1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiêm kích MiG-35 Nga liệu có "đổi vận" nhờ thực chiến tại Ukraine?

Minh Phượng

(Dân trí) - Đã có lúc chiến đấu cơ MiG-35 của Nga gần như bị bỏ quên, nhưng hiện nay cơ hội đang đến, liệu nó có thể "đổi vận" nhờ thực chiến ở Ukraine hay không?

Tiêm kích MiG-35 Nga liệu có đổi vận nhờ thực chiến tại Ukraine? - 1

Tiêm kích MiG-35 do Nga chế tạo (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Không quân Nga có cần tiêm kích MiG-35?

Chỉ cách đây một năm, nhiều chuyên gia đã tiên đoán về sự sụp đổ của chương trình tiêm kích hạng nhẹ đa năng MiG-35 thế hệ 4++ của Nga. Mặc dù có giá rẻ hơn chiến đấu cơ hạng nặng Su-35S, MiG-35 vẫn đủ năng lực, để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu giống như Su-35S.

Có thông tin cho rằng, Điện Kremlin "ưu ái" các chiến đấu cơ có nguồn gốc của công ty Sukhoi, khi đưa ra quan điểm cho rằng, Nga không cần trang bị hai loại máy bay chiến đấu cùng tính năng một lúc.

Khi chuẩn bị bước sang năm 2024, cục diện thế giới đứng trước nhiều biến động khó lường. Nga nhận thấy rằng cần tăng cường sản xuất máy bay chiến đấu.

Nguyên nhân là các đối thủ tiềm năng của Nga có một lực lượng chiến đấu cơ hùng hậu từ F-16, F-18, F-15, F-35 và F-22. Mặc dù đã sở hữu Su-35 và loại tiêm kích hiện đại hơn là Su-57, nhưng lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (viết tắt là Không quân Nga hoặc VKS Nga) vẫn thua kém đáng kể so với Mỹ và NATO.

Những gì Nga cần bây giờ là nhanh chóng trang bị những máy bay chiến đấu vừa tiết kiệm chi phí vừa nhẹ hơn và MiG-35 là một sự phù hợp hoàn hảo để đáp ứng nhu cầu của Nga.

Hiện nay, Mỹ tiếp tục đẩy nhanh việc sản xuất và trang bị loại máy bay hạng nhẹ F-35 và Trung Quốc là J-10C. Tương tự, Bộ Quốc phòng Nga đang cân nhắc việc khởi động lại việc sản xuất MiG-35.

Tổng công trình sư Sergey Korotkov, nhà thiết kế hàng đầu của Công ty chế tạo máy bay Thống nhất Nga (UAC) cho rằng, "Với tình hình hiện tại, MiG-35 sẽ được triển khai nhiều hơn trong Không quân Nga. Một số chuyến bay thử nghiệm sắp diễn ra và sau đó Bộ Quốc phòng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc sản xuất hàng loạt MiG-35".

Theo người phát ngôn của UAC, MiG-35 là loại máy bay chiến đấu hoàn toàn mới, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2016. Đến nay, VKS Nga đã có 6 máy bay chiến đấu MiG-35.

Một số quốc gia đã quan tâm đến khả năng mua MiG-35. Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu của loại máy bay này. Theo ông Korotkov, các cuộc đàm phán về việc xuất khẩu MiG-35, đã bắt đầu vào năm 2023.

Khi so sánh giữa máy bay Nga và Mỹ, MiG-35 sánh ngang với các phiên bản mới nhất của F-18, trong khi Su-35 tương đương với F-15E/F. Điều đáng chú ý là quân đội Mỹ sở hữu số lượng F-16 gấp đôi so với F-15.

So sánh với Không quân Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, Không quân Nga nên trang bị nhiều máy bay chiến đấu MiG nhẹ hơn, thay vì tập trung vào số Su-35 hạng nặng. Tuy nhiên đến bây giờ, điều này dường như là một giấc mơ, hơn là hiện thực đối với Nga.

Địa chính trị thay đổi, MiG-35 có được không quân Nga trang bị?

Có sự lạc quan rằng, bối cảnh thay đổi trong thập niên 20 của thế kỷ 21, khiến MiG-35 có thể tiếp cận được với không quân Nga. Câu hỏi bây giờ là, điều gì đang cản trở Nga trang bị MiG-35?

Trước đây, dòng tiêm kích này đã bị loại khỏi cuộc chơi vì một số lý do. Cho đến năm 2022, người ta nhận thấy rằng Nga không cần đến hai máy bay chiến đấu đồng thời, cả hạng nhẹ và hạng nặng (Su và MiG).

Ngoài ra, công ty Sukhoi đã giành được chiến thắng trong bối cảnh họ độc lập về tài chính; trong khi MiG không còn nguồn lực.

Bàn cờ địa chính trị thế giới đã được định hình lại đáng kể vào năm 2022, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và các quốc gia đẩy mạnh tăng cường tiềm lực quân sự, trong đó có không quân. Vì vậy, giờ đây đã có một lộ trình rõ ràng cho việc sản xuất hàng loạt MiG-35 để đáp ứng tình hình đã thay đổi.

