1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Kỷ niệm 34 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

72 giờ “vào hang hùm thuần hóa cọp”

(Dân trí) - Cứ vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4), hồi ức về 72 giờ “vào hang hùm thuần hóa cọp”' lại ùa về với ông Lê Quân, tên gọi thân mật là ông Năm Quân, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Cách đây 34 năm, ông Năm Quân được Tỉnh ủy Bạc Liêu giao cho trọng trách phải tìm mọi cách vào tận sào huyệt của bộ máy chỉ huy quân sự của địch, gặp cho được tên tỉnh trưởng Bạc Liêu lúc bấy giờ là đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, để phân tích, nói rõ cho y hiểu thấu điều hơn lẽ phải mà buông súng đầu hàng cách mạng để tránh đổ máu không cần thiết.

 

Nhận nhiệm vụ vào tận sào huyệt ngụy quyền vào ngày 22/4/1975 đồng nghĩa đi vào “cõi chết”. Dù biết rằng ngày giờ tan rã sụp đổ của cả hệ thống ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn chỉ còn tính từng ngày, thậm chí tính bằng giờ nhưng tại tỉnh Bạc Liêu lúc đó, vẫn còn nguyên vẹn hệ thống đồn bốt địch bố trí dày đặc xen kẽ “da beo” giữa ta và địch; hỏa lực của ngụy quân tại Bạc Liêu vẫn còn nguyên vẹn; tiểu đoàn 411 của tên thiếu tá Nghĩa gian ác, đầy nợ máu với nhân dân, sẵn sàng chống trả lại cách mạng một cách điên cuồng nhất.

 

Ý thức rất rõ điều đó, nhưng trong suy nghĩ của người chiến sỹ cách mạng Lê Quân chỉ có duy nhất một điều: nhiệm vụ Đảng phân công, nhân dân giao phó là thiêng liêng, không thể thoái thác. Ra đi hoàn toàn có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng đổi lại nếu thành công thì sẽ mang lại vô vàn hạnh phúc cho biết bao người. Cách mạng và nhân dân không bị tổn thất, máu sẽ không đổ, chính quyền cũng sẽ về tay nhân dân, cách mạng trong nguyên vẹn-yên lành. Chinh suy nghĩ này đã thôi thúc Lê Quân thanh thản ra đi làm nhiệm vụ.

 

Với các mối liên lạc được thiết lập ngay trong lòng địch thông qua các nhân sĩ trí thức, nhà tu hành yêu nước, Lê Quân từ vùng căn cứ cách mạng đã thâm nhập thị xã Bạc Liêu vào tận hang hùm vào ngày 27/4/1975 để thuần hóa “bầy cọp dữ”.

 

Được nhân dân đùm bọc và bảo vệ, Lê Quân dành toàn bộ tâm trí để đấu tranh trực diện với “kẻ thù” từng ngày ngay trong sào huyệt của chúng lúc đó. Tuy còn hung hăng nhưng thấy người đại diện của chinh quyền cách mạng đã dám vào tận hàng ổ của mình để thuyết phục việc buông súng đầu hàng, đa số sỹ quan chóp bu ngụy đều nhận thức rõ con đường phải theo. Tuy nhiên vẫn còn một số tên do có quá nhiều nợ máu với nhân dân như tên Quận trưởng Phước Long , thiếu tá Sỹ; tiểu đoàn trưởng 411 thiếu tá Nghĩa; xã Trưởng Điểm ở huyện giá Rai... sẵn sàng chống lệnh cho nên dù đã rệu rã, tỉnh trưởng Bạc Liêu tức đại tá Điệp lúc bấy giờ vẫn buộc phải xin với đại diện cách mạng cho y thêm thời gian để thuyết phục đàn em.

 

Với kinh nghiệm dày dạn trong đầu tranh cách mạng, ông Năm Quân hiểu thế nào là “mếm nắn, rắn buông” và để cho kẻ địch thât sự tâm phục khẩu phục, ông tạm chấp thuận yêu cầu của đối phương.

 

Thời gian ở trong lòng địch cũng là lúc ông cùng với đồng đội, nhân dân, các vị thân hào nhân sỹ trí thức, nhà tu hành yêu nước cũng cố lực lượng cách mạng sẵn sàng làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh cân não cuối cùng với kẻ thù.

 

Cùng thời điểm lúc bấy giờ, chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường miền Trung, miền Đông liên tục bay về, Lê Quân biết rõ thời cơ vàng cho nhiệm vụ của mình ở Bạc Liêu đã đến và ông đã thành công trong việc đấu tranh với nhóm chóp bu ít ỏi còn lại trong tiểu khu ngụy quyền tỉnh Bạc Liêu, để cuối cùng buộc chúng phải chấp nhận buông vũ khí đầu hàng cách mạng vào ngày 30/4 như đã giao hẹn.

 

Sáng 30/4, lực lượng biệt động thành thị xã Bạc Liêu đã nhanh chóng chớp thời cơ bố trí cho Thiện, chiến sỹ biệt động, trèo lên tháp nước cao nhất thị xã Bạc Liêu treo lá cờ của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Viêt Nam, cùng lúc đó lực lượng nhân dân thị xã mang theo cờ cách mang, khẩu hiệu xuống đường đổ về khu trung tâm hành chính của tiểu khu Bạc Liêu và hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Lúc này thì toàn bộ sỹ quan các loại, binh lính của ngụy mạnh ai nấy trút bỏ những bộ quân phục lạc lõng, quăng bỏ vũ khí và tìm đường về với gia đình họ. Lúc đó đồng hồ ở Bạc Liêu mới chỉ hơn 9 giờ.

 

Năm nay, tuổi đã 83 nhưng ông Năm Quân vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh, sống vui cùng con cháu, trong đó có người hiện là bác sỹ giỏi của bệnh viện đa khoa tỉnh, người là lãnh đạo Sở, người là Phó Hiệu Trưởng một trường Đại học... còn ông - chiến sỹ Lê Quân năm xưa - cứ vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng lại đạp xe thăm lại đồng chí, đồng đội cùng thời còn sống ở thị xã Bạc Liêu, hoặc đến vui cùng các đồng chí đã nghỉ hưu ở câu lạc bộ hưu trí thị xã Bạc Liêu. Hạnh phúc lớn nhất của chiến sỹ Lê Quân là thấy thế hệ con cháu trưởng thành, có học thức, văn hóa cao và biết tôn trọng giữ gìn truyền thống.

 

Thời gian vẫn cứ trôi và cuộc sống của các chiến sỹ cách mạng như ông Lê Quân và nhiều người khác trong đội Biệt động thị xã Bạc Liêu cũng đi theo thời gian. Ông có quyền tự hào về những cống hiến cho cách mạng trong đó có chuyến công tác đặc biệt “72 giờ vào hang hùm thuần hóa cọp” - chuyến công tác có tính chất quyết định cho sự thành công của một chủ trương táo bạo của tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ là dành chiến thắng “không tiếng súng, không đổ máu”.

 

Chỉ tiếc là chiến thắng mang tính thần kỳ như vậy hiện mới chỉ được nhắc đến với những dòng viết sơ lược trong lịch sử Đảng bộ của tỉnh Bạc Liêu, chưa có công trình nghiên cứu đề cập sâu, có hệ thống hay hình thức lưu giữ chiến tích phù hợp.

 

Cao Thăng

 TTXVN