1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình báo Mỹ chi hàng triệu USD cho các “đại gia” công nghệ

(Dân trí) - Những tài liệu tuyệt mật vừa được tiệt lộ cho thấy Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã chi hàng triệu USD để chi trả chi phí cho các “đại gia” công nghệ liên quan đến chương trình theo dõi bí mật Prism.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thông tin vừa được tờ Guardian của Anh tiết lộ dựa trên những tài liệu tuyệt mật được cung cấp cho tờ báo này.

Các công ty công nghệ, theo NSA bao gồm Google, Yahoo, Microsoft và Facebook đã phải chịu nhiều chi phí để đáp ứng được quá trình cấp phép mới, sau phán quyết của Tòa theo dõi tình báo nước ngoài (Fisa)

Phán quyết tháng 10/2011, được giải mật hôm thứ Tư vừa qua, cho thấy NSA không thể tách biệt một cách rõ ràng các thông tin liên lạc nội địa và nước ngoài đã vi phạm bản sửa đổi lần thứ tư.

Mặc dù phán quyết không liên quan một cách trực tiếp tới chương trình Prism, các tài liệu được cựu điệp viên Edward Snowden chuyển cho Guardian cho thấy những trở ngại mà quyết định đó tạo ra cho NSA, và những nỗ lực cần có để hoạt động của họ có thể đảm bảo sự tuân thủ. Những tài liệu này đã lần đầu tiên cho thấy mối quan hệ về tài chính giữa NSA và các công ty công nghệ.

Cơ quan tình báo này yêu cầu tòa Fisa phê duyệt những “giấy phép” thường niên, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các chiến dịch theo dõi. Nhưng theo phán quyết của tòa, những giấy phép này chỉ được gia hạn trên cơ sở tạm thời trong khi NSA tìm một giải pháp cho các quy trình bị kết luận là phi pháp.

Một bức thông báo của NSA, được đánh giấu tối mật, đề tháng 12/2012, công bố những khoản chi phí khổng lồ có liên quan. “Những vấn đề của năm ngoái đã dẫn đến việc gia hạn nhiều giấy phép, khiến các nhà cung cấp cho Prism tiêu tốn hàng triệu USD để triển khai mỗi công việc mở rộng– các chi phí này được Chiến dịch Nguồn tin đặc biệt chi trả”, tài liệu có đoạn viết.

Chiến dịch Nguồn tin đặc biệt, được Snowden miêu tả là “bảo bối” của NSA, xử lý toàn bộ các chương trình theo dõi, ví dụ như Prism, mà cần tới “quan hệ đối tác doanh nghiệp” với các công ty truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ internet để tiếp cận dữ liệu liên lạc.

Việc tiền thuế của người dân Mỹ bị sử dụng để chi trả chi phí tuân thủ của các công ty này đã đặt ra các câu hỏi mới về mối quan hệ giữa thung lũng Silicon và NSA. Kể từ khi chương trình Prism bị các tờ GuardianWashington Post phanh phui, các công ty trên vẫn liên tiếp phủ nhận việc biết đến nó. Thay vào đó họ chỉ nhận đã cung cấp dữ liệu người dùng theo những yêu cầu pháp lý cụ thể từ chính quyền.

Một bức thư thông báo trước đó, không đề ngày, khẳng định các nhà cung cấp của Prism đều đã được cấp các giấy phép mới trong vòng chỉ vài ngày sau phán quyết của Fisa. “Tất cả các nhà cung cấp cho Prism, ngoại trừ Yahoo và Google, đã được chuyển đổi thành công sang giấy phép mới. Chúng tôi hy vọng Yahoo và Google sẽ hoàn tất việc chuyển đổi trước ngày 6/10”.

Khi được đề nghị trả lời về việc này, người phát ngôn của Yahoo cho biết: “Luật pháp liên bang yêu cầu chính phủ Mỹ phải thanh toán cho các nhà cung cấp các chi phí phát sinh để đáp ứng các quy trình pháp luật bắt buộc do chính phủ triển khai. Chúng tôi đã yêu cầu thanh toán theo quy định của luật này”.

Trong khi đó Facebook khẳng định: “chưa bao giờ nhận bất kỳ khoản bồi thường nào có liên quan đến việc đáp ứng yêu cầu cung cấp dữ liệu của chính phủ”.

Google thì chưa có phản ứng rõ ràng nào, còn Microsoft ra thông báo cho biết: “Microsoft chỉ tuân thủ với các lệnh của tòa án bởi đó là yêu cầu pháp lý, không phải vì chúng tôi được thanh toán cho công việc của mình”.

Prism hoạt động dựa theo khoản 702 đạo luật Fisa sửa đổi, cho phép NSA thu thập thông tin liên lạc mà không cần lệnh của tòa đối với các cá nhân người nước ngoài được tin là không có mặt trên đất Mỹ.

Tuy nhiên những tiết lộ của Snowden cho thấy các thư điện tử và cuộc gọi của người Mỹ cũng bị thu thấp với số lượng lớn trong qua trình thực hiện chiến dịch 702 này. Việc này có thể được thực hiện một cách có chủ ý bởi cá nhân đó có liên lạc với một mục tiêu tình báo nước ngoài, hoặc đơn giản là bởi NSA không thể phân biệt đâu là thông tin liên lạc trong nước.

Thanh Tùng
Theo Guardian