Bộ trưởng Bộ TT&TT: "Ngành xuất bản phải thay đổi để thích nghi"

Hương Hồ

(Dân trí) - Trước những cơn "sóng thần công nghệ", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - nhận định, ngành xuất bản đang gặp khó khăn, cần đổi mới tư duy, sáng tạo.

Sáng 22/3, tại Hà Nội, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024.

Hội nghị đề ra mục tiêu năm 2024 là: Đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng, khai thác hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để hướng tới chuyển đổi số. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị công nghệ và xuất bản để hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các nhà xuất bản.

Bộ trưởng Bộ TTTT: Ngành xuất bản phải thay đổi để thích nghi - 1

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 (Ảnh: Ban Tổ chức).

Đồng thời, cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển nhà xuất bản số, triển khai giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong điều hành, giám sát hoạt động, xử lý vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là quản lý nội dung xuất bản phẩm, hạn chế thấp nhất việc để xảy ra vi phạm về chính trị, tư tưởng; tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, phòng, chống in lậu.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT - cho rằng, hoạt động xuất bản phẩm điện tử trong năm 2023 có nhiều nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản.

Trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương, 9 nhà xuất bản thuộc địa phương. Năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4,1 nghìn tỷ đồng (tăng 4,98%), nộp ngân sách hơn 383 tỷ đồng (tăng 8,5%).

Năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm (giảm 11%). Có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản, phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản. Số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh.

Bộ trưởng Bộ TTTT: Ngành xuất bản phải thay đổi để thích nghi - 2

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT - trình bày báo cáo tổng kết (Ảnh: Ban Tổ chức).

Đến 31/12/2023, đã có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị phát hành đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp Giấy xác nhận (dự kiến tăng 27-28 đơn vị năm 2024).

Bên cạnh đó, doanh thu sách nói cũng có sự tăng trưởng cao. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp trong thời gian năm 2022 và năm 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra.

"Với số lượng các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, nên thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển, bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc", ông Nguyễn Nguyên nhận xét.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành xuất bản đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với xuất bản phẩm; công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

"Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Báo cáo, tham luận của các đại biểu đã nêu rất rõ, đã chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục", ông Thủy nhận xét.

Bộ trưởng Bộ TTTT: Ngành xuất bản phải thay đổi để thích nghi - 3

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT - phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Ban Tổ chức).

Phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT - nhấn mạnh, ngành xuất bản đang gặp khó khăn, là "giai đoạn nhiều đau đớn".

Dẫn lời Darwin: "Kẻ tồn tại không phải kẻ mạnh nhất. Kẻ tồn tại cũng không phải thông minh nhất. Giống loài tồn tại là thích nghi'", ông Hùng cho rằng ngành xuất bản cần đổi mới, sáng tạo, cần thích nghi với cuộc cách mạng công nghệ.

"Những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới. Cần phải nhìn những động lực mới, hướng đi mới đang nhen nhóm để tạo ra thay đổi.

Cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng, sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế, hoàn thành vai trò "nhạc trưởng" để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững", ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, một lĩnh vực lâm vào khó khăn là khi nó đang bị thay thế bởi những tổ chức bên ngoài chưa tìm được hướng đi mới. Khi có cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ có doanh nghiệp mới, sử dụng công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm thay thế nhiều ngành ở nhiều lĩnh vực.

"Dùng công nghệ mới để làm tốt hơn" là nhận định, đồng thời là định hướng của người đứng đầu ngành TT&TT với ngành xuất bản.