DMagazine

Trợ lý HLV Park: "Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc"

(Dân trí) - Theo chuyên gia Bae Ji Won, những biến động của bóng đá Việt Nam là điều bình thường và không thể so sánh tình cảnh của hai HLV Philippe Troussier và Jurgen Klinsmann sau Asian Cup 2023.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 2

Sau Asian Cup 2023, không khó để nhận ra sự tương đồng nhất định giữa người hâm mộ Việt Nam và Hàn Quốc, đó là sự chỉ trích nhắm tới vị HLV trưởng ĐTQG vì kết quả không như kỳ vọng. Ông Klinsmann đã bị sa thải, HLV Troussier thì không. Thưa ông Bae Ji Won, dưới góc nhìn của một chuyên gia đồng thời là người Hàn Quốc, theo ông đâu là nguyên nhân khiến Klinsmann bị sa thải?

- Tất nhiên, bóng đá Việt Nam và Hàn Quốc là hai môi trường khác biệt, với góc nhìn không tương đồng. Điều đó có nghĩa người hâm mộ hai đất nước có ngưỡng kỳ vọng và mức chấp nhận khác nhau.

Cụ thể, cổ động viên (CĐV) Hàn Quốc tin rằng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) của đất nước chúng tôi có tiềm năng ít nhất là vào đến chung kết hoặc vô địch Asian Cup. Có thể nói, kỳ vọng của người hâm mộ cực kỳ lớn lao. Ngược lại, CĐV Việt Nam tin rằng ĐTQG đủ khả năng vượt qua vòng bảng.

Người hâm mộ Hàn Quốc và Việt Nam cũng có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt này. Đội tuyển Hàn Quốc đã 10 lần tham dự vòng chung kết World Cup và là một trong những đội bóng mạnh nhất châu Á. Đối với đội tuyển Việt Nam, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là lần đầu tiên giành vé dự World Cup.

Đó là lý do vì sao HLV Troussier vẫn được trao cơ hội dù đội bóng của ông đã không vượt qua được vòng bảng Asian Cup. Thước đo quan trọng nhất cho HLV Troussier là vòng loại World Cup. Mục tiêu của Hàn Quốc thì không nằm ở vòng loại World Cup, người hâm mộ kỳ vọng ĐTQG gặt hái thêm những chiến tích khác, chẳng hạn như giành Cúp châu Á.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 4

Bên cạnh đó, người hâm mộ trông đợi HLV Klinsmann hoàn thiện đấu pháp, triết lý cũng như cách quản lý đội tuyển Hàn Quốc thông qua Asian Cup, từ đó kỳ vọng vào việc tiến xa tại vòng chung kết World Cup.

Chưa bao giờ đội tuyển Hàn Quốc sở hữu lực lượng hùng hậu như hiện tại. Rất nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu, bao gồm những cầu thủ đạt tới đẳng cấp rất cao và có thể nói hàng đầu châu lục.

Đáng tiếc là HLV Klinsmann không thể hiện được như những gì ông ta đã hứa hẹn về triết lý và phương pháp dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc khi chuẩn bị cho Asian Cup. Đơn giản là ông ấy không tận dụng được đội hình mạnh mẽ trong tay suốt cả giải đấu. Kết quả là màn trình diễn của tuyển Hàn Quốc thấp hơn rất nhiều so với đẳng cấp vốn có.

Không chỉ vậy, HLV Klinsmann còn để cho nội bộ xảy ra tình trạng rạn nứt, thậm chí xuất hiện xô xát. Điều này hết sức đáng thất vọng. Bản thân cầu thủ Hàn Quốc khi được triệu tập vào ĐTQG đều cảm thấy vinh dự và khát khao cống hiến để mang vinh quang về cho tổ quốc.

Vai trò của HLV trưởng là tập hợp các tuyển thủ thành một tập thể. Klinsmann không đáp ứng được vai trò và chức trách của HLV trưởng.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 6

Đối với đội tuyển Việt Nam, công chúng thường đánh giá HLV trưởng dựa trên kết quả. Vị trí HLV trưởng luôn là tâm điểm dư luận. HLV trưởng cực kỳ quan trọng đối với tương lai và nền tảng phát triển của bóng đá cả quốc gia.

