1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phía sau quyết định “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa tại Syria của ông Trump

(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút quân Mỹ khỏi bắc Syria được cho là nhằm “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào nhóm thiểu số người Kurd.

Phía sau quyết định “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa tại Syria của ông Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: Getty)

Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ quyết định rút quân đội Mỹ khỏi phía bắc Syria vào tối 6/10 đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội. Động thái này của ông chủ Nhà Trắng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới, đồng thời khiến Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ vội vã vào cuộc để kiểm soát hệ quả.

Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định của mình, cho rằng đây là một phần trong cam kết dài hạn của ông nhằm chấm dứt hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất cũng cảnh báo rằng, động thái này của nhà lãnh đạo Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công quân sự lớn nhằm vào cộng đồng thiểu số người Kurd ở Syria - lực lượng đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng lại là mục tiêu tấn công lâu nay của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Trump phủ nhận việc Mỹ bỏ rơi người Kurd. Trong một bình luận trên Twitter ngày 8/10, ông viết: “Chúng tôi có lẽ đang trong tiến trình rời khỏi Syria, nhưng chúng tôi không bỏ rơi người Kurd - những con người đặc biệt và là những chiến binh tuyệt vời”.

Tổng thống Erdogan ngày 9/10 thông báo “Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, cùng Quân đội Quốc gia Syria, vừa bắt đầu Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình nhằm chống lại lực lượng PKK (đảng Công nhân người Kurd)/YPG (Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd) và các phần tử khủng bố IS ở phía bắc Syria”. Các máy bay và đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công vào các vị trí tại Syria ngay sau thông báo của Tổng thống Erdogan. 

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Erdogan hôm 6/10 là sự kiện mới nhất trong mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, vốn bắt đầu từ trước khi ông Trump đắc cử. Mối quan hệ này đánh dấu thêm một cột mốc vào ngày 8/10 khi ông Trump thông báo sẽ mời ông Erdogan tới Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

Theo NBC News, ông Trump nhiều lần đứng về phía người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống tại Nhà Trắng. Chẳng hạn, khi các thượng nghị sĩ Cộng hòa tìm cách trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm nay vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, ông Trump đã mời các nghị sĩ tới Nhà Trắng để đề nghị họ “linh hoạt” hơn trong việc giải quyết vấn đề này. Rốt cuộc, các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn chưa được thực thi.

Việc ông Trump đột ngột đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria ngay sau cuộc điện đàm với ông Erdogan đã làm dấy lên nhiều quan ngại từ phía các nhà hoạch định chính sách, cũng như các nhóm giám sát hành vi đạo đức của chính phủ Mỹ - những người từ lâu đã coi mạng lưới hoạt động kinh doanh sâu rộng của Tổng thống Trump là nơi tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích.

Quan hệ kinh doanh

Phía sau quyết định “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa tại Syria của ông Trump - 2

 Tháp Trump tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)

Tổng thống Trump và gia đình ông từ lâu đã có các mối quan hệ kinh doanh tại Thổ Nhĩ Kỳ và với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bằng chứng điển hình nhất là tòa tháp Trump Towers Istanbul lấy tên của tỷ phú người Mỹ. Washington Post đưa tin, Tập đoàn Trump đã được trả tới 10 triệu USD để cho phép đặt tên lên hai tòa nhà ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan từng tới dự lễ khai trương hai tòa tháp Trump ở Instanbul hồi năm 2012. Ivanka Trump, con gái Tổng thống Trump và là cố vấn cấp cao Nhà Trắng, đã gửi lời cảm ơn tới ông Erdogan vì đã tham dự sự kiện này. Ivanka từng có các chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ vào các năm 2009, 2010 và 2012.

Năm 2015, ông Trump từng thừa nhận rằng ông có “xung đột” trong các vấn đề liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi có một xung đột nhỏ về lợi ích vì tôi có một tòa nhà rất lớn ở Istanbul. Đó là một công việc làm ăn cực kỳ thành công. Nơi đó được gọi là Tháp Trump, với 2 tòa tháp, thay vì một như thường lệ”, Tổng thống Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Stephen Bannon, chủ tịch hãng tin Breitbart News.

Tập đoàn Trump cũng có nhiều hoạt động kinh doanh liên quan tới chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã có 14 chuyến thăm tới các cơ ngơi của ông Trump, nhiều hơn tất cả các nước khác.

Các thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa Tổng thống Trump và gia đình ông với Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra nhiều nghi ngại, đặc biệt khi nhà lãnh đạo Mỹ chưa rút hoàn toàn khỏi các dự án đó, hoặc mở một quỹ tín thác cho mình.

Richard Painter, luật sư dưới thời chính quyền Goerge W. Bush, cho rằng việc thiếu một “vùng đệm” giữa tổng thống và các lợi ích kinh doanh của ông không chỉ vi phạm hiến pháp mà còn chưa có tiền lệ.

“Bây giờ các bạn đã thấy các lợi ích kinh tế của ông ấy được đặt lên bàn đàm phán cùng với những thứ khác. Các bạn không thể có một vị tổng thống với các lợi ích kinh doanh tại những điểm nóng trên toàn thế giới”, Painter nói.

Mối quan hệ kinh doanh chính của Ivanka Trump tại Thổ Nhĩ Kỳ là Mehmet Ali Yalcindag, con rể của nhà sáng lập tập đoàn Dogan Holding Aydin Dogan - người đứng sau dự án Tháp Trump tại Istanbul. Yalcindag từng gọi ông là người bạn thân thiết của Tổng thống Trump và gia đình nhà lãnh đạo Mỹ. 

“Chúng tôi có tình bạn và mối quan hệ tuyệt vời với họ”, ông Trump nói sau khi tập đoàn Dogan đầu tư 400 triệu USD vào Tháp Trump.

Yalcindag được cho là cũng tham dự sự kiện ăn mừng chiến thắng đắc cử tổng thống của ông Trump hồi năm 2016 tại New York. Yalcindag trở thành chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và nhóm này từng tổ chức hội thảo 3 ngày hồi năm 2017 tại Khách sạn Trump International ở Washington với sự tham gia của các nhân vật cấp cao trong chính quyền Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2018, Yalcindag từng tự tin nói rằng Tổng thống Trump rốt cuộc sẽ đồng cảm với cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ về chính sách đối ngoại.

“Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các vấn đề khu vực nên được giải quyết bởi các chủ thể trong khu vực đó. Do vậy, Mỹ nên nhìn nhận những gì đang xảy ra tại biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ từ góc độ của đồng minh chiến lược của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Yalcindag nói trong cuộc phỏng vấn.

Thành Đạt

Theo NBC