Nhiều ý kiến quanh đề Văn hỏi “học trò nghĩ gì về nhà vô địch AFF Cup?”

(Dân trí) - Câu 1 phần Làm văn trong đề thi học kỳ khối 12 của Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM đặt câu hỏi về suy nghĩ của học sinh về các nhà vô địch AFF Cup đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận, phản biện.

Cụ thể, câu hỏi trong đề như sau:

"Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần".

 

 

Nhiều ý kiến quanh đề Văn hỏi “học trò nghĩ gì về nhà vô địch AFF Cup?” - Ảnh 1.

 

Sau khi học trò kết thúc buổi thi, câu hỏi trong đề thi này được chia sẻ, nhiều giáo viên, những người có chuyên môn lên tiếng nhận xét về đề thi này. Trong đó, có những ý kiến đặt ra nên cân nhắc khi đưa dữ liệu là các vấn đề thời sự vào đề thi.

Cô Tr.M.L., giáo viên dạy văn ở quận 7, TPHCM phân tích đây là đề thi theo theo phong trào, không khoa học. Bản thân cô không ủng hộ ra đề theo phong trào vì tưởng là hay, là dễ nhưng lại "chết" học sinh.

Cô chỉ ra, đề thi sử dụng nguồn dữ liệu không rõ ràng, theo như cô biết đây là dữ liệu từ một trang luyện thi, một giáo viên luyện thi. Cách ra đề ghị luận xã hội như trên rối rắm, lôm côm, không có sự logic, liên kết nào giữa đá bóng giỏi, vô địch bóng đá với "có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc" rồi "sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần".

Cô L. nói một cách dứt khoát: "Nếu tôi là tổ trưởng, tôi không duyệt đề thi này".

Một giáo viên dạy Văn khác ở Phú Nhuận, TPHCM bày tỏ, dạng đề Nghị luận xã hội là dạng để mở, cần cho học sinh tự do trong quan điểm. Nhưng đề thi trên lại "đóng khung" lại theo khuôn để học sinh theo tư tưởng của người ra đề là chưa ổn.

Việc đưa chuyện bóng đá để nói "ý thức chủ quyền lãnh thổ" ghép chung là khá khập khiễng, miễn cưỡng. Với nội dung đề thi trên, giáo viên này đã chỉnh lại một cách hợp lý hơn: "Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018".

Về việc ra đề văn sử dụng yếu tố thời sự, phong trào, cô cho hay, vẫn có thể ra đề sử dụng các dữ liệu này nhưng cần nhất là người ra đề phải khách quan, không chạy theo thị hiếu nhất thời. Và những vấn đề thời sự đưa ra phải mang ý nghĩa nhân văn vì bản chất của môn Văn là hướng tới giá trị làm người cũng như định hướng, rèn luyện nhân cách cho học trò.

Một giáo viên Văn nổi tiếng ở TPHCM đánh giá, nếu về mặt dư luận, nhìn tổng thể thì đề thi trên không có vấn đề gì. Còn nếu trao đổi về chuyên môn, đề đưa ra nhiều vấn đề về mẫu hình, sự cống hiến của thế hệ cầu thủ mới cũng hợp lý như yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc, lao động để khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực... Nhưng chi tiết liên tưởng bóng đá với "bảo vệ chủ quyền dân tộc" thì đi hơi xa.

"Về chuyên môn, tôi chỉ đặt ra với giáo viên khi ra đề như vậy với một số em không xem bóng đá, không yêu thích bóng đá thì liệu có gặp khó khăn gì hay không?", thầy giáo này cho hay.

 

Nhiều ý kiến quanh đề Văn hỏi “học trò nghĩ gì về nhà vô địch AFF Cup?” - Ảnh 2.

Học trò Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM mặc áo đỏ sao vàng, nhảy flashmob ủng hộ đội tuyển Việt Nam trước trận chung kết AFF Cup vừa qua.

 

Ông cũng nói thêm, đề ra như vậy nhưng liệu đáp án có dám mở, đủ mở để tiếp nhận những ý kiến đa chiều của học trò cũng là điều cực kỳ quan trọng. Các em có thể đưa ra lập luận, cách nhìn khác mà đề "áp đặt" thì đáp án cần phải có độ mở để tiếp nhận.

Về đề Văn nói trên, Trường THPT Nguyễn Du giải thích những ngày qua, dễ dàng cảm nhận học trò rất yêu thích bóng đá, yêu thích thế hệ cầu thủ Việt Nam hôm nay và rất hào hứng với niềm vui chiến thắng của đội nhà tại AFF Cup vừa qua. Thế nên tổ Văn của trường đã đưa vấn đề này lồng ghép vào nội dung đề thi giúp các em có cảm hứng, cảm xúc làm bài, thể hiện suy nghĩ của mình về các tuyển thủ Việt Nam.

Qua đó, thầy cô cũng hy vọng, học trò sẽ hiểu sâu sắc rằng để giành được chiến thắng vinh quang, các cầu thủ đã phải học tập, rèn luyện rất nhiều bởi không có chiến thắng nào là dễ dàng. Qua đó định hướng học sinh muốn đạt kết quả cao trong học tập hay thành công trong cuộc sống, bản thân các em phải luôn cố gắng, phải có một quá trình tự rèn luyện nghiêm túc.

Hoài Nam