Nữ nhân viên xe buýt và những bữa ăn vội “mỳ tôm đá”

Từ tờ mờ sáng, nữ nhân viên phụ xe buýt đã có mặt để những chuyến xe khi xuất bến không còn cọng rác. Công việc của chị em trên xe, gặp nhiều trắc trở hơn nhiều so với đồng nghiệp nam giới.

Hành trình đưa rước nghìn người từ tờ mờ sáng

Thông thường, 3h00 sáng bất kể ngày nắng hay ngày mưa, chị Trần Thị Vỹ dắt xe ra khỏi nhà đi đến chỗ làm việc. Giờ này, chưa có một chuyến xe buýt nào chạy trên đường để chị Vỹ ra bến bắt xe.

Hai tiếng sau, chị Vỹ sẽ có mặt trên chuyến xe buýt đầu tiên mang số hiệu 30 tuyến Bến xe Mỹ Đình – Mai Động. Người phụ nữ có dáng người thấp đậm là phụ xe của tuyến này, chị là một trong những người “mở bến” của ngày hôm đó.

Nữ nhân viên xe buýt và những bữa ăn vội “mỳ tôm đá” - 1

Để có mặt tại bến xe sớm, chị Vỹ phải đi từ lúc 3 giờ sáng. Ảnh: Minh Ngọc

“3 giờ sáng, khi mọi người đang say giấc ngủ, chúng tôi đã lạch cạch chuẩn bị dắt xe chạy đi làm. Mùa hè nắng ấm còn đỡ, khi mùa đông, mưa gió lạnh căm vẫn phải đúng giờ đến bến chuẩn bị” – chị Vỹ cho hay.

Nhà chị Vỹ ở phố Trương Định, để kịp 5 giờ sáng xe xuất bến, người phụ nữ này phải dậy sớm đến bến trước 1 giờ xe chạy để vệ sinh xe sạch sẽ.

Thời điểm trời còn chưa sáng, đường đi lối lại chưa có ai, phải đi làm một mình với phụ nữ thời điểm đó là là sự mạo hiểm.

Nữ nhân viên xe buýt và những bữa ăn vội “mỳ tôm đá” - 2

5 giờ sáng chị Ánh đã phải có mặt tại bến xe để lau dọn chuẩn bị cho một ngày làm việc. Minh Ngọc

“Mình cứ lên xe là phóng thật nhanh, nhiều lúc đi qua đoạn đường tối chỉ mong sao gặp được các anh Cảnh sát cơ động để có thể xin đi cùng cho đỡ sợ. Nhiều lúc cũng liều mình phóng vượt đèn đỏ chứ không dám dừng lại giữa đường lúc đêm hôm” – chị Vỹ chia sẻ.

Cầm chiếc khăn lau kính xe, chị Vỹ nói thêm: “Công việc của mình không chỉ là xé vé, soát vé mà phải chuẩn bị chuyến xe sạch sẽ để đón hành khách”.

Chị Lê Thị Ngọc Ánh – phụ xe buýt tuyến 106 kể: “Mình nhớ lúc đang phụ xe tuyến 39, hôm trước vì có việc nên mình đi chuyến vét và sáng hôm sau lại mở bến nên rất mệt vì ngủ ít. Mắt hoa hết  lên rồi, khách đưa cho mình 100.000 đồng mua vé, đúng ra mình trả lại 93.000 đồng (thời điểm vé xe buýt đang 3.000 đồng/ lượt – PV) nhưng lại đưa nhầm tờ 200.000 đồng cùng phần tiền lẻ. Đến cuối giờ mình làm lệnh để gửi tiền về xí nghiệp mới biết rằng đã trả tiền nhầm”.

Quét dọn, lau chùi xe sạch sẽ để xe không có mùi hôi khó chịu là công việc chị Vỹ thực hiện trước giờ xe xuất bến. Khi hành khách đầu tiên bước lên xe, sàn xe phải không còn cọng rác, ghế xe không có vết bẩn.

Ở cách nơi chị Vỹ khoảng 12km, chị Lê Thị Ngọc Ánh (Sn 1986) – phụ xe tuyến 106 (từ KĐT Mỗ Lao – Aeon Mall Long Biên) cũng đang bắt tay vào làm sạch chiếc xe buýt trước giờ xuất bến.

Gần 6 năm nay, chị Ánh thường xuyên dậy từ rất sớm đến chuẩn bị cho hành trình của cả hàng nghìn con người ngược xuôi trên những tuyến đường của Thủ đô.

Hai con nhà chị Ánh không thường xuyên được nghe tiếng mẹ đánh thức vào buổi sáng và chuẩn bị bữa ăn đến trường. Thay vào đó, là những cuộc gọi điện thoại dặn dò gấp gáp, vội vàng khi chuyến xe đang còn ít khách.

Con chị Ánh có cháu đã lên cấp 2, còn như chị Vỹ vẫn còn cháu nhỏ mới 2 tuổi. Mỗi ngày đi làm ca sáng của nữ phụ xe Trần Thị Vỹ là cả một thử thách với gia đình nhỏ của chị.

 “Những chị có con lớn, có thể tự lập còn đỡ, chứ con nhỏ như mình khổ hơn, thương con lắm, nhưng vì công việc phải như vậy nên cũng không biết làm sao”- Chị Vỹ nghẹn ngào.

Nữ nhân viên xe buýt và những bữa ăn vội “mỳ tôm đá”

Đặc sản phở đá, mỳ tôm đá

Mỗi ngày, những tuyến xe buýt ngược xuôi trên đường không ngừng nghỉ, những nữ phụ xe cũng như các nhân viên xe buýt phải tranh thủ từng phút được nghỉ để ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối, tùy theo ca làm việc.

“Mỗi tuyến xe buýt có thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 15 - 20 phút. Anh chị em tận dụng trong khoảng thời gian ít ỏi này dành cho những bữa ăn” – chị Vỹ nói.

Chuyện dậy sớm, đi làm sớm từ 3h00 sáng thật ra lại có cái hay. Xe xuất bến sớm, các chị phụ xe lại có bữa sáng tươm tất hơn.

Nữ nhân viên xe buýt và những bữa ăn vội “mỳ tôm đá” - 3

Tắc đường cũng sẽ khiến các phụ xe sẽ không có được bữa ăn tử tế.

Gần như gần các điểm xe đỗ, chị em đều đã biết hàng quán ở gần đấy. Lúc trời còn tảng lảng, đường sá chưa đông, khách còn ít, chị em tranh thủ xuống mua gói xôi, bánh khúc hay bánh mỳ ở ven đường. Mua nhiều thành quen, các chị có thể gọi điện đặt trước, chạy ù xuống mua trả tiền khi xe dừng bến, chỉ mất 3 - 5 giây.

Bữa trưa và bữa tối lại là chuyện khác, đây là khung giờ cao điểm của xe buýt đưa đón hàng nghìn con người. Xe đi, đến bến phải chính xác từng phút.

Anh chị em trên xe phải tranh thủ từng phút hiếm hoi để mua đồ ăn, vừa đi trên đường vừa lót dạ khi đã qua khung giờ cao điểm.

Ngay cả khi ở khung giờ nghỉ 15 – 20 phút, bữa ăn cũng không được trọn vẹn.

Trao đổi với Dân Việt, Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, Tổng công ty có gần 4.000 nhân viên bán vé, trong đó có khoảng 300 người là nhân viên bán vé nữ.

Đặc biệt, ngay trong khung giờ nghỉ, việc được ăn món ăn nhanh tròn vị với chị Vỹ và đồng nghiệp cũng là xa xỉ. “Mỳ tôm đá, phở đá là đặc sản của chúng tôi” – chị Vỹ vừa nói vừa cười.“Ổ bánh mỳ của mọi người có thể trọn vẹn đầy đủ thịt rau, tương ớt. Nhưng với bọn mình, tranh thủ từng giây, ổ bánh mình thiếu thứ này, thứ kia là bình thường. Có khi chủ quán chỉ vừa kịp cho vài lát dưa chuột vào bánh mỳ xe đã phải lên đường” – chị Vỹ kể.

Chuyện là thế này, vào hàng gọi bát mỳ tôm hay bát phở trong lúc nghỉ, nhưng đợi đến lượt cũng là khi xe sắp xuất bến. Bát mỳ, bát phở bưng ra còn ngút khói nóng, xe đã nổ máy để bật máy lạnh đón khách. Để kịp lên đường, chị Vỹ hay chị Ánh phải xin viên đá lạnh bỏ vào bát cho nguội còn ăn được ngay.

Các chị ăn bữa gấp, để phục vụ chuyến xe buýt đúng giờ.

Theo Bảo Linh - Minh Ngọc/Danviet.vn