Những năm 2000, HLV Troussier từng chịu nhiều áp lực từ dư luận trước khi thành công cùng đội tuyển Nhật Bản. Tương tự là HLV Guus Hiddink tại đội tuyển Hàn Quốc. Có sự giống và khác nhau như thế nào giữa hai HLV này vào thời điểm đó, thưa ông? Và hiện tại, ông Troussier có xứng đáng để được đặt niềm tin như 20 năm về trước?

- Chúng ta cần nhìn lại bối cảnh của bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản vào thời điểm đó. Từ sau World Cup 1998, bóng đá Hàn Quốc nhận thấy cần thay đổi và cải cách sâu rộng trên mọi cấp bậc trong hệ thống bóng đá đất nước. Nhật Bản cũng cần cuộc cách mạng như thế. Cả hai đội tuyển đều nhận kết quả tệ hại tại Pháp.

Công việc đầu tiên đều là tìm kiếm huấn luyện viên mới đến từ châu Âu, những vị chiến lược gia có khả năng đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ và biết cách cải tổ hệ thống. Nhật Bản chọn ông Troussier còn Hàn Quốc bổ nhiệm HLV Guus Hiddink.

Kết quả là Nhật Bản lần đầu vượt qua vòng bảng World Cup còn Hàn Quốc tiến tới tận bán kết. Nên nhớ tại World Cup 1998, Nhật Bản toàn thua cả 3 trận vòng bảng còn Hàn Quốc cũng chỉ giành được một điểm.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 8

Về mặt chuyên môn, ông Troussier đã tận dụng được ưu điểm lẫn ưu thế của đội tuyển Nhật Bản khi được thi đấu trên sân nhà. Trong khi đó, tuyển Hàn Quốc tiến xa hơn nhờ HLV Hiddink gây ảnh hưởng rõ nét hơn đến các tuyển thủ Hàn Quốc, từ chuyện truyền đạt triết lý cho đến phổ biến đấu pháp chiến thuật.

Sau World Cup 1998, tôi được chọn làm thành viên Ban chuyên môn của Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc, với mục tiêu cải tổ nền bóng đá để chuẩn bị cho World Cup 2002 trên sân nhà.

Nhiệm vụ của tôi là khảo sát, thu thập và phân tích ưu, nhược điểm của một số nền bóng đá tại châu Âu. Vì vậy tôi đã có cơ hội đến Pháp, Italy, Na Uy hay Thụy Điển để tìm hiểu về hệ thống bóng đá của các quốc gia này.

Tại World Cup 2002, tôi cũng tham gia với tư cách HLV thể lực cho các trọng tài. Trong thời gian này, nhiều trọng tài chia sẻ với tôi rằng Hàn Quốc của Guus Hiddink được tổ chức tốt và đạt hiệu quả cao hơn Nhật Bản của Troussier.

Ở thời điểm hiện tại, kỳ vọng của người hâm mộ Việt Nam đối với ông Troussier khác với kỳ vọng của người Nhật trước đây và thật khó để so sánh.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 10

Đối với HLV Troussier, nhiệm vụ quan trọng nhất vào lúc này là tập trung dẫn dắt tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026 ở hai trận đấu với Indonesia. Không khó để nhận thấy người hâm mộ rất khao khát được chứng kiến đoàn quân HLV Troussier "phục thù" thầy trò Shin Tae Yong. Vậy theo ông, đâu là những điểm tuyển Việt Nam cần phải cải thiện từ Asian Cup và đặc biệt là trận thua Indonesia?

