1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Kỷ niệm xúc động về “trùm biệt động” Quang Thái qua lời kể của con gái

(Dân trí) - Mới đây, nhiều người trong giới nghệ đã chia sẻ câu chuyện xúc động về nghệ sĩ Quang Thái do chị Bùi Kim Chi - con gái của ông viết.

NSƯT Bùi Quang Thái – người để đời với vai “trùm biệt động” trong phim “Biệt động Sài Gòn” qua đời hôm 17/6, hưởng thọ 83 tuổi. Cố nghệ sĩ sinh năm 1937, thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ hai của Nhà hát kịch Việt Nam cùng với nhiều tên tuổi như: Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh.

Kỷ niệm xúc động về “trùm biệt động” Quang Thái qua lời kể của con gái - 1

Chân dung nghệ sĩ Quang Thái.

Nhắc tới Quang Thái không thể bỏ qua các vai diễn như: Ranf trong Hòn đảo thần Vệ nữ, Phêđô trong Tập nhật ký bỏ quên, Pơtitông trong Ả cave nhà hàng Macxim, Tixafe trong Vụ án người đốt đền, Bottom trong Giấc mộng đêm hè. Không riêng kịch nước ngoài, nghệ sĩ Quang Thái khẳng định tên tuổi trong những vở kịch Việt Nam kinh điển của Nhà hát Kịch Việt Nam: Đôi mắt, Bão Biển, Đêm mưa, Tay súng quân dân…

Mới đây, nhiều người trong giới nghệ đã chia sẻ câu chuyện xúc động về nghệ sĩ Quang Thái do chị Bùi Kim Chi - con gái của ông viết.

Chị Bùi Kim Chi viết: “Bố Thái. Khi mình tốt nghiệp phổ thông rồi thi đại học là lúc tin tức trên đài đưa về diễn tiến Hội nghị Paris. Bố mình là diễn viên Nhà hát kịch Trung ương, thường xuyên phải đi công tác, tức đi diễn kịch phục vụ tiền phương, phục vụ các địa phương có bộ đội đóng quân và cả các vùng quê xa nơi các nhà máy xí nghiệp sơ tán. Vì thế nên bố mình không mấy khi ở nhà. Mẹ mình mới mất trước đó ít lâu nên trụ cột trong nhà thay cả bố mẹ chăm sóc mấy đứa nhỏ là bà nội.

Được giấy báo kết quả thi đại học điểm cao, mình sướng không thể tả, khoe với bà. Cả nhà hào hứng chờ bố mình về. Hồi đó làm gì có điện thoại, cũng chẳng có bưu điện, vì bố mình theo đoàn lưu diễn chứ không ở nơi nào lâu. Sau đó, mình nhận được giấy báo triệu tập vào đại học ngoại ngữ - lớp tiếng Đức một năm để chuẩn bị sang Đức học Luật - đúng như nguyện vọng mà mình ghi trong hồ sơ xin học.

Tờ giấy báo còn ghi rõ cả thành phố và tên trường bằng tiếng Đức, làm mình cứ hoa cả mắt nhưng cảm giác lâng lâng. Vốn cũng thích ngoại ngữ, những hàng chữ tiếng Đức kia cứ nhún nhảy trong đầu mình như những đàn chim trong giấc mơ về một nơi xa xôi của cô bé Hà Nội.

Kỷ niệm xúc động về “trùm biệt động” Quang Thái qua lời kể của con gái - 2

Nghệ sĩ Quang Thái và con gái Bùi Kim Chi.

Mình ngóng trông từng ngày chờ bố về, chắc bố mình sẽ vui lắm, nhất là gia đình mình mới trải qua những tháng ngày rất buồn, mình cảm thấy đây sẽ là niềm an ủi lớn nhất cho bố mình lúc ấy.

Mãi bố mình vẫn chưa về thì một hôm có ông này mặc áo đại cán, tay xách cặp da, tới nhà mình tự giới thiệu là người của Ban Tuyển sinh, đòi gặp phụ huynh của em Bùi Kim Chi. Mình đưa ông ấy vào nhà gặp bà nội mình. Ông ấy nói dăm ba câu rồi sau khi hiểu gia cảnh thì bảo: “Khi nào bố cháu về thì nói bố cháu lên gặp bác ở văn phòng ở địa chỉ này. Còn hiện tại vì có vấn đề nên cháu tạm không tập trung đi học tiếng Đức, khi nào bố cháu về mới thẩm tra được một số chi tiết về lý lịch.”

Thế là diễn ra những ngày thấp thỏm lo âu đầy u ám. Bà nội mình đêm nào cũng mất ngủ. Mình vẫn không nguôi hy vọng là bố mình về thì mọi việc sẽ xong rồi thể nào mình cũng được đi học nước ngoài. Mình thi đỗ được điểm cao thế cơ mà!

Rồi bố cũng về, ngay lập tức bố mình đèo xe đạp đưa con tới văn phòng ông kia. Hai bố con nghe ông ấy nói một thôi một hồi nhưng kết cục là mình sẽ không đi Đức được...

