Mười năm khổ sở cho một cuộc ly hôn nhẹ nhàng?

(Dân trí) - Mấy hôm nay, trên mạng xã hội đang chia sẻ rầm rộ một bài viết kể về một người phụ nữ đã âm thầm chuẩn bị suốt 10 năm cho một cuộc ly hôn. Trên trang cá nhân của tôi, new feed cũng hiển thị tràn ngập những chia sẻ của bạn bè về bài viết ấy.

Chuyện kể bắt đầu từ khi anh chồng không chịu làm việc nhà, không muốn đưa tiền cho vợ tiêu pha, không quan tâm đến việc gì của vợ, kể cả khi vợ ốm đau.

Mười năm, người vợ lo kiếm tiền, chăm con cái, không hề mở miệng nhờ anh giúp đỡ một việc gì. Đến việc anh ấy làm gì cô ấy cũng không quan tâm, đi đâu không thèm hỏi. Ngay cả việc cãi nhau khi bực bội cũng không thèm. Người vợ độc lập không chỉ về kinh tế mà cả về tinh thần. Cô ấy luôn nói “đợi con thi xong Đại học sẽ ly hôn” và âm thầm chuẩn bị cho cuộc ly hôn từ khi con còn nhỏ.

Mười năm khổ sở cho một cuộc ly hôn nhẹ nhàng? - 1

Bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội đang thu hút sự chú ý của nhiều người.

Suốt mười năm cô ấy tự lo cho mình, cho con, cho gia đình, coi như người chồng không tồn tại nhưng vẫn không rời khỏi cuộc hôn nhân chỉ vì muốn chờ con lớn. Rồi khi con thi xong đại học, người vợ nhẹ nhàng tuyên bố ly hôn khiến anh chồng bất ngờ như bị dội một gáo nước lạnh. Anh tự hỏi, một cuộc hôn nhân êm đềm như vậy sao cuối cùng lại chia ly. Anh không hiểu, lửa lòng trong vợ mình đã sớm tắt từ lâu, đã không còn thiết tha tính toán với anh một điều gì.

Bài viết rất hay, từng câu từng chữ rất thấm thía, nó chạm đến tâm tư của nhiều chị em có chồng vô tâm. Nó khiến nhiều phụ nữ như thấy bóng hình mình trong đó. Thế nhưng, tôi cứ nghĩ mãi: Thực sự nếu một cuộc hôn nhân vô nghĩa như vậy, sao phải chờ đến mười năm?

Cuộc đời của một con người có được bao nhiêu lần mười năm? Mười năm đầu cho tuổi thơ, mười năm sau cho nỗ lực học hành, mười năm tiếp theo nữa cho việc lo sự nghiệp, lập gia đình. Mười năm sống trong khổ sở chỉ để chuẩn bị cho việc ly hôn. Vậy cuối cùng còn được bao nhiều thời gian nữa?

Mười năm, đủ biến một đứa trẻ thành người trưởng thành, đủ biến một mái tóc xanh trên đầu điểm bạc, đủ lấy đi thanh xuân của một người không để lại dấu vết. Với phụ nữ, tuổi xuân càng trở nên ngắn ngủi, sao phải hoài phí chừng ấy năm chịu đứng chỉ vì một người đàn ông không xứng đáng.

Với phụ nữ, con cái là sinh mệnh, là tất cả. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả những gì tốt đẹp nhất vì con. Thậm chí, hi sinh khát khao hạnh phúc của mình, chịu đựng một người chồng tệ bạc, một cuộc hôn nhân không ra gì cũng chỉ mong con có đủ mẹ đủ cha, được lớn lên trong sum vầy.

Họ sợ, nếu mình không chịu khổ được, nếu mình sớm ly hôn, con nhỏ sẽ thiệt thòi, sẽ tủi thân mặc cảm. Nhưng dù con còn nhỏ hay con đã lớn, ly hôn vẫn là ly hôn. Chẳng lẽ lúc nhỏ con biết buồn, lớn lên rồi thì không thế?