- Đội tuyển Việt Nam luôn đủ khả năng lẫn sự tự tin để đánh bại Indonesia. Điều đó phản ánh sự phát triển đáng kể của bóng đá Việt Nam trong những năm qua và có được vị thế cao ở khu vực Đông Nam Á.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 12

Tuy nhiên, tại Asian Cup vừa qua, tuyển Việt Nam tỏ ra thua kém Indonesia ở nhiều khía cạnh quan trọng như chiến thuật, thể lực và tinh thần. Có thể nói, Indonesia đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để giành chiến thắng trước tuyển Việt Nam.

Ngược lại, HLV Troussier và các cộng sự quá tự tin và không đánh giá đúng thực lực của đối thủ. Indonesia đã để thua liên tiếp trước đội tuyển Việt Nam nhiều năm qua, thế nên họ có động lực rất lớn để giành chiến thắng. Hơn nữa, HLV Shin Tae Yong đã truyền được cho cầu thủ tinh thần dân tộc.

Về mặt chuyên môn, ông Shin chọn đấu pháp khó nhằn là gây áp lực cường độ cao trên mặt trận tấn công để phá vỡ hệ thống chiến thuật của đội tuyển Việt Nam, qua đó làm chủ thế trận trong suốt 90 phút.

Chiến thuật này đòi hỏi thể lực dồi dào, sự mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần và khả năng phối hợp cực kỳ ăn ý. Nói chung Indonesia đã mạo hiểm và thành công.

Ngược lại, tuyển Việt Nam quá tự tin vào màn trình diễn trước đó lẫn thành tích đối đầu trước Indonesia. Vì thế tôi cho rằng tuyển Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó trước đối thủ.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 14

Sự phát triển thể chất trong bóng đá khởi phát từ sự phát triển chiến thuật. Các cầu thủ ngày càng trở nên mạnh mẽ và bền bỉ hơn bởi sự đòi hỏi để đáp ứng các yêu cầu chiến thuật.

Indonesia đã tận dụng tối đa sức mạnh thể chất bằng chiến thuật mạnh bạo trong hiệp 1 và có bàn thắng vượt lên dẫn trước. Sang hiệp 2, đội bóng này chủ động lùi sâu đội hình phòng ngự vừa để đảm bảo lợi thế dẫn bàn, vừa giữ sức cho các cầu thủ.

Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam thể hiện lối chơi khác với trước đây. Vấn đề là thiếu sự hài hòa. Các cầu thủ không thể phát huy được tối đa năng lực trong đấu pháp mới và thể lực cũng nhanh chóng bị sa sút khi trận đấu chưa kết thúc.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 16

Câu chuyện thu hút sự chú ý của người hâm mộ bóng đá Việt Nam hiện tại là việc cầu thủ trẻ gây ấn tượng ở Asian Cup 2023 Nguyễn Đình Bắc bị kỷ luật tại CLB Quảng Nam. Gắn bó thời gian dài với bóng đá Việt Nam, ông có thể cho biết đánh giá của mình về ý thức và thái độ của cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là những cầu thủ trẻ?

- Tôi đã làm việc ở nhiều nơi, có thể nói "bệnh ngôi sao" tồn tại ở mọi nền bóng đá. Tuy nhiên, tôi cảm thấy ở khu vực Đông Nam Á, các cầu thủ trẻ Việt Nam và Thái Lan thường mắc phải hội chứng này hơn vì đây là hai nền bóng đá đang dẫn đầu.

Tại Hàn Quốc cũng vậy, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng gây tổn hại đến danh tiếng cầu thủ và toàn đội. Người Hàn Quốc cũng rất mẫn cảm với "bệnh ngôi sao" ở các cầu thủ trẻ. Các HLV không chấp nhận thái độ và hành vi kiêu căng của các học trò. Không đơn thuần là chuyện cá nhân, một tài năng trẻ sẽ dễ bị thui chột phẩm chất do sự ngạo mạn.

Nhiệm vụ của HLV không chỉ là huấn luyện mà còn cả giáo dục để các cầu thủ phát triển đúng đắn ngay từ khi còn là đứa trẻ. Đạo đức luôn là phẩm chất tối cần thiết. Cầu thủ trẻ biểu hiện "bệnh ngôi sao" cũng phản ánh việc giáo dục của HLV chưa đầy đủ. Tương tự là sự uốn nắn của gia đình.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 18

Có thể so sánh một chút giữa nền bóng đá Hàn Quốc và Việt Nam để hiểu hơn về bản chất vấn đề, không phải để đề cao hay hạ thấp.

