Long An:

Cả gia đình bị nhắn tin đe dọa tính mạng sau khi vay tiền công ty tài chính

(Dân trí) - Tháng 6/2018, anh Trí vay 30 triệu đồng của công ty tài chính với hình thức trả góp 1.645.000 đồng mỗi tháng trong vòng 30 tháng. Tháng 9/2019, sau nhiều tháng vẫn đều đặn trả lãi và gốc đúng hẹn thì anh Trí bất ngờ nhận được nhiều tin nhắn đe dọa, uy hiếp tính mạng cả gia đình.

Ngày 14/1, trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Minh Trí (ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) cho biết nhiều tháng nay gia đình anh hoang mang vì liên tục nhận được tin nhắn đe dọa.

Nội dung tin nhắn, cuộc gọi giới thiệu là nhân viên của công ty tài chính đe dọa tính mạng cha mẹ, vợ con anh. Việc "khủng bố" mỗi ngày hàng trăm cuộc gọi tin nhắn khiến cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn. Anh Trí và gia đình không thể tập trung lo làm ăn như trước, thậm chí, vợ con anh không dám ra đường.

Cả gia đình bị nhắn tin đe dọa tính mạng sau khi vay tiền công ty tài chính - 1
Hàng trăm tin nhắn anh Trí và gia đình nhận được uy hiếp.

Theo anh Trí, tháng 6/2018, anh nhận được tin nhắn quảng cáo cho vay tiền từ số điện thoại lạ với hình thức cho vay trả góp. Đang cần tiền, anh Trí liên hệ với số điện thoại trên thì được một người xưng là nhân viên của công ty tài chính F hướng dẫn làm các thủ tục vay tiền. Thủ tục vay khá đơn giản khi anh chỉ cần chụp CMTND, sổ hộ khẩu gửi qua zalo và kèm thêm 2 số điện thoại của người thân.

Khoảng 10 ngày sau, anh Trí nhận được tin nhắn thông báo qua điện thoại với nội dung công ty F đã chuyển cho mình 30 triệu đồng và cung cấp cho một mã số để ra bưu điện nhận tiền. Theo hợp đồng vay tiền thì anh Trí sẽ trả góp 30 triệu trong vòng 30 tháng, mỗi tháng 1 triệu 645 ngàn đồng. Như vậy, tiền lãi mỗi tháng là 645 ngàn đồng và tổng 30 tháng là 19 triệu 350 ngàn đồng.

Cả gia đình bị nhắn tin đe dọa tính mạng sau khi vay tiền công ty tài chính - 2
Nhiều người dân trước đây cũng bị tình trạng như anh Trí.

Từ tháng 6/2018 đến tháng 9/2019, cứ đầu tháng, anh ra một trung tâm ở địa bàn huyện gửi trả 1 triệu 645 ngàn đồng theo đúng cam kết trả hàng tháng. Nhiều lần chuyển tiền đều không thấy phía cho vay thắc mắc nhưng lần gửi trong tháng 9/2019 thì khác, bởi sau đó anh liên tục nhận được thông báo bằng tin nhắn, cuộc gọi của người giới thiệu nhân viên đòi nợ.

Trước tình thế trên, anh Trí yêu cầu được gặp nhân viên công ty tài chính để đối chất nhưng không được chấp nhận. Từ tháng 10/2019, vì khúc mắc trên nên anh Trí tạm ngưng việc đóng lãi và gốc. Cũng từ đây, anh Trí liên tục nhận được tin nhắn xưng danh là công ty đòi nợ A. liên hệ để thu hồi nợ anh Trí đã vay của công ty F.

“Nhiều lần họ gọi điện, nhắn tin đòi nợ, tôi đều yêu cầu cử nhân viên đến gặp trực tiếp để làm rõ việc thanh toán trả nợ trong tháng 9 nhưng không thấy ai. Kể từ đó đến nay, hàng ngày, tôi đều nhận liên tiếp những tin nhắn đòi nợ với nội dung khủng bố, đe dọa tính mạng. Những người đòi nợ này, tôi cũng chưa bao giờ gặp trực tiếp”, anh Trí chia sẻ.

Theo như nội dung anh Trí cung cấp cho PV, nhiều số điện lại lạ đã nhắn tin cho anh và người thân nội dung “Tao cho mày và gia đình chiều nay để giải quyết nợ cho tao. Nếu sau đó tao chưa nhận được tiền thì tính mạng và sự an toàn của con cái, cha mẹ mày tao không đảm bảo”...

“Ngoài tin nhắn, mỗi ngày, tôi đều nhận được những cuộc gọi điện thoại đòi nợ và hăm dọa sẽ chém, giết của người tự xưng là nhân viên công ty cho vay”, anh Trí bức xúc.

Để thông tin về vấn đề trên, PV Dân trí đã liên hệ với đại diện công ty F để cung cấp thông tin, số hợp đồng của anh Trí, số điện thoại nhắn tin hăm dọa để thông tin đa chiều. Đại diện F cho biết: "F không có quan hệ đối tác với A để thực hiện việc đòi nợ.

Nội dung tin nhắn khách hàng nhận được không xuất phát từ tổng đài của F. Số điện thoại: 0339714xxx không tồn tại trên hệ thống F. Số điện thoại trên không phải là số tham chiếu của cả 02 Hợp Đồng do khách hàng cung cấp. Hiện 02 Hợp Đồng do khách hàng cung cấp đều có nợ quá hạn và khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán theo cam kết với F.F không có chủ trương thực hiện thu hồi nợ trái pháp luật và quy định của Ngân Hàng Nhà Nước".

Trước đó, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa IX, Đại tá Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương rà soát, bổ sung hồ sơ quản lý các ổ, nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng để có biện pháp đấu tranh, xử lý. Tổ chức kiểm tra các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính nhằm kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm. Phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc vay vốn với lãi suất cao để người dân nắm, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Xuân Hinh