Khi đàn ông ghen

Vừa nhìn thấy vợ bước vào nhà, anh Nùng sấn sổ quát: “Cô đi đâu tới giờ mới về? Sáng chủ nhật không ở nhà lo cho con cái mà hẹn hò với thằng nào?”.

Không còn lạ với kiểu ghen tuông của chồng, chị Thúy không nói tiếng nào, quày quả bỏ vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Ai ngờ, sự im lặng của chị lần này lại khiến ông chồng càng điên tiết. Khẩu chiến lại bắt đầu, tiếng đồ đạc bị ném vỡ vụn, át cả tiếng khóc thét vì sợ hãi của hai đứa trẻ.
 
Khi đàn ông ghen  - 1


 

Nỗi khổ chồng ghen

 

Từ ngày yêu nhau, Thu Thiêm (Q.7, TPHCM) đã biết anh Vũ, chồng mình có tính hay ghen. Nhưng chị chỉ nghĩ: “Đó là hương vị thời yêu đương để tình yêu thêm mặn mòi. Lấy nhau về rồi, chỉ có mấy bà vợ khổ vì ghen chứ mấy khi chồng ghen ngược”.

 

Tới chừng về sống chung rồi, Thiêm mới thấy, ghen là “bệnh” mãn tính của chồng mà có lẽ khó có loại thuốc nào chữa khỏi. Buổi sáng, hai vợ chồng chuẩn bị đi làm, anh Vũ nhìn vợ từ đầu đến chân. Chỉ cần thấy một khác biệt gì dù nhỏ ở vợ, ví dụ như một màu son mới, một kiểu chải tóc lạ… anh bóng gió xa xôi: “Ở công ty có anh nào để ý hay sao mà em điệu dữ vậy?”. Từ lúc lấy nhau, anh Vũ lại càng muốn chứng tỏ quyền sở hữu của mình. Anh tìm mọi cách để kiểm soát vợ mọi lúc mọi nơi. Có lúc, tự nhiên anh gọi điện thoại cho chị bằng một số điện thoại lạ hoắc, nói bâng quơ ba điều bốn chuyện không đâu vào đâu. Bữa nào phòng làm việc của Thiêm yên lặng, anh cũng thắc mắc: “Em đang ở đâu? Phòng làm việc gì mà không nghe tiếng ai cả vậy?”. Nhưng nếu bất chợt nghe giọng nam, chắc chắn chị sẽ bị anh chất vấn suốt mấy ngày sau đó.

 

Mới tuần rồi, khi hai vợ chồng chị Thiêm đang ngồi tán dóc sau bữa cơm tối thì điện thoại của chị đổ chuông. Nghe vợ “anh-anh”, “em-em” với người ở đầu dây bên kia, dù chỉ toàn chuyện công việc nhưng anh vẫn tức lộn ruột. Anh nổi sùng, lên giọng thật to, cố ý cho người bên kia cũng nghe: “Bộ hết giờ bàn công chuyện sao nhè lúc nửa đêm còn gọi điện thoại. Hay nhớ nhau quá, chịu không nổi, lấy cớ công việc để thủ thỉ chuyện trò?”. Quá bất ngờ với cách xử sự của chồng, chị không kịp che máy. Người bên kia chính là sếp chị, ông cũng giận không kém, cụp máy cái rụp sau lời xin lỗi lấy lệ “vì đã làm phiền”. Suốt tuần đi làm, sếp không nhìn mặt chị, công việc của chị cũng được “chuyển giao” cho đồng nghiệp khác để tiện trao đổi trong những trường hợp đột xuất. Tìm đến chuyên viên tư vấn, chị chia sẻ: “Tôi cảm thấy ngột ngạt với kiểu thể hiện tình yêu bằng sự ghen tuông của chồng”.

 

Chị Võ Hài M. (Q.Bình Thạnh, TPHCM) đưa đơn xin ly hôn cũng chỉ vì không thể chịu nổi tánh hay ghen bóng, ghen gió của chồng. Chị ấm ức: “Hơn 10 năm chung sống, có với nhau hai mặt con, tôi cảm giác như mình bị giết dần, giết mòn vì sự ghen tuông của anh. Anh yêu tôi theo kiểu “chủ sở hữu”. Bước chân ra khỏi nhà, anh hỏi tôi đi đâu, làm gì? Lấy anh khi còn quá trẻ, tôi không đủ vốn sống nên nhất nhất nghe theo lời anh. Anh bảo nghỉ việc, ở nhà anh lo cho đỡ cực thân, tôi răm rắp nghe. Mãi đến sau này, tôi mới biết anh bắt tôi ở nhà vì sợ tôi bị đồng nghiệp tán tỉnh. Khi các con đi học, ở nhà cũng buồn, tôi và gia đình thuyết phục hoài anh mới chịu cho tôi mở cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm tại nhà. Thấy tôi niềm nở với khách hàng anh cũng khó chịu, hỏi: “Bộ có tình ý gì với thằng cha đó hay sao mà cứ cười hoài vậy?”. Cãi lộn hoài vì những chuyện vặt vãnh, tôi dẹp cửa hàng luôn cho đỡ nhức đầu. Tôi thấy mình như bị giam lỏng giữa cuộc đời này. Riết rồi tôi không còn là tôi… Nếu tiếp tục chung sống, tôi e mình hoặc sẽ vào bệnh viện tâm thần, hoặc sẽ chết vì bị tra tấn tinh thần”.