Tại Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều tuyển thủ quốc gia không duy trì được phong độ ổn định. Đó là vì họ có trình độ nhưng khi đạt tới trình độ tuyển thủ quốc gia thì phần nào trở nên chủ quan hoặc nặng nề hơn là tự mãn.

Tại Hàn Quốc, các CLB đã có rất nhiều quy định ràng buộc các cầu thủ phải nỗ lực cống hiến và tập luyện nghiêm túc. Nếu cầu thủ trẻ gây ảnh hưởng đến bầu không khí của toàn đội thôi cũng phải chịu hình phạt rất nặng nề.

Đặc biệt là anh ta có thể mất cơ hội ra sân thi đấu. Điều này cũng tạo nên nhận thức cho các cầu thủ dù khoác áo CLB nào đi chăng nữa.

Tôi cũng hiểu vì sao các cầu thủ Việt Nam thường tập luyện thiếu nghiêm túc ở CLB. Tôi nghĩ họ không nỗ lực hết sức vì chất lượng huấn luyện giữa cấp ĐTQG và CLB rất khác nhau.

Các cầu thủ có nhiều động lực hơn tại đội tuyển, vì đó là màu cờ sắc áo, cũng là tương lai sự nghiệp của họ. Ngoài ra, các CLB cũng nên nâng cao chất lượng cơ sở vật chất lẫn quy trình tập luyện cho tương đương ĐTQG.

Một diễn biến đáng chú ý khác, cầu thủ bị HLV Troussier đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu tại ĐTQG Nguyễn Hoàng Đức lại giành Quả bóng vàng Việt Nam lần thứ hai liên tiếp. Quan điểm của ông như thế nào về sự đối lập này?

- Tôi xin nêu ra một dẫn chứng điển hình tương tự trường hợp Hoàng Đức tại bóng đá Hàn Quốc. Đó là tiền đạo Joo Min Kyu. Cầu thủ này đã giành ngôi Vua phá lưới K-League trong 2 mùa giải liên tiếp (2022 và 2023) nhưng chưa một lần được triệu tập vào ĐTQG.

Các phương tiện truyền thông và người hâm mộ cũng thường xuyên đặt ra câu hỏi tại sao cậu ấy lại không được tuyển chọn. Có nhiều lý do cho vấn đề này. Tiền đạo săn bàn theo nhiều mẫu khác nhau.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 20

Có người tự tạo cơ hội săn bàn. Có người cần sự hỗ trợ từ đồng đội. Có người giỏi khai thác sai sót và khuyết điểm của đối phương. Có người mạnh về không chiến và khai thác tình huống cố định.

Vì thế, theo suy luận đơn giản, cầu thủ ghi nhiều bàn nhất giải VĐQG phải góp mặt tại ĐTQG. Nhưng kỳ thực, sự hiện diện của cầu thủ như vậy sẽ làm mất cơ hội của những tiền đạo khác phù hợp hơn về mặt chiến thuật.

Việc tuyển chọn cầu thủ cho ĐTQG suy cho cùng là do triết lý và cách sử dụng chiến thuật của HLV trưởng. Thế nên, trong trường hợp Hoàng Đức, tôi nghĩ rằng giới truyền thông không nên nhấn mạnh vào việc cậu ấy không được thi đấu, dù cậu ấy là cầu thủ hay nhất.

Tạm thời Hoàng Đức chưa được sử dụng vì cách bố trí của HLV Troussier. Tuy nhiên, tôi nghĩ sớm muộn Hoàng Đức sẽ được trao cơ hội. Lẽ ra cậu ấy không nên "mắc bệnh ngôi sao" như Đình Bắc tại Quảng Nam.

