1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc có thể thiệt hại nặng nhất sau vụ tấn công tại Ả rập Xê út

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Ả rập Xê út, có thể hứng chịu thiệt hại nặng nề sau vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu vào cuối tuần qua.

Trung Quốc có thể thiệt hại nặng nhất sau vụ tấn công tại Ả rập Xê út - 1

Một trạm xăng tại Trung Quốc năm 2005 (Ảnh: AFP)

Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai nhà máy dầu trọng yếu của Ả rập Xê út hôm 14/9 khiến sản lượng dầu của nước này giảm một nửa và nguồn cung dầu toàn cầu giảm 5%. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc là một trong những nước hứng đòn nặng nề nhất sau vụ tấn công này, buộc Bắc Kinh phải đa dạng hóa đối tác nhập khẩu dầu.

Theo các số liệu thống kê chính thức, là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Trung Quốc phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn dầu thô từ Ả rập Xê út trong một năm qua. Điều này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh giảm nhập khẩu dầu từ các nhà cung cấp lớn như Mỹ và Iran trong những tháng gần đây, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và Washington tăng cường trừng phạt Iran.

Ả rập Xê út, nạn nhân của các vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu vào cuối tuần qua, là nguồn cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Nga. Quốc gia vùng Vịnh cung cấp cho Trung Quốc, nền kinh tế khát năng lượng, hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Theo Reuters, Ả rập Xê út xuất khẩu 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Một phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 16/9 cho biết tác động tổng thể của vụ tấn công tại Ả rập Xê út đối với Bắc Kinh “vẫn đang được xem xét”. Hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo dõi tình hình.

Thomas W. Lippman, học giả tại Viện Trung Đông, cho rằng Trung Quốc có thể là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những thay đổi trong hoạt động xuất khẩu dầu của Ả rập Xê út.

“Đây không chỉ là “xung đột của Ả rập Xê út” mà là vụ tấn công nhằm vào nguồn cung dầu mỏ thế giới. Nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất có thể là Trung Quốc, khách hàng mua dầu lớn nhất của Ả rập Xê út kể từ năm 2009”, ông Lippman nhận định.

Nguồn cung thay thế

Hai cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út bị tấn công, Mỹ "tố" Iran là thủ phạm

Một số nhà phân tích đồng ý rằng hiện vẫn còn quá sớm để nhận định vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu tại Ả rập Xê út có tác động như thế nào tới nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc, vì điều này còn phụ thuộc vào tốc độ Ả rập Xê út khôi phục những mỏ dầu bị thiệt hại. Tuy nhiên, những lo ngại về sự bất ổn và khoảng thời gian các nhà máy dầu tại Ả rập Xê út phải dừng hoạt động để khắc phục hậu quả có thể thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung thay thế khác.

“Các vụ việc gần đây tại Ả rập Xê út có thể dẫn tới việc xem xét lại đáng kể tình hình địa chính trị tại Trung Quốc. Đây là lời nhắc nhở cho Trung Quốc về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn cung nhập khẩu trong khi vẫn tiếp tục đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước”, hai nhà kinh tế năng lượng Julian Inchauspe và Roberto Aguilera tại Đại học Curtin ở Australia nhận định.

Giáo sư Akihisa Mori tại Đại học Kyoto, Nhật Bản cũng cho rằng tình hình hiện nay buộc Trung Quốc phải đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

“Những vụ tấn công như thế này sẽ tích cực đẩy nhanh việc Trung Quốc tìm kiếm các nhà xuất khẩu dầu thô mới”, Giáo sư Mori cho biết.

Theo Giáo sư Jonathan Fulton tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi, mối quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Ả rập Xê út đã được hai bên đẩy mạnh trong những năm gần đây. Tình hình địa chính trị thay đổi đã làm gia tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Ả rập Xê út, và đẩy Bắc Kinh vào tình thế bấp bênh hơn.

“Đối với Trung Quốc, họ thực sự phải cắt nguồn nhập khẩu từ Iran, trong khi sản lượng nhập khẩu dầu từ Ả rập Xê út của Trung Quốc tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 năm ngoái tới tháng 8 năm nay. Điều này tạo ra sự phụ thuộc mà tôi cảm thấy không thoải mái chút nào, nếu tôi là Trung Quốc”, chuyên gia Fulton cho biết.

Dữ liệu thống kê cho thấy nhập khẩu dầu từ Ả rập Xê út của Trung Quốc hồi tháng 7 đạt mức cao nhất trong 2 năm, lên tới 1,8 triệu thùng một ngày, so với 663.000 thùng một ngày cùng kỳ năm ngoái.

Virendra Chauhan, nhà phân tích tại tổ chức Energy Aspects có trụ sở ở Singapore, cho rằng Trung Quốc có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới ngoài Ả rập Xê út.

“(Nhập khẩu) dầu thô từ Mỹ rõ ràng rất khó khăn trong bầu không khí chiến tranh thương mại giữa hai nước như hiện nay, vậy liệu họ (Trung Quốc) có thể sẽ tìm đến Iraq, hoặc họ sẽ đến Mỹ Latinh, Brazil, Venezuela, Colombia và một số nơi ở biển Bắc?”, Chauhan cho biết.

Một số nhà phân tích nói rằng Iran có thể là nguồn cung dầu thô tiềm năng cho Trung Quốc, song họ cũng cảnh báo Bắc Kinh cần có quyết định được tính toán kỹ lưỡng. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, đặc biệt sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công tại Ả rập xê út, tình hình trở nên phức tạp hơn đối với Trung Quốc. Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn dừng nhập khẩu dầu thô từ Iran, kể từ khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông.

Theo Kevjn Lim, nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv, Trung Quốc đặc biệt quan ngại về diễn biến căng thẳng tại một khu vực mà nước này phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn cung dầu mỏ cho nhu cầu năng lượng khổng lồ của họ.

“Tại Trung Đông, Trung Quốc có thể tìm cách đa dạng hơn nữa các nguồn cung, tuy nhiên căng thẳng gia tăng có thể thúc đẩy Trung Quốc hoặc cho Trung Quốc một cái cớ để thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong nền ngoại giao của khu vực, điều mà Trung Quốc cho đến nay vẫn còn đang hạn chế”, nhà nghiên cứu Kevjin Lim nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP, BI