1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những ngày quay cuồng trong "sóng thần" Covid-19 của bác sĩ Italia

(Dân trí) - Các y bác sĩ tại bệnh viện ở Italia kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần khi phải đương đầu với “trận sóng thần virus” khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại nước này.

Những ngày quay cuồng trong sóng thần Covid-19 của bác sĩ Italia - 1

Nhân viên y tế làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Oglio Po tại Cremona, Italia hôm 19/3. (Ảnh: Reuters)

5 giờ sáng, Annalisa Baldi chuẩn bị bắt đầu ca làm việc tại khu điều trị Covid-19 ở bệnh viện Cremona, đông nam Milan, thuộc vùng Lombardy, Italia.

Mặc bộ đồng phục thường ngày và đeo khẩu trang y tế, y tá 34 tuổi tiến thẳng đến khu thay đồ để chuẩn bị vào làm việc.

Cô rửa tay cẩn thận bằng dung dịch vệ sinh đặc biệt, mặc đồ bảo hộ và đeo găng tay.

“Cho tới khi kết thúc ca làm việc của mình, găng tay trở thành da của tôi. Tôi rửa và khử trùng chúng bất cứ lúc nào có thể. Tôi cũng đeo thêm nhiều lớp găng tay suốt cả ngày”, Baldi nói với Al Jazeera.

2 chiếc khẩu trang, một chiếc để bảo vệ chính cô và chiếc còn lại để che chắn bệnh nhân, cùng kính và mũ bảo hộ - tất cả đã tạo thành lớp “áo giáp” cho Baldi trong suốt quá trình cô làm việc.

Tại khu điều trị Covid-19 hôm nay, có 66 bệnh nhân tuổi từ 50-70. Ngoài ra có một số bệnh nhân trẻ hơn.

“Virus (corona) không chỉ ảnh hưởng tới người già có bệnh nền”, Baldi nói, đồng thời cho biết bệnh viện lớn nơi cô làm việc chủ yếu điều trị cho các ca mắc Covid-19 khẩn cấp.

5 giờ 30 sáng, các nhân viên y tế tất bật làm việc tại các phòng điều trị.

Các y tá lấy máu, kiểm tra lượng ô xy của bệnh nhân và phát thuốc. Trong khi đó, các bác sĩ bắt đầu tiến hành đợt thăm khám đầu tiên. Các chuyên gia về chăm sóc đặc biệt sắp xếp hội chẩn và kiểm tra X quang.

Để tránh lây nhiễm, việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được hạn chế nhiều nhất có thể. Chỉ những bệnh nhân bị sốt cao và cần hỗ trợ đặc biệt về oxy mới được nhập viện tại Italia, ổ dịch lớn nhất tại châu Âu.

Reuters dẫn số liệu từ Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italia cho biết, tổng số người chết vì dịch Covid-19 tại Italia tính đến ngày 24/3 đã tăng lên tới 6.820 trường hợp. Trong ngày hôm qua, Italia có thêm 5.249 ca mắc mới, nâng số người mắc Covid-19 tại quốc gia này lên 69.176 người.

Ngoài việc theo dõi nhịp thở của bệnh nhân, các nhân viên y tế cũng tiến hành các xét nghiệm khí máu động mach, giúp xác định phần trăm ô xy trong máu của bệnh nhân.

Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể thay đổi liên tục mỗi ngày. Lượng ô xy có thể giảm xuống rất nhanh, đòi hỏi phải đặt ống khí quản và thời gian đặt ống đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 trung bình kéo dài khoảng 20 ngày.

Y bác sĩ nhiễm virus

Những ngày quay cuồng trong sóng thần Covid-19 của bác sĩ Italia - 2

Các giường bệnh được dựng tạm thời trong khuôn viên một bệnh viện ở Italia để điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. (Ảnh: EPA)

Baldi tin rằng cô có thể đã nhiễm virus corona, giống như nhiều đồng nghiệp khác đang chiến đấu trên tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên các triệu chứng của cô vẫn chưa phát ra ngoài.

