Rơi nước mắt bữa ăn của nữ công nhân

Thu nhập của chồng không ổn định, trong khi thu nhập của vợ giảm, nên chị thường xuyên rơi vào cảnh vay mượn của đồng nghiệp, hàng xóm.

Sau khi cho đứa con gần 2 tuổi ăn xong cháo, chị Dương Thị Mai, công nhân (CN) Công ty  TNHH Matsuo Việt Nam, KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) sang hàng tạp hoá bên cạnh để mua gói mỳ trắng với giá 4.000 đồng. Chị tách lấy ra 1/3 mỳ, rồi cho vào nấu cùng với rau mồng tơi và trứng (mang từ quê lên). "Bữa trưa của tôi đấy"- chị Mai nói. 

Chị Mai cho hay, từ khi ở nhà một mình trông con, bữa trưa của chị chỉ là bát mỳ ăn liền. Hôm nay, do cửa hàng hết mỳ tôm nên chị phải mua mỳ trắng để nấu với trứng, rau mồng tơi.

"Một phần là do thói quen của tôi từ trước đến nay, một phần là thu nhập giảm do phải tạm dừng việc nên bữa trưa của tôi thường chỉ đơn giản như vậy. Phải đến tối, khi đầy đủ chồng, con, tôi mới mua thịt, cá,…"- chị Mai giải thích.

Rơi nước mắt bữa ăn của nữ công nhân - 1

Chị Hoàng Thị Nông đang nấu bữa cơm trưa cho một mình mình. Ảnh: Bảo Hân

Do ăn uống thiếu chất, chị Mai gầy gò hơn so với trước. Chồng chị xót ruột, nhiều lần nhắc nhở chị, nhưng chị bảo đã quen rồi, khó bỏ được,  hơn nữa chị vốn tính tiết kiệm.

Theo chị Mai, bữa ăn của gia đình đã "teo" hơn trước do giá thực phẩm đắt hơn, trong khi đó, chị phải giảm số tiền chi tiêu cho bữa ăn của gia đình để tiết kiệm. Nhà chị đã nhiều lần rơi vào tình cảnh "cạn tiền".

Theo chị Mai, trước đây, khi chưa bị tác động của dịch Covid-19 , thu nhập của chị Mai được hơn 8 triệu đồng. Tuy nhiên, trong tháng 5, chị chỉ được đi làm nửa tháng, thu nhập còn 6,5 triệu đồng. Đến tháng 6, công ty cho CN nghỉ làm hoàn toàn. Tháng 6, tháng 7, chị Mai nghỉ hẳn ở nhà.

Hiện chị Mai vẫn chưa nhận được lương của tháng 6 nên chưa biết được bao nhiêu tiền, nghe ngóng được hưởng 70% lương thu nhập đầu vào.

Rơi nước mắt bữa ăn của nữ công nhân - 2

Bữa ăn chỉ vỏn vẹn 2 món đạm bạc của chị Hoàng Thị Nông. Ảnh: Bảo Hân

 

"Ở nhà, tôi cũng muốn đi làm thời vụ để kiếm thêm thu nhập, chắc được khoảng 4,7 triệu đồng/tháng, nhưng do bị thoát vị đĩa đệm, không đứng làm lâu được, trong khi yêu cầu là phải đứng suốt 8 giờ, nên đành chịu, giờ chỉ biết ở nhà trông con" - chị Mai chia sẻ.

Hai vợ chồng chị Mai có 3 người con, lần lượt 7 tuổi, 5 tuổi và 2 tuổi. Hai cháu đầu đi học lớp 1 và mẫu giáo, còn cháu út do chị trông. Chồng chị Mai làm công trường xây dựng tự do, thu nhập không ổn định. Thường là khi công trình phải thi công xong thì anh mới có tiền về đưa cho vợ.

Thu nhập của chồng không ổn định, trong khi thu nhập của vợ giảm, nên chị thường xuyên rơi vào cảnh vay mượn của đồng nghiệp, hàng xóm.

Sống sát nhà trọ của chị Mai là chị Hoàng Thị Nông. Trước đây, hai vợ chồng làm tại Samsung Bắc Ninh. Từ khi sinh con, để có thời gian trông con, chị xin vào Công ty Fujikin Việt Nam; còn chồng làm may tại KCN Quang Minh.

Vợ chồng chị Nông cũng bị giảm thu nhập do dịch Covid-19. Bữa trưa của chị chị gồm 2 món: Lạc rang và canh bầu.

Ngoài ra, tần suất ăn thịt của cả gia đình cũng giảm đi so với trước. Nếu như trước đây, một tuần gia đình chị ăn thịt (lợn, gà) thường xuyên, thì hiện nay, một tuần chỉ ăn 1-2 bữa; còn lại thay thế bằng cá khô, trứng,… để tiết kiệm hơn.

"Phải tiết kiệm nhiều thứ, vì thu nhập giảm, trong khi nhiều thứ phải chi; hơn nữ, phải dành dụm chút ít để phòng lúc con ốm, ông bà ở quê đau yếu,…"- chị Nông cho hay.

Theo Bảo Hân

Báo Lao động