1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tuyên bố không trả lại tài sản tịch thu của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ tuyên bố không có kế hoạch trả lại tài sản tịch thu của các doanh nhân Nga trong làn sóng trừng phạt mới nhất nhằm vào Moscow.

Mỹ tuyên bố không trả lại tài sản tịch thu của Nga - 1

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan (Ảnh: AP).

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 14/4 cho biết, Washington không có kế hoạch trả lại các tài sản tịch thu của các doanh nhân Nga như một phần của các lệnh trừng phạt mới nhất áp đặt lên Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Mục đích của chúng tôi không phải là trả lại chúng", ông Sullivan nói, đồng thời nhấn mạnh các nhà chức trách Mỹ sẽ sử dụng các tài sản bị tịch thu "theo cách phù hợp".

"Đây là thẩm quyền mà chúng tôi có và có thể còn có các thẩm quyền khác mà chúng tôi đang tích cực xem xét", ông Sullivan cho biết thêm.

Nhà Trắng đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Theo lệnh trừng phạt, Mỹ đã tịch thu các tài sản ở nước ngoài của Nga cùng với những tài sản thuộc sở hữu của các doanh nghiệp và cá nhân Nga.

Một số nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi bán hoặc thanh lý các tài sản của Nga trong chiến dịch trừng phạt, đồng thời cho rằng số tiền thu được nên được sử dụng cho việc tái thiết Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow không có kế hoạch quốc hữu hóa tài sản nước ngoài ở Nga để đáp trả. "Không giống các nước phương Tây, chúng tôi tôn trọng quyền sở hữu tài sản", ông Putin nói.

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal ngày 8/4 tuyên bố tất cả tài sản của Nga sẽ được quốc hữu hóa tại Ukraine.

Quốc hội Ukraine hồi đầu tháng đã thông qua việc mở rộng luật tịch thu tài sản. Theo đó, việc sửa đổi luật sẽ cho phép chính phủ Ukraine tịch thu và quốc hữu hóa tài sản của công dân Nga trên lãnh thổ Ukraine. Đây là những người có "mối quan hệ gần gũi" với Nga và là các pháp nhân hoạt động ở Ukraine nhưng bên thụ hưởng lại là Nga hoặc Nga sở hữu cổ phần.

Phiên bản trước đó của đạo luật đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký vào tháng 3. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên này chỉ áp dụng đối với các tài sản thuộc sở hữu của chính phủ Nga và các công ty nhà nước Nga.

Các tài sản bị tịch thu sẽ được sử dụng để chi cho "các khoản bồi thường cho Ukraine trong tương lai".

Tổng thống Putin hôm 5/4 tuyên bố việc các chính phủ nước ngoài tịch thu tài sản của Nga là "con dao hai lưỡi". Tuyên bố được đưa ra sau khi Đức cho biết cơ quan quản lý năng lượng nước này sẽ kiểm soát Gazprom Germania, một chi nhánh của tập đoàn khí đốt khổng lồ Nga Gazprom. Trong khi đó, chính phủ Anh có thể quyết định can thiệp và tạm thời điều hành hoạt động của chi nhánh Gazprom tại nước này.

Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ với Nga nhằm buộc Moscow phải dừng chiến sự tại Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng cấm vận toàn bộ dầu nhập khẩu từ Nga. Trong bối cảnh Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của khối, một quyết định như vậy được cho là dẫn đến hậu quả cả về chính trị và kinh tế.

Xung đột leo thang có thể khiến nền kinh tế của Nga và Ukraine tụt giảm với quy mô 2 chữ số trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, Ukraine có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với nền kinh tế giảm sút gần 45,1% vào năm 2022, trong khi Nga dự kiến bị sụt giảm 11,2% GDP trong năm nay.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine