Tết là để vui, không phải để vùi đầu trong bếp

(Dân trí) - Đầu năm mới, gọi điện chúc xuân chị đồng nghiệp cùng phòng. Hỏi chị tết đi chơi được nhiều không. Chị thở dài: “Suốt mấy ngày tết vùi đầu trong bếp không kịp thở, nói gì đi chơi”.

Tết là để vui, không phải để vùi đầu trong bếp - 1

Chị là dâu cả trong một gia đình trưởng tộc. Hồi chị còn con gái, mẹ chị nói “Yêu ai thì yêu, tránh con cả với con trai độc nhất trong nhà ra”. Ý mẹ chị, với vai trò đó nàng dâu thường vất vả trong việc chăm lo quán xuyến nhà chồng. Nhưng một khi yêu, ai còn nghĩ là con cả hay con thứ trong nhà. Chị lấy anh còn là dâu cả nhà trưởng họ.

Tết đầu tiền làm dâu, chị hí hửng sắm bao nhiêu áo váy đẹp, hí hửng năm đầu ăn tết quê chồng, nhất định phải thật rạng rỡ, phải xinh đẹp. Chả gì, chị cũng là con gái thành phố, về quê nhất định không thể xuề xòa. Chồng chị nhìn chị háo hức chỉ cười. Mãi sau này chị mới hiểu nụ cười bí hiểm có phần thương cảm của anh khi ấy.

Mấy ngày cận tết, chị theo mẹ chồng đi chợ để làm “chân xách đồ”, rồi về nhà làm “chân sai vặt” quay như chong chóng. Việc gì mẹ chồng cũng dạy cũng bày, sợ chị vụng về, anh em họ hàng cười cho.

Cứ tưởng chỉ bận mấy ngày chuẩn bị tết thôi, nhưng từ mồng một tết mới là cực hình. Từ sáng mồng một, mẹ chồng đã gọi chị dậy sớm, chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. Vì là nhà trưởng tộc, anh em họ hàng đến thắp hương cho tổ tiên rất đông. Cứ tốp này về thì tốp kia tới. Ai đến mẹ chồng cũng bảo chị dọn mâm cỗ, cắt bánh, cắt giò, xào rau. Mỗi người đụng đũa một tý rồi về. Dọn mâm chưa xong, người khác đến lại dọn mâm ra. Chồng chị thì ngồi hết mâm này đến mâm khác chúc tết họ hàng, lúc nào cũng trong tình trạng “tây tây” nửa mê nửa tỉnh.

Cho đến sáng mồng ba chị mới được giải thoát khỏi căn bếp, ăn mặc đẹp một chút cùng chồng đi chúc tết họ hàng. Nhưng rồi đến nhà cô bác, họ lại dọn mâm mời ăn, không ăn không được, ăn xong thì lại phải xắn tay phụ các chị các em thu dọn.

Lần đầu tiên ăn tết ở nhà chồng, chị càng nhớ nhiều về những tết khi mình còn độc thân. Những chuyến du lịch đó đây, những cuộc đi chơi cùng bạn bè, đi đâu cũng thơm tho áo quần xúng xính. Tết khi ấy đúng nghĩa là nghỉ tết, là vui xuân. Chị tưởng phụ nữ lấy chồng, làm dâu ai cũng giống chị, nhưng khi hỏi bạn bè mới biết, chỉ mình chị lâm vào cảnh ấy thôi.

Lấy chồng rồi chị khiếp tết đến nỗi, năm thứ hai làm dâu, chị khóc xin chồng cho ăn tết ngoại. Nhưng chồng chị nói không được, bởi anh chị ở thành phố, vốn dĩ gần nhà ngoại rồi. Mỗi năm chỉ về quê chồng vài lần vào dịp lễ tết, chị lại là dâu cả trong họ, không thể không về. Anh dỗ dành chị: “Em chỉ cần vất vả mấy ngày tết thôi, còn những ngày thường, bếp núc cứ để anh cân hết. Em thương anh thì chịu khó ít ngày”. Chồng đã nói như vậy, chị lẽ nào còn không nghe. Nhưng rồi lâu dần thành quen, một năm, hai năm, đến năm thứ năm thứ sáu thì quen như nếp nhà rồi, không còn thở than nữa.

Chị nói với tôi: “Sau này chị có con dâu, chị sẽ đơn giản hóa mọi chuyện hết. Phụ nữ quanh năm tất bật đủ thứ chuyện rồi. Mấy ngày lễ tết là để chơi, để vui, không phải để vùi đầu cắm mặt vào bếp”.

Tết chung của tất cả mọi người nhưng đón tết thế nào thì mỗi người mỗi cách. Mỗi quê mỗi lề, mỗi nhà mỗi nếp. Thời đại bây giờ không còn đói ăn đói mặc như xưa. Ít ai chờ tết để được mặc đẹp, ăn ngon. Thay vào đó là coi như dịp nghỉ ngơi sau một năm làm việc mệt mỏi, là dịp đoàn tụ gia đình sau những ngày tháng cách trở vì mưu sinh.

Tết, ngẫm cho cùng, là cảm giác bình yên khi người đi xa được trở về nhà, là khỏa lấp những nhớ mong chờ đợi, là vui vẻ ôn lại chuyện xưa, háo hức cho những dự định một năm sắp tới. Tết sẽ bớt đi niềm vui nếu đàn ông chỉ vùi trong men rượu, còn đàn bà thì vùi trong căn bếp. 

Mi Mi