1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

New Delhi nói 416 binh sĩ Myanmar băng qua biên giới Ấn Độ trong 2 tháng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Ấn Độ cho biết, hơn 400 quân nhân Myanmar đã băng qua biên giới 2 nước trong 2 tháng khi xung đột giữa quân đội quốc gia Đông Nam Á và phe nổi dậy nóng lên.

New Delhi nói 416 binh sĩ Myanmar băng qua biên giới Ấn Độ trong 2 tháng - 1

Binh sĩ Myanmar (Ảnh minh họa: Reuters).

Ngày 11/1, Tư lệnh quân đội Ấn Độ Manoj Pande cho hay hơn 400 quân nhân Myanmar đã băng qua biên giới 2 nước để vào Ấn Độ trong 2 tháng qua, khi giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng nổi dậy ở Myanmar và chính quyền quân sự.

Chính quyền Myanmar đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi họ lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021 sau khi 3 lực lượng dân tộc thiểu số tiến hành cuộc tấn công phối hợp vào cuối tháng 10, giành quyền kiểm soát một số thị trấn và đồn quân sự và buộc nhiều binh lính Myanmar phải rời bỏ vị trí. 

Chính quyền Ấn Độ thường để quân nhân Myanmar quay lại đất nước trong vòng vài ngày sau khi họ vượt qua biên giới.

Khoảng giữa tháng 12/2023, Trung Quốc tuyên bố quân đội Myanmar và 3 nhóm quân nổi dậy đã đồng ý tạm ngừng bắn sau các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, sau đó lệnh ngừng bắn đã đổ bể, và giao tranh tiếp tục xảy ra dữ dội.

Gần đây nhất, phe nổi dậy Myanmar ngày 5/1 tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát một thị trấn trọng điểm dọc biên giới phía bắc nước này với Trung Quốc sau nhiều tuần giao tranh ác liệt với quân đội Myanmar.

"Liên minh Ba Anh em" cho biết họ đã kiểm soát thị trấn Laukkai sau khi giành được trụ sở của quân đội Myanmar đặt tại đây.

Phe nổi dậy bao gồm 3 nhóm vũ trang có nhiều kinh nghiệm chiến đấu: Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA).

Trong khi đó, số người Myanmar rời bỏ nhà cửa do giao tranh đã tăng vọt. Theo báo cáo tuần trước của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc, kể từ cuối tháng 10, hơn 660.000 người đã phải bỏ nhà cửa lánh nạn, nâng tổng số lên hơn 2,6 triệu người.

Trung Quốc trước đó đã nhiều lần kêu gọi hòa bình và ổn định ở Myanmar.

Theo Reuters