Nghịch lý năng suất lao động khối tư nhân "bét" bảng

Năng suất lao động khối doanh nghiệp nhà nước và FDI có năng suất cao nhất, trong khi khu vực sản xuất thực sự là khối tư nhân lại có năng suất lao động thấp nhất

Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia 2019, Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động (NSLĐ) khu vực doanh nghiệp tư nhân đang nằm "bét" bảng.

Cụ thể, NSLĐ nói chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu VND/lao động. Trong đó, NSLĐ DNNN đạt 678,1 triệu VND/lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu VND/lao động còn doanh nghiệp ngoài Nhà nước chỉ đạt 228,4 triệu VND/lao động.

Hoàn toàn không bất ngờ với kết quả trên, ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, NSLĐ của khu vực DNNN đạt mức cao là dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên chứ không hoàn toàn nhờ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nghịch lý năng suất lao động khối tư nhân bét bảng - 1

NSLĐ khu vực tư nhân thấp nhất

Đối với khu vực FDI, dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng kết quả đóng góp chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Chính cho biết, tỉ trọng xuất khẩu khu vực này chiếm tới 70% nhưng vẫn chủ yếu là dựa vào Samsung và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu nội địa làm đầu vào lại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, khu vực tư nhân chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỉ trọng trong nông nghiệp lớn, hệ thống máy móc, công nghệ lạc hậu, trình độ quản trị nhân lực yếu kém, đặc biệt tỉ trọng về thị trường hạn chế, bị cạnh tranh mạnh mẽ từ khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Biểu hiện rõ rệt nhất thể hiện ở trình độ quản trị, lao động chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi hoạt động sản xuất bị phụ thuộc, làm gia công, giá trị gia tăng rất thấp.

Điển hình ở ngành công nghiệp dệt may, thông thường phải đi lên từ ngành công nghiệp sản xuất sơ sợi, dệt, nhuộm... thì các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ nắm được khâu may vá, khâu chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong toàn chuỗi sản xuất.

Ngay ở thế mạnh là nông nghiệp thì sản phẩm bán ra cũng không cạnh tranh được với các nước. Ví dụ như Thái Lan, 1 tấn gạo bán ra với giá 500-600 USD/tấn, trong khi gạo Việt Nam chỉ bán được với giá 300-400 USD/tấn.

Vì thế, NSLD của khu vực tư nhân thấp hơn nhiều so với khu vực của DNNN và FDI là hiển nhiên.

Hơn nữa, về mặt cơ chế chính sách, ông Chính cho biết tới thời điểm này Chính phủ mới có nhiều chính sách quan tâm thật sự tới sự phát triển của kinh tế tư nhân. Đây mới là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới, để nhìn được kết quả chắc chắn phải mất một thời gian dài nữa. Do đó, kết quả về NSLĐ khu vực ngoài nhà nước còn thấp ổn định trong một vài năm tới.

Mâu thuẫn NSLĐ tăng nhưng lại báo lỗ

Đồng tình với những phân tích trên, PGS TS. Mạc Văn Tiến, Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cũng cho rằng, khi cả ba yếu tố: con người, vật chất và quản trị đều yếu kém thì NSLĐ yếu kém là hiển nhiên.

Phân tích rõ hơn, PGS Mạc Văn Tiến cho biết, dù số lượng DNNN đã được thu hẹp nhưng quy mô lao động trong khu vực này vẫn lớn nhất.

Một điều rất cần được lưu ý được vị PGS nhắc tới đó là NSLĐ khu vực DNNN -  doanh nghiệp cổ phần hóa cao nhưng rất nhiều lĩnh vực trọng điểm đều than lỗ.

Điển hình như điện, xăng dầu hay khoáng sản. Điều này đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch trong hạch toán kinh doanh.

Theo vị PGS, theo cách tính chung của Bộ KH-ĐT, NSLĐ bằng tổng giá trị sản xuất chia cho số lao động bình quân toàn xã hội.

Nếu nhìn vào công thức này rõ ràng có mối liên hệ mật thiết liên quan tới giá trị đầu vào, đầu ra, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Như vậy, một doanh nghiệp có NSLĐ cao mà lại thua lỗ là mâu thuẫn lớn, cho thấy sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực này.

Điều này có thể đặt ra giả thiết, NSLĐ của khu vực này tăng có thể không dựa vào sản xuất mà tăng nhờ dựa trên các tác động khác, ví dụ như tăng giá bán.

Nhìn nhận chung, cả hai vị chuyên gia đều cho rằng nếu so sánh chung về NSLĐ của Việt Nam với các nước trong khu vực, NSLĐ của Việt Nam hiện chỉ nhỉnh hơn được Lào và Campuchia. Tuy nhiên, đây là năng suất tính chung của toàn nền kinh tế, bao gồm các khu vực DNNN, khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi, muốn cải thiện được năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động thật sự phải dựa vào năng suất của khu vực tư nhân chứ không phải dựa vào những yếu tố khách quan như tăng giá hay khai thác tài nguyên. Đó là cách tăng trưởng không bền vững, không tạo dựng được nền tảng cho phát triển.

Muốn làm được như vậy,các giải pháp về công nghệ, máy móc, trình độ quản trị cũng phải được quan tâm, đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Thái Bình/Báo Đất Việt