Tỷ lệ nhân viên y tế mắc Covid-19 tại Italia cao gấp đôi so với số nhân viên y tế nhiễm virus trong thời kỳ bệnh dịch tại Trung Quốc. Hơn 5.000 nhân viên y tế tại Italia đã bị nhiễm bệnh kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại nước này hồi tháng 2, trong đó một phần nguyên nhân là do thiếu thiết bị bảo hộ.

Theo Guardian, nhiều nhân viên y tế Italia tiếp xúc với các ca bệnh Covid-19 chỉ có thể đeo khẩu trang y tế không có bộ lọc thích hợp để chặn virus corona. Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo, nếu toàn bộ nhân viên y tế tại Italia được xét nghiệm, con số nhiễm bệnh thực tế có thể cao đến mức khiến các bệnh viện phải dừng hoạt động.

Tại Bergamo, ít nhất 6.000 người dân đã bị nhiễm virus corona, biến nơi này thành tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Italia và toàn thế giới.

Hàng trăm người tại Bergamo đã thiệt mạng vì Covid-19. Tiếng còi báo động liên tục vang lên, phá vỡ bầu không khí im lặng tại một thành phố đang bị phong tỏa.

Bệnh viện Papa Giovanni XXIII tại Bergamo là nơi có khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) lớn nhất ở châu Âu. Roberto Cosentini, điều phối viên sơ cứu tại bệnh viện, cho biết dịch Covid-19 giống như “trận động đất virus”.

“Giống như mỗi ngày chúng tôi có một cơn địa chấn mới, với hàng loạt bệnh nhân mới nhiễm bệnh cùng một lúc. Khó khăn bây giờ là chuyển các bệnh nhân, những người đã cải thiện nhẹ, đi nơi khác để nhường chỗ cho những người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Cosentini cho biết.

Tương tự y tá Baldi, bác sĩ Cosentini tin rằng ông đã bị mắc Covid-19, mặc dù chưa có nhiều triệu chứng nhiễm bệnh. Các nhân viên y tế tại bệnh viện hiện đều được cung cấp các đồ bảo hộ cần thiết.

“Dịch bệnh này không thể dự đoán trước. Các bệnh nhân giống như những ngọn nến bắt đầu bập bùng, trước khi yếu dần và cuối cùng tắt lụi. Thở khò khè và khó thở là biểu hiện báo trước cái chết. Các bệnh nhân có một số bệnh nền sẽ không được đưa tới khu chăm sóc đặc biệt. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để giúp họ ra đi nhẹ nhàng”, bác sĩ Cosentini nói.

“Họ (các bệnh nhân) rất sợ hãi, cô đơn và đơn độc. Thực sự đau đớn khi nhìn thấy họ ra đi như vậy. Rất đau khổ khi phải gọi điện thông báo cho gia đình họ”, ông Cosentini cho biết thêm.

Tuy nhiên, bác sĩ Cosentini cũng cho thấy tia hy vọng khi đề cập tới số bệnh nhân được xuất viện. Trong số gần 70.000 người bị mắc Covid-19 tại Italia, hơn 8.000 bệnh nhân đã được xuất viện.

Valentina, bác sĩ gây mê tại khoa chăm sóc đặc biệt ở Milan, cho biết mặc dù nhóm của cô được trang bị đồ bảo hộ, song các đồng nghiệp tại các bệnh viện khác trong thành phố vẫn phải điều trị cho bệnh nhân trong khi chỉ có khẩu trang y tế.

“Chúng tôi kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần. Dịch bệnh đã tạo ra đã tình hình bất ổn tới mức, ngay cả những người đã chuẩn bị sẵn sàng nhất cho việc đối mặt với các tình huống căng thẳng và đưa ra những quyết định khó khăn, cũng suy sụp trước áp lực”, Valentina cho biết.

“Bệnh nhân vẫn tiếp tục nhập viện. Bạn biết rằng một vài người trong số họ sẽ không qua khỏi. Các bệnh nhân chết vì khó thở. Một vấn đề khó khăn hơn đó là vẫn chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc”, bác sĩ Valentina nói.

 

Thành Đạt

Tổng hợp