Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop

(Dân trí) - Sự ra đi gây chấn động của ngôi sao K-pop 25 tuổi - Sulli - đã một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về áp lực đến mức không chịu nổi, thứ áp lực “tử thần” trong nền công nghiệp âm nhạc K-pop.

Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop - 1

Ngôi sao K-pop Sulli đã ra đi ở tuổi 25

Sự thành công của các nhóm nhạc K-pop trước nay đều tuân theo một công thức chung về giai điệu, vũ đạo, diện mạo... Một nhóm nhạc thành công trong nền công nghiệp âm nhạc K-pop được huấn luyện để có sự hòa hợp tới mức hoàn hảo.

Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài và những màn trình diễn được xây dựng hoàn hảo đó là một thực tế đầy áp lực đến từ sự đón nhận của công chúng, sự đào thải của nền công nghiệp, sự quản lý gắt gao của công ty quản lý... Tất cả những điều đó làm nảy sinh các vấn đề tâm lý trầm trọng một cách âm thầm đối với nhiều ngôi sao K-pop.

Sự ra đi gây chấn động của ngôi sao K-pop 25 tuổi - Sulli - đã một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về những áp lực đến mức không chịu nổi, những áp lực “tử thần” trong nền công nghiệp âm nhạc K-pop. Cựu thành viên của nhóm nhạc nữ f(x) được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng ở thành phố Seongnam (Hàn Quốc) vào ngày thứ 2 vừa qua do tự tử.

Trước khi qua đời, Sully đã từng chia sẻ về việc bị bắt nạt trên mạng do bản thân luôn thẳng thắn đưa ra những quan điểm cá nhân, cô cũng tiết lộ về những vật lộn với sức khỏe tinh thần trong một cuộc phỏng vấn gần đây, theo đó, cô tự nhận đã “giấu giếm mọi người bằng cách cố tỏ ra mình hạnh phúc”.

Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop - 2

Ngôi sao K-pop Sulli đã ra đi ở tuổi 25

Dù vậy, Sulli không phải là thần tượng K-pop duy nhất phải vật lộn với những vấn đề sức khỏe tinh thần, báo chí Hàn Quốc và quốc tế đã đưa tin nhiều về cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng trong nền công nghiệp K-pop.

Năm 2017, nam ca sĩ Kim Jong-hyun, cựu thành viên của nhóm nhạc nam SHINee đã tự tử và để lại một bức thư trong đó nói rõ về chứng trầm cảm hành hạ anh và khẳng định rằng “cuộc sống của người nổi tiếng không phù hợp với tôi”.

Dù vậy, sự ngại ngần khi nói về những vấn đề sức khỏe tinh thần là thường gặp tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển có số người tự tử ở mức cao khiến đất nước này đang phải tiến hành những biện pháp để đương đầu xử lý vấn đề.

Bà Euny Hong, tác giả của cuốn “The Birth of Korean Cool: How One Nation is Conquering the World with Pop Culture” (Sự ra đời của hấp lực Hàn Quốc: Đất nước chinh phục thế giới bằng văn hóa đại chúng) đã chia sẻ với truyền thông rằng áp lực đang ngày càng gia tăng đối với ngôi sao K-pop, điều này đến từ phía công ty quản lý và công chúng.

Cùng với đó là những ngại ngần xung quanh việc chia sẻ về vấn đề sức khỏe tinh thần, khiến các thần tượng K-pop càng dễ chìm sâu vào khủng hoảng. K-pop mới bắt đầu có những ngôi sao quốc tế, vì vậy, các ngôi sao K-pop vẫn chưa được trang bị đủ để đương đầu với những vấn đề tâm lý khi trở thành thần tượng.

Sự e dè trong việc trị liệu tâm lý đã đẩy nhiều ngôi sao K-pop vào bi kịch. Những thay đổi quan trọng cần phải được thực hiện để tránh khỏi những vụ việc đau lòng như vừa rồi.

Huấn luyện một ngôi sao K-pop

Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop - 3

Ngôi sao K-pop Sulli đã ra đi ở tuổi 25

Nhà báo chuyên về mảng âm nhạc, người đã có nhiều năm tìm hiểu về K-pop - ông Jeff Benjamin chia sẻ: “Không ai bất ngờ xuất hiện và rồi trở thành nghệ sĩ K-pop cả. Giọng hát và vũ đạo mà các fan được thấy trên sân khấu là kết quả của nhiều năm luyện tập vất vả.

