Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân

Kênh đào Phù Nam Techo: Nỗi lo về an ninh nguồn nước và hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long

Dự án Kênh Phù Nam Techo là gì?

Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia còn được gọi là Dự án Hệ thống Hậu cần và Đường bộ Giao thông Tonle Bassac. Kinh phí dự án ước tính 1,7 tỷ USD.

Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến dài 180km, nối các cảng biển của Campuchia ở phía tây nam với sông Mekong, tạo ra một tuyến đường thủy qua các khu vực trọng điểm như Kadal, Takeo và Kampot, tới bờ biển và quan trọng hơn là tới cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville.

Dự án này nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố kể từ tháng 8/2023. Campuchia đã mất 26 tháng để tiến hành nghiên cứu khả thi với sự tham gia của hàng chục chuyên gia. Dự án dự kiến được khởi công vào cuối năm nay và ước tính sẽ mất 4 năm để hoàn thành.

Kênh đào nhân tạo này là dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn gần đây nhất gần đây ở khu vực và là một phần trong tham vọng của Campuchia nhằm trở thành một trung tâm kinh tế và hậu cần quan trọng ở Đông Nam Á bằng cách tăng cường kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa và con người trên khắp đất nước Campuchia.

Kênh Phù Nam Techo dự kiến rộng 100m ở thượng lưu và 80m ở hạ lưu, độ sâu 5,4m, tạo ra hai làn đường vận chuyển cho tàu có trọng tải lên tới 3.000 tấn. Ngoài ra, kế hoạch của Campuchia còn bao gồm việc xây dựng 3 đập thủy điện, 11 cây cầu và vỉa hè dài 208km, đảm bảo giao thông an toàn và kết nối liền mạch.

Kênh đào Phù Nam Techo đưa ra một loạt mục tiêu đa dạng, sẵn sàng định hình lại và phát triển bối cảnh kinh tế của Campuchia đồng thời giải quyết các thách thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Campuchia xác định, mục tiêu trọng tâm của kênh Phù Nam Techo là liên kết các khu vực khác nhau của nước này, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Con kênh được kỳ vọng tạo điều kiện tiếp cận hợp lý hơn tới cả thị trường trong nước và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa một cách liền mạch, thúc đẩy thương mại; tạo cơ hội việc làm cho 5 triệu cư dân mà không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho quốc gia.

Campuchia hi vọng, kênh đào này sẽ góp phần tăng cường mạng lưới giao thông tổng thể, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận các khu vực bị cô lập và thúc đẩy hội nhập khu vực và tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, Campuchia có kết nối đường thủy với các cảng của Việt Nam qua sông Mekong, hàng may mặc xuất khẩu thường được vận chuyển bằng sà lan có động cơ từ cảng Phnom Penh đến các cảng xung quanh TPHCM (như cảng Cát Lái và cảng Cái Mép). Kênh Phù Nam Techo về cơ bản sẽ đóng tuyến nối còn thiếu giữa Phnom Penh và cảng Sihanoukville, cho phép vận chuyển hàng hóa dễ dàng giữa hai cảng ở Phnom Penh và Sihanoukville, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào các cảng ở quốc gia lân cận. 

Kênh đào này được xem là một phần của kế hoạch cải tổ hậu cần rộng hơn nhằm giảm tới 30% chi phí vận chuyển, giúp Campuchia cạnh tranh hơn trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như ngành may mặc.

Kênh Phù Nam Techo sẽ phục vụ một cảng biển nước sâu của Kampot và đặc khu kinh tế. Xa hơn về phía bờ biển từ Kampot, kênh đào mới sẽ cho phép tiếp cận dễ dàng với Đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi nhận được khoản đầu tư đáng kể từ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, và cảng Sihanoukville, nơi xử lý phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia.

Gần đó là căn cứ hải quân Ream, nơi đang được nâng cấp với nguồn tài trợ từ Trung Quốc.

