người dân, trước đây từng là chủ lô đất rừng ấy, làm thuê cho họ.

 

Trên phần diện tích rừng đó có 9 hộ dân của xóm Bãi Kè đang sinh sống. Phần lớn họ thuộc diện nghèo nhất xóm, nhà mái tranh lụp xụp. Bà Luyện Thị Tờ, 51 tuổi, người dân tộc Thổ, cho biết: “Nhà tui có 3 mẹ con nhưng nỏ có đất rừng mô. Hàng ngày phải đi đốt than kiếm tiền thôi. Nhiều người bảo rừng về tay cán bộ hết rồi…”.

 

Không riêng 9 hộ dân này, cả hơn 100 hộ dân khác ở Bãi Kè đều không có đất rừng.

 

“Hàng trăm hộ dân chúng tôi đã lên khai hoang nơi đây mấy chục năm, nay sống giữa rừng mà không có đất trồng rừng, hỏi có nực cười không chứ!” - một hộ dân khoát tay chỉ về phía “cánh rừng cán bộ” mà than thở.

 

Danh sách 12 cán bộ Công ty Lâm nông nghiệp

có đất rừng

 

1. Ông Lê Khắc Đồng - Phó giám đốc Công ty: 3,3ha

 

2. Ông Trần Hữu Toàn - Chủ tịch công đoàn: 5,4ha

 

3. Ông Nguyễn Vĩnh Ca - Nguyên Bí thư chi bộ: 5,4ha

 

4. Bà Nguyễn Thị Thanh - Kế toán: 4,4ha

 

5. Ông Nguyễn Công Hoài - Kế toán trưởng: 4ha

 

6. Ông Hoàng Mai Ba - Kỹ thuật viên: 3,2ha

 

7. Ông Nguyễn Đình Thông - Kỹ thuật viên: 3,4ha

 

8. Ông Nguyễn Quang Huy: 2ha

 

9. Ông Phạm Bá Hùng: 4,6ha

 

10. Bà Nguyễn Thị Huệ: 5,6ha

 

11. Ông Đặng Xuân Phương: 2,7ha

 

12. Bà Trần Thị Vinh: 3,5ha

 

(Số diện tích đất rừng của 12 cán bộ này đều nằm ở xóm Bãi Kè, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp).

Đặng Nguyên Nghĩa