“Họ là các ‘thần tượng K-pop’, đó là một từ quan trọng khi suy nghĩ về nền công nghiệp này. Hàm nghĩa đằng sau từ đó là các ca sĩ phải thật hoàn hảo và lý tưởng, đó là lý do tại sao họ tập luyện miệt mài đến độ căng thẳng trước khi ra mắt công chúng”.

Các ngôi sao K-pop được phát hiện thông qua những buổi thử giọng được các công ty giải trí tiến hành, hoặc được săn tìm trên đường phố đơn giản bởi vẻ ngoài hấp dẫn. Sau khi được ký hợp đồng với công ty giải trí, họ sẽ trải qua những khóa huấn luyện rất khắc nghiệt.

Giáo sư Lee Dong-yeon giảng dạy chuyên ngành văn hóa tại trường Đại học Quốc gia Seoul chia sẻ với tờ South China Morning Post rằng những công ty giải trí này giống như những “hệ thống nuôi trồng thần tượng”.

Các chương trình đào tạo thần tượng K-pop thường xoay quanh một lịch trình nghiêm ngặt bao gồm tập luyện thể hình, tập luyện vũ đạo, luyện giọng, luyện tập giao tiếp...

Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop - 4

Ngôi sao K-pop Sulli đã ra đi ở tuổi 25

Stella Kim, người từng tham gia tập luyện cùng nhóm nhạc nữ Girls Generation trước khi nhóm ra mắt công chúng, nhưng rồi cô quyết định rút lui trước khi “trình làng”, đã tiết lộ về việc hàng tuần cô buộc phải bước lên cân ngay trước mặt các thực tập sinh khác để cùng nhau có ý thức giữ gìn vóc dáng, điều đó đã khiến cô bị căng thẳng và rối loạn thói quen ăn uống:

“Chúng tôi xếp hàng và lần lượt bước lên cân. Người ta sẽ nói to cân nặng của bạn trước mặt mọi người. Nếu cân nặng của bạn không giảm xuống so với tuần trước, bạn sẽ rất khốn khổ”. Cô gái cao 1m70 này từng có lúc chỉ nặng 41kg.

Stella Kim cho hay: “Trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, vẻ đẹp thường được nhìn nhận từ khía cạnh diện mạo. Vẻ đẹp ấy thường là sự phóng đại của những gì thuộc về nữ tính, nam tính... Những góc nhìn méo mó được đặt ra dựa trên những chuẩn mực tạo dựng bởi đời sống văn hóa xã hội vốn đã có quá nhiều áp lực và đang biến đổi không ngừng”.

Nhiều “thực tập sinh K-pop” tập luyện từ khi họ còn là học sinh, họ phải xoay xở giữa lịch tập luyện và lịch học. Các thực tập sinh sẽ phải dành ra nhiều năm tham gia các khóa huấn luyện nhưng điều đó vẫn chưa đảm bảo rằng họ sẽ có được một vị trí trong nhóm nhạc được tung ra thị trường.

Nhà báo Jeff Benjamin cho hay: “Bạn phải luyện tập rất vất vả, phải chứng tỏ mình đã nỗ lực nhiều hơn, vượt trội hơn mới có được cơ hội chính thức ra mắt công chúng. Phẫu thuật thẩm mỹ cũng rất thường thấy trong quá trình chuẩn bị của những thực tập sinh trước khi được ra mắt công chúng ”.

Vấn đề sức khỏe tinh thần trong nền công nghiệp K-pop

Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop - 5

Ngôi sao K-pop Sulli đã ra đi ở tuổi 25

Một khi thực tập sinh được lựa chọn để “trình làng” cùng với một nhóm nhạc, mọi thứ từ đầu tóc, trang phục, trang điểm, cho tới cách gây dựng hình ảnh trước công chúng đều được lên kế hoạch cẩn trọng và được quản lý chi tiết bởi công ty chủ quản. Từng thành viên đều có trách nhiệm duy trì hình ảnh chung của cả nhóm như đã được lên kế hoạch.

Với sự gia tăng ảnh hưởng của mạng xã hội và sự xuất hiện ngày càng nhiều những fan cuồng, sự hâm mộ dành cho các thần tượng K-pop nhiều khi trở nên quái dị, thậm chí có dấu hiệu tội phạm, chẳng hạn một fan cuồng có thể đột nhập vào nhà của thần tượng để chụp ảnh. Những sự hâm mộ đến mức ám ảnh này càng khiến áp lực gia tăng đối với ngôi sao.

Tác giả Euny Hong đánh giá: “Vụ tự tử của Sulli cho thấy áp lực đối với ngôi sao K-pop lớn thế nào và áp lực ấy không chỉ đến từ phía công ty quản lý như người ta từng nghĩ. Hiện tại, chưa có nền công nghiệp giải trí nào biết cách hỗ trợ các ngôi sao để họ đứng vững, dù là đang ở thời kỳ hoàng kim hay đã đi qua thời đỉnh cao”.

Sulli từng phải nhận nhiều đánh giá tiêu cực trên mạng xã hội vì những phát ngôn thể hiện quan điểm riêng cũng như những bức ảnh bị fan chỉ trích vì phong cách sexy phóng túng. Sulli gần đây đã xuất hiện trên một show của truyền hình của Hàn Quốc để tâm sự về những sự bắt nạt trên mạng xã hội mà cô phải đối diện.

Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop - 6

Ngôi sao K-pop Sulli đã ra đi ở tuổi 25

Nhà báo Benjamin nhận định: “Ở Hàn Quốc, cộng đồng fan của Sulli đã cảm thấy thất vọng vì nhiều người đã đối xử rất độc ác với cô trên mạng xã hội, họ đã đăng tải những lời bình luận rất khiếm nhã, thể hiện sự thù ghét đối với Sulli, có rất nhiều điều tiếng tiêu cực xoay quanh Sulli và chủ yếu xuất phát từ cộng đồng mạng”.

Trước cái chết gây chấn động của Sulli, các fan đang hy vọng về một sự thay đổi trong nền công nghiệp K-pop, rằng nhiều ngôi sao sẽ chia sẻ cởi mở hơn về những rắc rối họ gặp phải trong vấn đề sức khỏe tinh thần.

Phản ứng trước việc thành viên của nhóm SHINee - nam ca sĩ Jong-hyun tự tử, thành viên Suga của nhóm nhạc nam BTS từng chia sẻ với tờ tin tức E! News rằng: “Mỗi người chúng ta đều đang chịu đựng những nỗi thống khổ và sự cô đơn của riêng mình”.

Suga hy vọng rằng người dân Hàn Quốc sẽ dần cởi mở hơn “để chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ mà không cảm thấy quá ngại ngùng, để có thể chia sẻ những điều khó nói khi cảm thấy mọi chuyện đã trở nên quá nặng nề, và để có thể nói ra rằng chúng ta đang nhớ một người nào đó khi chúng ta thực sự nhớ họ”.

Cái chết của nữ thần tượng làm dấy lên câu hỏi về áp lực trong K-pop - 7

Ngôi sao K-pop Sulli đã ra đi ở tuổi 25

Thành viên RM của BTS chia sẻ với Billboard rằng anh hy vọng nhà chức trách tại Hàn Quốc sẽ tiến hành nhiều biện pháp hơn để giúp xử lý những vấn đề sức khỏe tinh thần của thế hệ trẻ.

Một số công ty giải trí tại Hàn Quốc cũng đã bắt đầu nhìn nhận cơn khủng hoảng ngày càng gia tăng đối với vấn đề sức khỏe tinh thần trong nền công nghiệp âm nhạc K-pop và đang tích cực tìm ra những giải pháp để xử lý.

Các công ty này đã bắt đầu cung cấp những dịch vụ hỗ trợ tâm lý dành cho các thực tập sinh và những nghệ sĩ nằm trong sự quản lý của họ, đồng thời cũng có những lớp học về cách cân bằng tâm lý, tránh trầm cảm, tự sát...

Nhà báo Benjamin nhận định: “Các nghệ sĩ trẻ tại Hàn Quốc cần có thời gian để học cách cởi mở chia sẻ những vấn đề của họ, để giảm đi những ngại ngần khi nói về vấn đề sức khỏe tinh thần. Vấn đề này lớn hơn câu chuyện xoay quanh một ngôi sao.

“Khi nền công nghiệp âm nhạc K-pop để lại những dấu ấn lớn hơn trong nền công nghiệp âm nhạc quốc tế, yếu tố tâm lý của nghệ sĩ càng cần được quan tâm trong quá trình phát triển của K-pop. Trong nền công nghiệp giải trí Mỹ, các nghệ sĩ đã học được cách chia sẻ cởi mở về những vấn đề tâm lý mà họ gặp phải và người ta cũng dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn đối với vấn đề này”.

Bích Ngọc

Theo South China Morning Post/NextShark