1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Nhật Bản trước sức ép từ chức

(Dân trí) - Thủ Tướng Nhật Bản Naoto Kan đã kêu gọi người dân đoàn kết để đối phó với “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” nước này, giữa lúc bản thân ông đang phải đối diện với những lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập và các nhà lập pháp đảng cầm quyền.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1690/Dong-dat-du-doi-gay-song-than-tai-hat-Ban.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Động đất dữ dội gây sóng thần tại Nhật Bản</b></a>

 

Thủ tướng Nhật Bản trước sức ép từ chức  - 1
Khu vực bị ảnh hưởng quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Trong lời kêu gọi mới nhất đưa ra hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cam kết sẽ xây dựng một nước Nhật mới ở những khu vực bị thảm hoạ tàn phá.

Ông Kan cũng khẳng định Nhật Bản sẽ vượt qua “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 65 năm hậu chiến” bằng cách hợp nhất trí tuệ và sức mạnh để cùng đối phó với mọi thách thức.

Ông Naoto Kan đưa ra kêu gọi đoàn kết cùng ngày ông Sadakazu Tanigaki, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do đối lập, tuyên bố đã tới lúc ông Kan quyết định xem có từ chức hay không vì điều ông Tanigaki gọi là “việc xử lý kém cỏi của Thủ Tướng trong hoạt động cứu hộ”.

Ông Kan cũng phải đối diện với lời kêu gọi từ chức từ ngay trong đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền. Chủ tịch Thượng viện, ông Takeo Nishioka, hôm qua nói rằng ông Kan “phải từ chức vì đã không xử lý thích đáng sau ba tai họa liên tiếp (động đất, sóng thần, khủng hoảng hạt nhân).

Một ngày trước đó, một đối thủ của Thủ tướng Kan trong DPJ, ông Ichiro Ozawa, đã chỉ trích cách đối phó của ông Kan trước cuộc khủng hoảng này.

Sau thảm hoạ động đất với cường độ 9 độ richter gây sóng thần lớn ập vào bờ biển Thái Bình Dương và làm hư hại nhà máy điện hạt nhân hôm 11/3, ông Kan đã kêu gọi hợp tác giữa các đảng để giúp đất nước phục hồi sau tai họa nghiêm trọng nhất thời hậu chiến này.

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko hôm qua cũng lần đầu tiên tới thăm những người sống sót tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng lúc các nhóm tìm kiếm lần đầu tiên đã tiến vào khu vực nằm trong bán kính của nhà máy Fukushima I bị hư hại 10 km để tìm xác các nạn nhân.

Thủ tướng Nhật Bản trước sức ép từ chức  - 2
Bên ngoài nhà máy, khoảng 300 cảnh sát mặc đồ bảo hộ màu trắng lần đầu tiên đã bắt đầu dọn dẹp các đống đổ nát ở trong khu vực bán kính cách nhà máy Fukushima 10 km.

Về tình hình tại chỗ, ban điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản cho biết đang vận chuyển thiết bị tới vùng đất cao ráo, sau khi xảy ra một loạt các dư chấn mạnh, cản trở nỗ lực sửa chữa nhà máy bị hư hỏng.

Cơn dư chấn mới nhất xảy ra lúc 6 giờ sáng hôm qua (giờ địa phương), mạnh 6,1 độ richter. Đây là cơn dư chấn thứ tư mạnh 6 độ richter hoặc hơn kể từ hôm thứ Hai. Hàng trăm dư chấn đã ảnh hưởng vùng duyên hải đông bắc Nhật kể từ thảm hoạ 11/3.

Các giới chức của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) nói rằng họ đang tiến hành sửa chữa để nối với mạng lưới điện quốc gia nhằm bảo đảm có điện để bơm nước vào các lò phản ứng của nhà máy cũng như các bể làm nguội.

Theo ước tính của Tepco phải mất thêm nhiều tuần nữa mới có thể xả hết khối nước 60.000 tấn tại khu nhà máy Fukushima I để sửa chữa hệ thống làm nguội các lò phản ứng.

Hôm 13/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tính đến khả năng thành lập một cơ quan để theo dõi về tình trạng y tế sau khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản trong thời gian từ 10-20 năm.

Hà Khoa
Tổng hợp