Đây sẽ là tuyến đường nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với di chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt. Tuy nhiên, các tàu chở dầu viễn dương đến các cảng ven biển của Campuchia vẫn cần phải dỡ container lên sà lan có khả năng chở tới 1.000 tấn lên kênh sâu 4,7m vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.

Tháng 8/2023, Campuchia đã thông báo cho Ủy hội sông Mekong về kế hoạch xây dựng con kênh "trên nhánh sông Mekong" và cho biết tác động sẽ chỉ giới hạn ở "bụi trong không khí và tiếng ồn" từ hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, chuyên gia về Mekong cho rằng con kênh này có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chính sông Mekong nhiều hơn so với những gì Campuchia tuyên bố.

Dự án cũng là một phần trong kế hoạch của Campuchia nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), được kỳ vọng sẽ nâng cao sức hấp dẫn của đất nước như một điểm đến đầu tư.

Chính phủ Campuchia khẳng định "không vay tiền từ Bắc Kinh để xây dựng kênh đào" và nhấn mạnh rằng nhà phát triển Trung Quốc sẽ chịu rủi ro tài chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy giảm, đã có ý kiến bày tỏ nghi ngờ về điều này.

Ngành dệt may Campuchia bị ảnh hưởng do gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 đã khiến một số nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi các dự án phát triển ở Campuchia. Việc xây dựng sân bay rộng 300ha ở Modulkiri vẫn bị đình trệ do Campuchia chưa tìm được nhà đầu tư mới. 

Có nhiều ý kiến lo ngại, kênh đào Phù Nam Techo dường như không chỉ đơn giản là công trình phát triển kinh tế - xã hội mà còn có thể tác động đến quốc phòng, an ninh khu vực. Kênh đào này ngắn hơn kênh đào Suez 16km. Nó thể hỗ trợ việc tàu quân sự di chuyển từ Vịnh Thái Lan, hoặc từ căn cứ Ream, tiến sâu vào nội địa.

Kênh đào Phù Nam Techo: Nỗi lo về an ninh nguồn nước và hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long - 1

Kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia dự kiến dài 180km (Đồ họa: Straits Times).

Năm 2021, công ty nhà nước Trung Quốc (China Communications Construction) đã tiến hành nghiên cứu khả thi. Tháng 9/2023, Cơ quan Hợp tác Cầu đường Trung Quốc (CBRC) đã ký thỏa thuận với Campuchia để tài trợ cho việc xây dựng kênh đào với kinh phí 1,7 tỷ USD. CBRC khẳng định là bên liên quan chính của kênh đào Phù Nam Techo.

Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, Trung Quốc có quyền quản lý độc quyền đối với kênh đào trong thời gian kéo dài từ 40 năm đến 50 năm để thu hồi vốn đầu tư và có lãi. Sau thời gian này, quyền quản lý kênh đào sẽ được chuyển giao cho Campuchia.

Trong khuôn khổ rộng hơn của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, kênh đào này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối khu vực và thúc đẩy việc Trung Quốc theo đuổi phát triển chất lượng cao. Kênh đào sẽ thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Phát triển Công nghiệp và Hành lang Lúa gạo và Cá ở Campuchia.

Trung Quốc có thêm cơ hội tăng cường ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Đầu tư của Trung Quốc vào khu vực sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa Campuchia với Trung Quốc.

Những lo ngại về tác động tới dòng chảy, môi trường

Kênh đào Phù Nam Techo: Nỗi lo về an ninh nguồn nước và hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long - 2

Cảng tự trị Phnom Penh ở tỉnh Kanda, Campuchia (Ảnh: CJA).

Đã có lo ngại rằng dự án kênh đào lớn của Campuchia có thể gây ra các vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến nghề cá và nông nghiệp ở ĐBSCL. Người dân ĐBSCL từ đời này qua đời khác đều phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa và nguồn cá của dòng sông.

Dòng chảy tự nhiên của con sông đang bị gián đoạn do tác động tiêu cực của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Điều này cũng khiến nguồn cung cấp trầm tích sông của đồng bằng giảm hơn 90%, gây nên những thay đổi về sản lượng cá, đa dạng sinh học, chế độ dòng chảy lưu vực, phá vỡ các hệ sinh thái mong manh và gây nguy hiểm cho sinh kế của 18 triệu người sinh sống dọc hai bờ.

Dự án kênh đào Phù Nam Techo cũng có thể gây ra tác động hơn nữa cho cộng đồng dân cư ở hạ lưu vốn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, bởi kênh đào sẽ cần hơn 80 triệu m3 nước cho hoạt động, từ đó sẽ góp phần làm cạn kiệt mực nước của sông Tiền và sông Hậu.

Mối quan tâm đặc biệt là sự thay đổi dòng chảy trong sông Mekong. Kênh đào có thể hoạt động như một con đê, ngăn nước chảy vào các khu vực quan trọng của đồng bằng ở miền Nam Việt Nam, gây ra khô hạn ở phía nam kênh và vùng ẩm ướt ở phía bắc, do dòng nước của sông Mekong có thể mở rộng trong mùa mưa vào những tháng cuối năm.

Kênh sẽ hoạt động như một con đập khi nước chảy xuôi dòng chạm vào kênh và chuyển hướng về phía đại dương. Sự thay đổi dòng nước như vậy sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động nông nghiệp và gây nguy hiểm cho môi trường sống của các loài dễ bị tổn thương trong khu vực.

Vấn đề thiếu nước ngày càng gia tăng tác động không nhỏ tới tăng trưởng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhu cầu năng lượng... Khi giá trị kinh tế và chiến lược của nước tăng lên, sự cạnh tranh để tiếp cận nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm cũng tăng theo. Quan hệ giữa các quốc gia vốn có lịch sử lâu dài cùng chung dòng nước Mekong tiềm ẩn những tác động tiêu cực.

Mặt khác, kênh đào Phù Nam Techo liên quan tới quan hệ vận tải hàng hải giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Campuchia hiện dựa vào các cảng của Việt Nam để vận chuyển hàng may mặc xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu thô. Kể từ năm 2011, khoảng 30 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển trên các tuyến đường thủy Việt Nam - Campuchia. Việc vận chuyển giữa Campuchia và Việt Nam qua sông Mekong được tạo điều kiện thuận lợi nhờ Hiệp ước Vận tải Đường thủy ký năm 2009, đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và hải quan...

Dù Campuchia đã lên tiếng chính thức trấn an, nhưng nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về hạ tầng "sử dụng kép" của kênh đào Phù Nam Techo: Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kênh đào có thể đóng vai trò là nền tảng để tăng cường hiện diện quân sự. Điều này có khả năng tác động tới cán cân trong bối cảnh Biển Đông nhiều phức tạp.

Mặc dù Campuchia khẳng định kênh đào sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp, nhưng Mỹ vẫn kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án này.

Việt Nam cũng nêu lên những quan ngại về môi trường đối với dự án kênh đào này dù Campuchia khẳng định tác động môi trường do kênh đào sẽ ở mức tối thiểu.

Một mặt Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với những tác động bất lợi, mặt khác, chủ động giảm thiểu những tác động không mong muốn để giữ vững môi trường hòa bình, quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nhân dân và đất nước Campuchia láng giềng, cũng như giữ cân bằng quan hệ với các nước lớn.

Ngày 12/4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định kênh Phù Nam Techo sẽ thúc đẩy kinh tế nước này, đồng thời không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

"Hiến pháp Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hay ý định phản đối Hiến pháp", ông Hun Manet nói. 

Theo ông Hun Manet, tàu chiến không thể vào kênh Phù Nam Techo vì lớn hơn sức tiếp nhận của kênh, chỉ có tàu chở hàng vào được. Kênh sẽ tiếp nhận tàu chở 3.000 tấn hàng hóa trong mùa khô và 5.000 tấn trong mùa mưa.

Cũng theo Thủ tướng Campuchia, kênh đào sẽ được các đối tác Trung Quốc xây dựng theo phương thức thực hiện dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) với Chính phủ Campuchia.

Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.