Bố mình đăm chiêu, còn mình bắt đầu khóc. Bố mình đạp từng vòng xe nặng trĩu về nhà. Bà mình đã pha ấm trà chờ hai bố con. Bố mình kể lại đầu đuôi cho bà nghe, bà lấy khăn thấm nước mắt rồi nói “những người này sao ác thế!”.

Yên tĩnh cũng trở lại và không lâu sau, bố lại đèo xe đạp đưa mình tới trường đại học ngoại ngữ với tờ giấy nhập học khoa tiếng Anh. Mình nung nấu ý chí phải học thật giỏi, phải làm gì đó thật hay sau này cho bà mình hả dạ, cho bố mình vui.

Học xong đại học, có việc làm rồi, mình vẫn hay nghĩ đến nghề luật. Nhân khi cơ quan có thông báo cho cán bộ nào có nguyện vọng học tại chức, thế là mình đi thi và được tuyển vào học luật. Sau bốn năm vừa đi làm vừa đi học, cuối cùng mình cũng lấy được cái bằng đại học pháp lý tại chức - bây giờ gọi là cử nhân luật!

Có cái bằng để đó thôi, mình vẫn làm phiên dịch và suốt ngày dịch nói dịch viết, thỉnh thoảng cũng va chạm tí chút về luật khi phải dịch các cuộc đàm phán, mà nội dung là các hợp đồng, trong đó rất nhiều từ về luật, may quá do cũng nắm được tí chút về luật nên mình vừa dịch vừa giải thích cho đoàn nghe vì lúc đó còn chưa có cả khái niệm luật sư!

Sau một thời gian mình cũng được giao việc đi công tác nước ngoài, rồi sau hơn chục năm làm việc ở Hà Nội cuối cùng mình vào được cuộc phỏng vấn cấp học bổng du học Úc, nào ai ngờ điểm chốt lại vấn đề tại cuộc phỏng vấn tại Tòa Đại sứ Úc lại chính là nhờ cái bằng cử nhân luật kia còn tiếng Anh mình đã khá thạo rồi. Sau đó lại cũng nhờ những điều may mắn không thể tưởng được, mình được cấp tiếp học bổng làm luận án tiến sĩ luật tại Úc.

Kỷ niệm xúc động về “trùm biệt động” Quang Thái qua lời kể của con gái - 3

Nghệ sĩ Quang Thái cùng NSND Trà Giang và thi sĩ Hoàng Cầm trong một lần hội ngộ.

Sau mấy năm vất vả học ở Đại học Quốc gia Úc (ANU) ở Canberra và làm tiến sĩ ở Đại học Luật Melbourne, mình cầm trong tay hai cái bằng sang trọng ấy trở về Hà Nội lại đúng thời gian cơ quan cũ bị giải thể. Bộ Thủy lợi bị sát nhập với Bộ Nông nghiệp và Bộ Thủy sản, mọi người đang ngao ngán không biết xếp chỗ nào cho ai, trước có ba vụ trưởng thì nay chỉ còn một chỗ, trước chỉ có mười trưởng phòng thì nay có tới 30 trưởng phòng! Nhân viên thì từ 30 thành 90, giờ biết xếp cô này vào đâu?

Như một cứu cánh cho các bên liên quan, bên Úc gửi giấy mời mình làm nghiên cứu chuyên ngành tại Đại học Luật Sydney. Mình liền xin nghỉ việc và đề nghị cơ quan cho phép mình đi Úc. Tổ chức cán bộ cho cái giấy trong một nốt nhạc.

Từ từ rồi mình cũng thành giảng viên đồng thời cũng đảm nhiệm những trách nhiệm nghe rất oách. Nhân một chuyến về Hà Nội, mình khoe với bố cái danh thiếp. Bố mình chẳng có vẻ ấn tượng gì lắm với chức danh Associate Director được in trên thiếp – con ông phải thế chứ – mà tay xoa xoa lên cái logo của Đại học Sydney được in nổi óng ánh nhũ vàng, rồi nheo mắt với vẻ hài hước muôn thủa: “Cái này đẹp quá, trông nó quyền quý lắm, y như của bọn phong kiến con ạ!”

Trước khi mình đi, bố ghé tai: 'Con cố gắng nhé, cả nhà ai cũng thương con. Con trưởng thành rồi, bố biết không phải lo gì cho con cả. Con lại nói tiếng Anh, chứ hồi đó con mà đi Đức thì rồi hai đứa con gái của bố đều nói tiếng Đức cả!”

Từ xưa tới giờ, trong nhà mình không ai nhắc lại biến cố kia một lần nào cả. Hôm ấy là lần duy nhất bố mình nhắc tới chuyện ấy nhẹ như làn gió. Mình ôm cổ bố “Bố vẫn thế và con đây cũng nguyên xi bạch vệ ạ!” thế là hai bố con mình cười “rung” nhà”.

Hà Tùng Long