Nhiều người đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của MiG-35, bày tỏ lo ngại về khả năng so sánh của nó với Su-35 nặng hơn, mạnh hơn và các loại máy bay chiến đấu tương đương của phương Tây.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đang nhanh chóng phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ. Đó là xu hướng bao gồm những chiếc như F-35, F-16, Gripen, Eurofighter, Rafale,...

Thật hợp lý khi đặt câu hỏi về tuyên bố về trọng lượng nhẹ của MiG-35. Không giống như máy bay chiến đấu hạng nhẹ Gripen và F-16, MiG-35 có hai động cơ, khiến nó nặng hơn và đắt hơn và phải xếp nó tương đương với F-18 của Mỹ.

Thật khó để tranh luận rằng MiG-35 nhẹ hơn hoặc rẻ hơn Su-35, nhưng quan trọng là Quân đội Nga có đủ kinh phí để đồng thời trang bị cả hai loại máy bay chiến đấu Su và MiG? Điều này chỉ có thể làm được dưới thời Liên Xô.

Một số nhà phân tích tán thành việc chờ đợi máy bay chiến đấu một động cơ tàng hình Su-75. Tuy nhiên, mốc thời gian ra mắt chiếc máy bay này vẫn chưa rõ ràng, trên thực tế, nó thậm chí còn chưa thực hiện chuyến bay đầu tiên. Vì vậy, đó không phải là một gợi ý thiết thực vào thời điểm này.

Trước khi Su-75 xuất hiện, việc sản xuất từ 200 đến 300 chiếc MiG-35 có thể là một lựa chọn khả thi.

Với những ưu và nhược điểm của MiG-35 hiện nay cũng như những lời chỉ trích trước mắt, chúng ta hãy đi sâu tìm hiểu những trở ngại tiềm tàng, có thể cản trở việc sản xuất hàng loạt MiG-35, nếu Bộ Quốc phòng Nga bật đèn xanh.

Mối quan tâm cấp bách là liệu công ty MiG, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nhiều năm chỉ đóng vai trò thứ yếu, có thể mất đi lực lượng lao động lành nghề và khả năng tiên phong, sáng tạo.

Nhưng một điều có thể khẳng định, MiG-35 đã được chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất quy mô lớn vào thời điểm này, đủ để đáp ứng việc nhanh chóng thành lập các trung đoàn không quân mới. Nhu cầu duy nhất của công ty MiG hiện nay, đó là nhà nước hỗ trợ tài chính.

Tiêm kích MiG-35 Nga liệu có đổi vận nhờ thực chiến tại Ukraine? - 2

Tiêm kích MiG-35 Nga có thể mang, phóng nhiều loại vũ khí khác nhau (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Không quân Nga thử nghiệm thực chiến MiG-35 ở chiến trường Ukraine

Theo tuyên bố của Tổng công trình sư Sergey Korotkov, Không quân Nga đã xác nhận lần đầu tiên triển khai máy bay chiến đấu MiG-35 cho các hoạt động chiến đấu tại Ukraine.

Ông Korotkov phát biểu: "Trước các sự kiện hiện tại, đặc biệt là ở chiến trường Ukraine, MiG-35 đã tham gia vào tất cả các hoạt động đang diễn ra. Các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo vẫn chưa được hoàn thành và sau đó Bộ Quốc phòng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng".

MiG-35 là phiên bản cải tiến của MiG-29, theo một số thông tin, UAC vẫn sử dụng khung thân máy bay MiG-29 từ thập niên 80 để chế tạo MiG-35.

Hệ thống điện tử hàng không của MiG-35 nằm trong số những hệ thống hiện đại nhất trong kho của Không quân Nga. Theo thiết kế, MiG-35 được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) Zhuk-A/AE, giúp tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu.

MiG-35 được tối ưu hóa tốt để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu trên khắp Ukraine ở cả tầm gần và xa, đồng thời vượt trội rất nhiều so với bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Ukraine về khả năng đối không và đối đất.

Dù MiG-35 có tỏa sáng trên chiến trường Ukraine, cũng chưa chắc nhận được cái "gật đầu" của lãnh đạo Quân đội Nga. Trên thực tế là các máy bay chiến đấu hạng trung như vậy đang ngày càng giảm trong VKS Nga.

Lợi ích chính của MiG-35 dự kiến sẽ nằm ở các thị trường xuất khẩu, nơi chúng có thể được bán như một loại chiến đấu cơ đã được thử nghiệm chiến đấu thực tế, trong một môi trường phòng không khắc nghiệt và có thể sử dụng hiệu quả các loại vũ khí đối không và đối đất.

Ưu điểm chính của MiG-35 so với các máy bay chiến đấu hạng nặng như Su-30SM và Su-35 là chi phí bảo dưỡng và vận hành thấp hơn nhiều, yêu cầu đường băng ngắn hơn và chi phí vòng đời thấp. Kết hợp với đó là khả năng sử dụng các loại vũ khí và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến tương tự như của Su-35.

Tuy nhiên trong nhiều năm, MiG-35 là loại máy bay duy nhất của Không quân Nga chưa từng tham chiến và liệu chiến trường Ukraine có làm nó "đổi vận"?

Theo Military Watch, Bulgarian Military
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine