DMagazine

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia

(Dân trí) - Hai năm, 100 trận, Xavi Hernandez đang đưa Barcelona vượt qua giông tố khủng hoảng và dần trở lại vị thế của một ông lớn.

Hai năm, 100 trận, Xavi Hernandez đang đưa Barcelona vượt qua giông tố khủng hoảng và dần trở lại vị thế của một ông lớn.

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 2

Sau thời điểm Lionel Messi ra đi, Barcelona trở thành tử địa đối với mọi cầu thủ và đặc biệt là huấn luyện viên. Quá dễ thất bại và cực khó thành công. Gã khổng lồ xứ Catalonia rơi vào thảm kịch chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá.

Từ vị thế đội bóng hùng mạnh bậc nhất, giàu triết lý bậc nhất và được mến mộ bậc nhất, Barca rơi xuống hố sâu bởi "tứ đại khủng hoảng" - khủng hoảng kinh tế, thể chế, chuyên môn và niềm tin.

Khủng hoảng kinh tế được thể hiện qua những món nợ khổng lồ đội chủ sân Camp Nou phải gánh chịu. Cho đến tận bây giờ, hậu quả vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Bằng chứng là Barca bị La Liga giảm giới hạn chi tiêu từ mức 656 triệu euro vào tháng 9/2022 xuống 648 triệu euro vào tháng 2 năm nay và hiện tại chỉ còn 270 triệu euro.

Giai đoạn tiền mùa giải, Barca phải bán trước bản quyền truyền hình của đội bóng và một phần tài sản để kiểm soát khoản nợ, cũng như rất chật vật với các quy định tài chính mới có thể đăng ký các tân binh Ilkay Gundogan, Inigo Martinez và Oriol Romeu.

Khủng hoảng thể chế song hành cùng khủng hoảng kinh tế. Những vụ bê bối tham nhũng, gian lận và hối lộ khiến các đời Chủ tịch Barca gần đây luôn kết thúc bằng những cuộc điều tra, từ Sandro Rosell đến Josep Maria Bartomeu.

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 4

Trên sân cỏ, một mình Messi không thể gồng gánh nổi gã khổng lồ Catalonia ngày càng rệu rã. Đến ngày siêu sao người Argentina ra đi trong nước mắt, uy danh của Barca chạm đáy. Bên cạnh thành tích ngày càng kém cỏi, lối chơi ngày càng bạc nhược và mất bản sắc là sự mất niềm tin của các cầu thủ lẫn huấn luyện viên.

Trong giai đoạn bão bùng ấy, Barca "soạn lại bổn cũ". Sau khi HLV Ronald Koeman bị sa thải vào trung tuần tháng 10/2021, đội bóng xứ Catalonia bổ nhiệm Xavi Hernandez, như cách bổ nhiệm Johan Cruyff và Pep Guardiola, hai nhạc trưởng, hai huyền thoại và là hai vị chiến lược gia đã tái sinh Barca để đưa gã khổng lồ này bước vào những giai đoạn thành công rực rỡ nhất lịch sử.

Tất nhiên, luôn có những hoài nghi. Barca chưa bao giờ suy thoái đến vậy còn Xavi chưa hề có kinh nghiệm dẫn dắt ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Nhưng đến hôm nay, khi Xavi bước qua trận đấu thứ 100 dẫn dắt Los Blaugrana, tuy chưa hẳn đem ánh hào quang xưa cũ trở lại nhưng ít nhất nhà cầm quân này đã và đang đưa gã khổng lồ xứ Catalonia trở lại vị thế ông lớn của bóng đá Tây Ban Nha.

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 6

Sau 100 trận dẫn dắt Barca, thành quả Xavi đạt được là chức vô địch La Liga 2022-23, danh hiệu đầu tiên đội bóng này có được trong "kỷ nguyên hậu Messi". Tỷ lệ giành chiến thắng của vị chiến lược gia 43 tuổi này trong 100 trận đầu tiên làm HLV đội bóng xứ Catalonia là 63%, cao hơn Johan Cruyff (60%) và thấp hơn Pep Guardiola (71%).

Về căn bản, Xavi duy trì bản sắc của Barca cũng như tiếp nối hai HLV tiền nhiệm vĩ đại bằng lối chơi chú trọng khâu kiểm soát bóng. Mùa giải 2022/23, gã khổng lồ xứ Catalonia là đội bóng có tỷ lệ cầm bóng cao nhất La Liga, bình quân 64,8% mỗi trận.

Tuy nhiên, nếu như Cruyff và Guardiola tạo dựng nên những cỗ máy tấn công hủy diệt thì ở mùa giải trọn vẹn đầu tiên dẫn dắt Barca, Xavi lấy phòng ngự làm trọng. Bằng chứng là suốt 38 vòng đấu tại La Liga mùa trước, Barca của Xavi chỉ nhận vỏn vẹn 20 bàn thua, 25 trận giữ sạch lưới, giành nhiều chiến thắng kiểu sát nút, bao gồm kỷ lục 11 trận thắng với tỷ số tối thiểu 1-0.