Theo ông, bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để Hoàng Đức ra nước ngoài thi đấu? Ông đánh giá như thế nào về khả năng của tiền vệ này?

Đội tuyển Việt Nam cần nhiều cầu thủ dày dạn kinh nghiệm hơn để thi đấu tại các giải hàng đầu châu Á. Vì vậy, tôi đặc biệt khuyến nghị bóng đá Việt Nam cần cởi mở và tạo điều kiện cho các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu.

Đây là con đường phát triển cho tương lai, vì sự tăng trưởng về trình độ cho các cầu thủ. Đội tuyển Việt Nam sẽ có nhiều cầu thủ xuất sắc và giàu kinh nghiệm trận mạc hơn.

Đối với trường hợp Hoàng Đức, tôi nghĩ cậu ấy nên đến các quốc gia như Hàn Quốc hay Nhật Bản để thi đấu. Không chỉ Hoàng Đức, nhiều cầu thủ khác cũng rất có tiềm năng và nên xuất ngoại.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 22

Vấn đề được đề cập không ít thời gian gần đây là đa số trụ cột của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018 không còn duy trì được phong độ cao, cho dù họ đang ở độ tuổi được xem là đỉnh cao sự nghiệp cầu thủ bóng đá. Làm thế nào để bóng đá Việt Nam nâng cao trình độ, thái độ lẫn tuổi thọ nghề nghiệp thưa ông? Bóng đá Hàn Quốc có gặp phải vấn đề tương tự?

- Thực ra tôi thấy vấn đề này khá bình thường và xuất hiện không chỉ riêng Việt Nam, Hàn Quốc hay các nước Đông Nam Á khác cũng thế thôi. Đó là quá trình vận động của bóng đá. Nhiều cầu thủ được triệu tập vào tuyển U19, U21 rồi U23 nhưng không bao giờ lọt vào ĐTQG.

Ngược lại, cũng có những cầu thủ chưa bao giờ được triệu tập vào các đội trẻ lại thành công ở ĐTQG. Điều đó có nghĩa mỗi cầu thủ có thời điểm "phát tiết" khác nhau. Có cầu thủ tỏa sáng từ khi còn rất trẻ, nhưng cũng có cầu thủ bước vào sự nghiệp thi đấu mới dần tích lũy kinh nghiệm hay nói cách khác là trưởng thành muộn.

Ví dụ trực quan hơn là lứa cầu thủ của tuyển U19 Hàn Quốc từng giành ngôi á quân thế giới nhưng hiện tại chỉ có một cái tên được triệu tập vào ĐTQG. Tất nhiên bóng đá Hàn Quốc có nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu, đẳng cấp của họ đã được xác định.

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 24

Đối với đội tuyển Việt Nam, hầu hết tuyển thủ đều đang chơi bóng trong nước. Nói cách khác, những cầu thủ thi đấu trong nước vẫn còn nhiều cơ hội lên tuyển. Điều này cũng tạo động lực lớn cho mọi cầu thủ. Chỉ dựa vào tên tuổi và kinh nghiệm cũng không đảm bảo được 100% cơ hội khoác áo ĐTQG.

Ý nghĩa ở đây là đừng nên chờ đợi hay kỳ vọng cầu thủ nào đó được triệu tập chỉ vì tên tuổi và kinh nghiệm, họ phải nỗ lực hết sức để duy trì khả năng. Nếu tuyển thủ U23 nào đó không được triệu tập, họ nên bình tâm để nhìn lại chính mình.

Tại Hàn Quốc, nếu cầu thủ không đảm bảo chế độ tập luyện và thi đấu khắc nghiệt của K-League thì đừng mong được khoác áo ĐTQG. Cuộc cạnh tranh lên tuyển luôn khốc liệt. Để được triệu tập cần sự tận tâm trong công việc, đạo đức tốt, sự hòa đồng, bản lĩnh và đẳng cấp thi đấu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Trợ lý HLV Park: Lẽ ra Hoàng Đức không nên mắc bệnh ngôi sao như Đình Bắc - 26

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Patrick Nguyễn