1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ gia tăng thách thức Trung Quốc trên mọi mặt trận

(Dân trí) - Mỹ đã đẩy mạnh thách thức Trung Quốc trên mọi mặt trận, từ Biển Đông, Đài Loan đến nhân quyền. Các động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang trong giai đoạn đàm phán về một thỏa thuận để tìm lối thoát cho chiến tranh thương mại.

tau-1553651334871.jpg

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur, một trong hai tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan gần đây. (Ảnh: Wikipedia)

Bloomberg nhận định, dù Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại, chính quyền Trump đang ngày càng quyết liệt trong việc thách thức các lằn ranh đỏ địa chính trị của Bắc Kinh.

Từ ngày 25/3, Mỹ đã điều một tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan, công bố một báo cáo chỉ trích các hạn chế đi lại tại Tây Tạng và đón tiếp những người lưu vong Duy Ngô Nhĩ tại Bộ ngoại giao.

Các động thái này - tất cả đều phớt lờ các cảnh báo của Trung Quốc rằng không can thiệp vào cái mà nước này gọi là các vấn đề nội bộ - diễn ra ngay trước khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại.

Tất cả ba chuyến thăm của các phái đoàn thương mại Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tạm ngừng chiến tranh thương mại hôm 1/12/2018 đều diễn ra sau các cuộc tuần tra hải quân của Mỹ qua các khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Mặc dù không rõ các hoạt động này có nhằm gửi một tín hiệu trong các cuộc đàm phán hay không, nhưng chính quyền Trump dường như đang muốn thử lửa Bắc Kinh trong khi tìm kiếm các nhượng bộ thương mại.

Ngày càng thù địch

Các động thái trên cho thấy sự đối đầu chiến lược ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới mà nhiều nhà quan sát dự đoán là sẽ kéo dài hơn bất kỳ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nào. Giới chức chính quyền Trump đã “bật đèn xanh” cho đề nghị của Đài Loan về việc lần đầu mua các máy bay chiến đấu mới trong gần 30 năm qua, theo các nguồn tin nội bộ tiết lộ hồi tuần trước. Mỹ cũng đang thúc ép các đồng minh ngừng sử dụng các thiết vị viễn thông do các công ty Trung Quốc sản xuất, như Huawei, để tránh các nguy cơ gián điệp.

Cho tới nay, phía Trung Quốc vẫn giữ chính sách “bình tĩnh chiến lược” đối với chính quyền Trump, phản đối từng động thái và không liên hệ các bất đồng an ninh với các cuộc đàm phán thương mại. Hồi tháng 1, ông Tập Cận Bình cảnh báo rằng một loạt các lo ngại chính trị và kinh tế trong nước đã gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sự lãnh đạo của đảng, cho phép ông có động lực mạnh mẽ để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại càng sớm càng tốt.

Ông Wang Dong, tổng thư ký Viện Pangoal, một nhóm nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho rằng các động thái của Mỹ đã làm liên tưởng tới chính sách “ngoại giao pháo hạm” của thế kỷ 19, khi Mỹ và các cường quốc phương Tây sử dụng sức mạnh hải quân của họ đã buộc mở cửa các thị trường châu Á.

Sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Đài Loan, mà Bắc Kinh xem là một tỉnh và vẫn để ngỏ khả năng dùng vũ lực để thống nhất, đã khiến Bắc Kinh tức giận. Hòn đảo đã tìm thấy một số người ủng hộ trong Nhà Trắng của chính quyền Trump, khi một số quan chức ủng hộ đưa thêm các tàu chiến qua eo biển Đài Loan.

Trump xi.jpg

Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền (Ảnh: AP)

Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng cảnh báo Mỹ.

“Chúng tôi hối thúc Mỹ nhận thức đầy đủ tính chất nhạy cảm cao và có hại của vấn đề liên quan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết hồi tuần trước về khả năng Mỹ bán các máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan. Ông Cảnh cũng đề nghị phía Mỹ xử lý thấu đáo và thận trọng các vấn đề liên quan tới Đài Loan để không gây tổn hại tới sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington trong các vấn đề quan trọng và hòa bình, ổn định xuyên Eo biển”.

Dù ông Trump tránh công khai công nhận Đài Loan kể từ cuộc điện đàm ngay cả trước khi nhậm chức với nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nhưng ông đã ký một dự luận kêu gọi gia tăng các trao đổi quân sự và ngoại giao với hòn đảo. Bà Thái cũng có một hành động mà Trung Quốc xem là quá cảnh khiêu khích là quá cảnh tại Hawaii trong khi trên đường tới thăm các đối tác ngoại giao ở Thái Bình Dương.

“Không may là khi đối mặt với các thách thức này, Đài Loan không đứng một mình”, bà Thái Anh Văn phát biểu khi quá cảnh tại Hawaii. “Cam kết của Mỹ với Đài Loan mạnh mẽ chưa từng thấy”.

Trong khi đó, Mỹ cũng thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh khi phái các tàu chiến thách thức các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cũng chỉ trích việc Trung Quốc bắt giữ tới 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và đã gặp gỡ một nhóm người sống lưu vong tại Washington mới đây.

Để tránh các mâu thuẫn trên khỏi các cuộc đàm phán thương mại có thể trở nên khó khăn hơn, khi các cuộc đàm phán đang vào giai đoạn nước rút và Mỹ gia tăng sự cứng rắn trên các mặt trận nhạy cảm. 

“Mỹ dường như sẵn sàng chơi quân bài Đài Loan theo một hướng cực đoan hơn”, tờ Thời báo Hoàn cầu viết trong một bài xã luận hôm 6/3. “Nhưng một hành động như vậy có thể rủi ro và có thể vấp phải sự trả đũa từ Bắc Kinh nếu đi quá xa, điều có thể làm tổn hại chính các lợi ích của Mỹ”.

An Bình