Cách chơi bóng và kết quả của Barca có rất nhiều nét tương đồng với đội tuyển Tây Ban Nha tại World Cup 2010 và Euro 2012, những giải đấu La Roja đăng quang bằng lối chơi kiểm soát bóng thực dụng, nôm na cầm bóng để an toàn cho khung thành trước rồi mới tính đến chuyện tấn công hay được ví von theo cách chơi chữ là tiqui-tacanaccio, được ghép từ tiqui-taca (lối chơi ban bật kiểm soát bóng) và catenaccio (lối đá phòng ngự đổ bê-tông đặc trưng của người Ý).

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 8

Sở dĩ Xavi lựa chọn tiqui-tacanaccio là bởi lực lượng trong tay ông không, hoặc đúng hơn là chưa thể, hùng hậu như Dream Team của Cruyff hay dàn hảo thủ trác tuyệt phần lớn trưởng thành từ La Masia dưới thời Guardiola.

Đó là lựa chọn hợp lý, của một người là linh hồn của tuyển Tây Ban Nha từ tiqui-taca đến tiqui-tacanaccio. Barca của mùa giải 2022-23 không cuốn phăng mọi đối thủ bằng sức mạnh hủy diệt.

Tại đấu trường châu Âu, đội bóng xứ Catalonia còn thất bại thê thảm từ Champions League đến Europa League. Nhưng tại La Liga, bằng sự thực dụng, Barca đã tận dụng tốt cơ hội vượt qua cả Real Madrid lẫn Atletico đang khủng hoảng để đăng quang.

Tất nhiên, thật ngô nghê nếu cho rằng Barca sử dụng thứ bóng đá "chuyền đi, chuyền lại" nhàm chán và chỉ biết trông chờ vào tài săn bàn thượng hạng của trung phong Robert Lewandowski, chân sút đã giành danh hiệu Vua phá lưới với 23 pha lập công.

Dấu ấn cầm quân của Xavi được thể hiện qua một trong những nguyên tắc căn bản nhất trong triết lý chơi bóng của Barca: nhu cầu cấp thiết phải đoạt lại quyền kiểm soát bóng ngay sau khi mất bóng.

Dưới thời Pep Guardiola, quy tắc này tồn tại dưới cái tên "quy tắc 3 giây", tức toàn đội tổ chức gây áp lực (pressing) kịch liệt để giành bóng trong vòng 3 giây sau khi mất bóng.

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 10

Thống kê chỉ rõ điều này. Tại La Liga, không đội bóng nào giành quyền kiểm soát bóng trong khu vực 40m tính từ khung thành đối phương cao hơn Barca.

Bên cạnh đó, chỉ số PPDA (opposition passes allowed per defensive action - số đường chuyền trung bình mà đối phương thực hiện được trước khi thực hiện một hành động phòng ngự) của Barca cao thứ hai tại La Liga, chỉ kém Real Sociedad. Chỉ số này được giới chuyên môn sử dụng để phân tích khả năng gây áp lực tầm cao.

Cách vận hành của Barca ở thời điểm hiện tại cũng có nhiều điểm độc đáo. Xavi vẫn sử dụng sơ đồ truyền thống 4-3-3 làm căn bản, nhưng khi có bóng sẽ chuyển sang 3-2-2-3. Hậu vệ trái Balde được đẩy lên cao để chiếm lĩnh toàn bộ hành lang, Gavi bó vào trong để tạo thành cặp tiền vệ tấn công cùng Pedri, hỗ trợ phía sau là cặp tiền vệ phòng ngự Busquets-De Jong.

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 12
Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 13

Barca bước vào mùa giải 2023-24 với lực lượng hùng hậu hơn. Bên cạnh lực lượng dần định hình bằng chức vô địch La Liga 2022/23, đáng kể là sự bổ sung Ilkay Gundogan, Joao Cancelo và Joao Felix.

Một bản hợp đồng chuyển nhượng tự do và hai thương vụ cho mượn dẫu phần nào phản ảnh tình hình kinh tế eo hẹp của gã khổng lồ xứ Catalonia song vẫn đảm bảo chất lượng.

Kết cấu đội hình của Xavi rất rõ ràng. Bên cạnh các cựu binh là những tài năng trưởng thành từ La Masia. Các cựu binh đều đã khẳng định được đẳng cấp và được kiểm định phù hợp với lối chơi như Cancelo, Gundogan, Marcos Alonso, Frenki de Jong, Ferran Torres, Raphinha, Joao Felix hay Lewandowski.

3 trong số này, bao gồm Cancelo, Gundogan và Ferran Torres được bảo chứng bởi thời gian thi đấu tại Man City, đội bóng do Pep Guardiola dẫn dắt. Về các tài năng "cây nhà lá vườn", đã thành danh có Gavi, Pedri, mới nổi có Alejandro Balde, Lamine Yamal, Fermin Lopez...

La Masia là gốc rễ của Barca, song giá trị của học viện lừng lẫy này đã phần nào bị mai một trong những năm khủng hoảng vừa qua. Nếu như trận chung kết Champions League 2010-11, Guardiola đã sử dụng đội hình có tới 8 cầu thủ "cây nhà lá vườn" của đội bóng xứ Catalonia thì 7 năm sau, tại La Liga 2017-18, HLV Ernesto Valverde từng dùng đội hình không có nổi một cầu thủ trưởng thành từ La Masia.

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 16

Sự hồi sinh của La Masia chỉ đến sau sự trở lại của Xavi. Dù vậy, không có chuyện huyền thoại của Barca triệt để trao cơ hội cho các tài năng trẻ hậu sinh. Vị chiến lược gia này nhìn thấy tiềm năng và trao cơ hội cho nhiều cậu học trò từ học viện, nhưng cũng sẵn sàng thải loại nhiều tài năng của La Masia.

Ngay cả Ansu Fati vốn được trao số 10 sau khi Messi ra đi vẫn bị đẩy sang Brighton cho thấy Xavi rất khắt khe còn La Masia đang đến độ dồi dào tài năng như thế nào. Từ đó Barcelona hình thành nên công thức Man City (các cựu binh đã khẳng định trình độ và phù hợp với lối chơi phần lớn đến từ Man City) + La Masia (những tài năng xuất sắc trưởng thành từ học viện).

Với công thức này, Barca đang trở nên cống hiến và giàu tính giải trí hơn. Sau 8 vòng đấu tại La Liga, đội bóng xứ Catalonia đang dẫn đầu về số lần sút tung lưới đối phương (18 bàn thắng) thay vì giữ sạch lưới nhiều nhất.

Những trận đại thắng 5-0 trước Real Betis, Antwerp hay các màn rượt đuổi tỷ số ngoạn mục trước Villarreal (thắng 4-3) và Celta Vigo (thắng 3-2) phản ánh một Los Blaugrana cuốn hút hơn trong mắt người hâm mộ.

Bàn thắng không chỉ đến từ Lewandowski. Joao Felix cũng ghi bàn, kiến tạo và rê bóng. Lamine Yamal đang nổi lên như ngôi sao mới trên bầu trời bóng đá Tây Ban Nha. Joao Cancelo tái hiện hình ảnh Dani Alves, một hậu vệ phải xuất sắc trong nhiệm vụ hỗ trợ tấn công. Trong khi đó, Gundogan chính là phiên bản kế tục của Xavi.

Xavi Hernandez: 100 trận hồi sinh Barca cùng công thức Man City + La Masia - 18

Có sự khác biệt giữa vai trò của Gundogan hiện tại và Xavi thời đỉnh cao, nhưng lại có quá nhiều điểm tương đồng. Xavi hoạt động thấp hơn một chút và hơi chếch sang phải, nhường không gian hành lang trong bên trái cho Iniesta.

Gundogan tập trung hơn ở khu vực trước vòng cấm địa và không có xu hướng lùi sâu như Xavi. Nguyên do là Barca hiện tại không cần tiền vệ người Đức lùi sâu. Phía sau đã có Frenkie de Jong làm nhiệm vụ tiền vệ con thoi và Oriol Romeu án ngữ trước hàng phòng ngự. Ngoài ra, Cancelo cũng thường xuyên bó vào trung lộ nên Gundogan không cần lệch sang phải như Xavi.

Trong những năm cuối khoác áo Man City, Gundogan được Guardiola sử dụng như một tiền vệ hỗn hợp hơn là chỉ chú trọng vào khâu điều phối. Xavi cũng mong muốn điều tương tự.

"Chúng tôi biết cậu ấy có thể chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm, nhưng hiện tại, ban huấn luyện và tôi tin rằng ảnh hưởng lớn nhất của Gundogan phải ở gần vòng cấm, thậm chí trong vòng cấm. Vì Pedri đang chấn thương, chúng tôi càng cần cậu ấy ở vị trí đó", Xavi tiết lộ.

Tất nhiên, giống như Barca của Xavi, Gundogan chưa đạt 100% hiệu suất. Sau 8 trận, tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ chưa ghi bàn thắng nào. Có những điểm Gundogan lẫn Barca cần cải thiện để có thể trở lại là thế lực của bóng đá châu Âu. Nhưng ít nhất, so với 2 năm trước, trước thời điểm Xavi trở lại, Barca đã lại nhìn thấy cơ đồ!

Nội dung: Ngọc Trung