Người ta nói rằng, hạnh phúc là thứ rất dễ lây lan. Một gia đình hạnh phúc sẽ tạo nên một đứa trẻ hạnh phúc. Một người mẹ hạnh phúc sẽ khiến cho con mình hạnh phúc. Sống với mẹ, hoặc với cha có gì là không tốt nếu thoải mái, nhẹ nhàng. Sống trong một gia đình đủ mẹ đủ cha nhưng cha mẹ không thương yêu, không chia sẻ lẫn nhau, chẳng lẽ con cái không thấy buồn, không cảm nhận được?

Có rất nhiều người phụ nữ, dù biết rằng hôn nhân là tù ngục nhưng vẫn không thể thoát ra vì nhiều lẽ: vì phụ thuộc kinh tế, vì không có nghề nghiệp ổn định để một mình nuôi con, vì không muốn làm lại từ đầu…Nhưng duy trì hôn nhân chỉ vì muốn con có đủ mẹ đủ cha, lẽ nào lại đúng?

Tôi có một người bạn, cũng vật vã trong vũng lầy hôn nhân chán rồi mới ly hôn. Mà ly hôn được cuối cùng là nhờ cô con gái nhỏ. Bạn ấy vốn chưa định kết hôn, nhưng vì lỡ có bầu nên đành cưới. Chồng bạn lấy bạn vì trách nhiệm, vốn không có nhiều yêu thương. Suốt cuộc hôn nhân, không biết bao lần bạn phát hiện chồng “đi gái”. Rồi cãi vã, rồi lạnh nhạt, rồi những tôn trọng tối thiểu dành cho nhau cũng không còn.

Bạn nghĩ: “Đời mình coi như vứt đi rồi, thôi thì cố giữ một gia đình cho con. Mình không cần chồng nhưng con cần cha. Mình lấy anh ấy, chẳng phải cũng vì con sao”. Con bạn là con gái, chưa lớn đã sớm hiểu chuyện, chưa lớn đã nhận ra mẹ mình khổ sở thế nào. Cô bé ít chuyện trò, tâm tình vô cùng lặng lẽ.

Một hôm, vợ chồng bạn cãi nhau. Sau khi chồng giận dỗi rời khỏi nhà, bạn trùm chăn nằm khóc. Nỗi buồn chán tưởng có thể quen, hóa ra chưa bao giờ là dễ chịu. Con gái bạn ngồi bên ôm mẹ, rất lâu sau mới thủ thỉ: “Mẹ, ước gì nhà mình chỉ có mẹ và con thì tốt biết bao”. Đêm đó, bạn viết đơn ly hôn.

Nếu mình có công việc, có thu nhập. Nếu mình có thể lo cho cuộc sống của mình, cho con, cho gia đình mà không cần sự trợ giúp của chồng. Nếu với chồng, một chút quan tâm cũng không còn, một chút yêu thương cũng không có, cớ gì phải mất thời gian chỉ để duy trì một cái vỏ hôn nhân vô cảm, vô trách nhiệm còn bên trong tình cảm thì rỗng tuếch? Có cần thiết phải như thế không? Có nên không? Có đáng không?

Nhiều người luôn tự an ủi mình rằng: “Thôi hi sinh vì con”. Nhiều người nghĩ đến chuyện li hôn là thương con, là thấy có lỗi với con. Nhưng nếu không ly hôn, còn là có lỗi với bản thân mình, với cuộc đời mình nữa.

Người ta có vô vàn lý do để đến với nhau, để ở bên nhau, nhưng chỉ có một lý do để kết thúc hôn nhân của mình, ấy là khi yêu thương đã cạn. Trong cuộc đời này, trừ cái chết ra, còn lại sai lầm nào cũng có thể sửa, cũng có thể làm lại được. Có những thứ phải khi mất đi rồi mới khiến chúng ta hối tiếc vì không biết trân trọng. Nhưng cũng có những thứ buông đi rồi mới nhẹ nhõm nhận ra: Đáng lẽ ta nên từ bỏ sớm hơn thì nhẹ nhàng biết mấy.

Lê Giang