 

Bắt mạch cơn ghen

 

Được chuyên viên tư vấn khéo léo gợi ý, anh Anh Vũ đã “bật mí” nỗi niềm tâm sự của mình: “Tôi luôn có cảm giác  thua kém vợ về mọi phương diện: xấu trai hơn, gia đình nghèo hơn, học hành kém hơn, thu nhập hiện tại ít hơn… nên lúc nào cũng sợ… mất vợ. Nhiều lúc tôi biết cách xử sự của mình có thể sẽ làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng và tự nhủ sẽ thay đổi, khổ nỗi tôi lại không thể làm chủ được cảm xúc, lời nói của mình”.

 

Đa phần các ông chồng, bà vợ  vẫn cho rằng có yêu thì mới ghen, nhưng thực tế, sự ghen tuông không hẳn là biểu hiện của tình yêu mà đơn thuần chỉ là sự ích kỷ, muốn chiếm hữu người phụ nữ của riêng mình.

 

Có những người đàn ông ghen tuông chỉ vì chính bản thân họ không chung thủy, như trường hợp của chị Hài M.. Chị nộp đơn ly hôn vì không chịu nổi ông chồng ghen tuông. Nhưng khi tòa đang hòa giải, chị phát hiện anh đang có người phụ nữ khác. Đây là cô bồ thứ ba kể từ ngày anh chị kết hôn. Đến lúc ấy, chồng chị mới thú nhận: “Những người tôi quen đều rất dễ dãi trong quan hệ yêu đương. Họ chấp nhận duy trì tình yêu khác ngoài đời sống hôn nhân. Vì thế tôi nghĩ chắc phụ nữ giống nhau, họ sẵn sàng cho mình “cắm sừng” không thương tiếc”.

 

Sau vài buổi gặp gỡ với chuyên gia tâm lý, cuộc sống của vợ chồng chị Thu Thiêm có vẻ dễ thở hơn. Nghe lời khuyên của chuyên gia, chị về nhà tranh thủ nâng cao tính tự tin cho chồng mọi lúc mọi nơi bằng sự ân cần mà xưa nay vì bận rộn với công việc, với cuộc sống chị đã bỏ quên, bằng những lời khen tặng ngọt ngào… Tất cả chỉ để chồng chị  thấy mình là số một trong mắt vợ. Chị cũng cẩn thận hơn, ý tứ trong những mối quan hệ với các đồng nghiệp, bạn bè… nhằm hạn chế tối đa “cơ hội” cho chồng suy diễn vẩn vơ. Chị chia sẻ: “Lấy chồng là phải chấp nhận cả tính tốt lẫn tật xấu của chồng trước đây, tôi quan niệm “cây ngay không sợ chết đứng” nên thoải mái trong các mối quan hệ vì nghĩ mình không làm gì khuất tất, chẳng việc gì phải sợ. Mãi đến lúc được nghe phân tích theo góc độ tâm lý, tôi mới ngộ ra rằng, để trị một ông chồng ghen, người vợ cũng phải biết tự điều chỉnh mình”.

 

Im lặng chấp nhận hoặc phản ứng thái quá trước cơn ghen của những ông chồng đều không phải là những giải pháp tốt. Theo thạc sĩ Hà Văn Tác - giảng viên ĐH Mở TPHCM: “Một trong những bài thuốc trị những ông chồng ghen hữu hiệu là phải “bắt mạch” được nguyên nhân của bệnh ghen: Ghen vì ích kỷ? Ghen vì mặc cảm thua kém vợ? Ghen vì vợ quá thoải mái trong các mối quan hệ?... Khi đã “bắt mạch” được và có sự điều chỉnh  nhưng vẫn không thể thay đổi tính ghen của chồng, sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý có thể sẽ giúp cả hai vợ chồng cân bằng tâm lý và đưa ra những giải pháp phù hợp nhất. Tất nhiên, việc này không thể chỉ ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải có sự kiên trì, hợp tác từ cả hai phía”.

 

Theo Công Truyền

PNO