1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia “giải mã” giả thuyết tên lửa Iran bắn rơi máy bay Ukraine

(Dân trí) - Hiện các chuyên gia vẫn đang xoay quanh hai giả thuyết chính liên quan tới vụ rơi máy bay Boeing của hãng hàng không Ukraine, bao gồm cháy động cơ và trúng tên lửa của Iran.

Máy bay Ukraine rơi khiến 176 người chết ở Iran
Chuyên gia “giải mã” giả thuyết tên lửa Iran bắn rơi máy bay Ukraine - 1

Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ukraine tại Iran. (Ảnh: Getty)

Ngày 8/1, máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine đã rơi không lâu sau khi cất cánh từ sân bay ở thủ đô Tehra, Iran. Toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.

Đây là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, bởi máy bay rơi đúng vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào hai cơ sở quân sự của Iraq, nơi có lính Mỹ đồn trú. Theo đó, một câu hỏi được đặt ra bây giờ là máy bay rơi do lỗi kỹ thuật hay do trúng tên lửa của Iran.

Nguyên nhân chính xác dẫn tới thảm kịch hàng không trên hiện vẫn chưa được công bố do quá trình điều tra vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, Les Abend, người đã có 37 năm kinh nghiệm với vai trò cơ trưởng máy bay Boeing 737 cho hãng hàng không American Airlines, đã đưa ra nhận định về vụ việc này với CNN.

Căn cứ trên những mảnh vỡ tương đối nhỏ nằm rải rác tại một khu vực rộng lớn ở hiện trường vụ tai nạn, Abend cho rằng máy bay đã rơi xuống đất với tốc độ cao và lực rất mạnh. Nói cách khác, máy bay không trượt trên mặt đất hay đâm vào các vật cản cố định như cây, đá… trong một nỗ lực nhằm hạ cánh khẩn cấp. Máy bay lao xuống đột ngột và vỡ vụn. Điều này cho thấy máy bay khi đó nằm ngoài tầm kiểm soát của phi công.

Video khoảnh khắc máy bay Ukraine nghi bị trúng tên lửa ở Iran

Nếu đoạn video do các hãng tin của Iran đăng tải thực sự ghi lại vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ukraine, điều đó cho thấy máy bay có thể đã bốc cháy trước khi rơi xuống đất. Các nhân chứng cũng nói rằng, họ đã nghe thấy tiếng nổ lớn trước khi thấy máy bay rơi.

Một vụ chập điện từ trong khoang, một vụ nổ từ vị trí nào đó trong thân máy bay hay một vụ cháy động cơ, tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch này. Tuy nhiên trong trường hợp động cơ bị cháy, các phi công được huấn luyện rất kỹ lưỡng để đối phó với tình huống này. Các hệ thống trong khoang máy bay cho phép phi công xả chất dập cháy trực tiếp vào động cơ. Và máy bay Boeing cũng được thiết kế để bay chỉ với một động cơ.

Tuy nhiên, nếu động cơ gặp sự cố nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống điều khiển của máy bay, phương tiện này sẽ bị mất kiểm soát.

Theo các chuyên gia về hàng không, đối với dòng máy bay tương đối mới như Boeing 737-800, đặc biệt là với một máy bay vừa được bảo dưỡng 2 ngày trước khi gặp tai nạn của hãng hàng không Ukraine, việc động cơ gặp sự cố tới mức không thể kiểm soát là khó xảy ra.

Trong cả 3 trường hợp tương tự, liên quan tới 2 máy bay Boeing của Southwest Airlines và một máy bay Airbus của Qata cất cánh từ Singapore hồi năm 2010, các máy bay vẫn tiếp đất an toàn nhờ vào hệ thống dự phòng trên các máy bay hiện đại, cho phép các phương tiện này hạ cánh an toàn sau khi động cơ gặp sự cố.

Giả thuyết máy bay trúng tên lửa

Chuyên gia “giải mã” giả thuyết tên lửa Iran bắn rơi máy bay Ukraine - 2

Mảnh vỡ nghi đầu đạn tên lửa (trái) và những lỗ thủng trên các mảnh vỡ tại hiện trường vụ rơi máy bay Boeing ở Iran. (Ảnh: Fighterjetsworld)

Liệu một tên lửa tầm nhiệt có thể gây ra thảm kịch cho chiếc Boeing 737 hay không? Theo cựu phi công Mỹ, câu trả lời ngắn gọn là “có”. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một giả thuyết.

Mặc dù người phát ngôn của quân đội Iran tuyên bố vụ tai nạn này không liên quan tới cuộc tấn công của Tehran, song Oleksiy Danilov, lãnh đạo Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, viết trên Facebook rằng một cuộc họp với các nhà chức trách Iran đã diễn ra hôm 9/1 để xác định các nguyên nhân dẫn tới vụ rơi máy bay. Nhiều nguyên nhân được đặt ra, bao gồm giả thuyết máy bay bị trúng tên lửa phòng không của Iran.

Dựa trên hình ảnh chụp từ hiện trường vụ tai nạn, một số người xem đã chỉ ra những chi tiết giống như các lỗ thủng trên thân máy bay. Điều này khiến một số người so sánh vụ rơi máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Ukraine hôm 8/1 với vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không Buk khi bay qua bầu trời Ukraine 5 năm trước.

Theo Guardian, một bức ảnh chưa được xác thực cũng cho thấy phần đầu của một tên lửa đất đối không Tor-M1 do Nga chế tạo. Đây cũng là loại tên lửa được các đơn vị phòng không Iran sử dụng. Ngoài ra, giới chức tình báo và quốc phòng Mỹ cũng tiết lộ rằng, Mỹ đã phát hiện tín hiệu của một tên lửa phòng không bị khóa trên máy bay của Ukraine.

Những hình ảnh về các mảnh vỡ tại hiện trường vụ rơi máy bay của Ukraine cho thấy, các lỗ thủng xuất hiện tại một trong số các động cơ của máy và vết cháy đen ở một bên của buồng lái. Các chi tiết này cho thấy máy bay của Ukraine có lẽ không bị rơi vì nguyên nhân rò rỉ nhiên liệu và cháy động cơ như trong vụ tai nạn máy bay Concorde của hãng hàng không Air France tại sân bay Charles de Gaulle năm 2000.

Mặc dù giới chức Mỹ vẫn không tiết lộ các thông tin tình báo mà họ cho rằng tên lửa Iran chính là “thủ phạm” khiến máy bay của Ukraine rơi tại Iran, song cho biết sự hiện diện của các vệ tinh, cảm biến trong khu vực, cũng như khả năng nghe lén và các hình thức tình báo khác sẽ đưa ra câu trả lời cho thảm kịch này.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng có nhiều thông tin tình báo của cả Canada và đồng minh cho thấy tên lửa đất đối không của Iran đã bắn hạ máy bay Ukraine. 63 công dân Canada thiệt mạng trong thảm họa và chính phủ Canada cam kết sẽ vào cuộc để tìm ra nguyên nhân vụ việc. Ngoài ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói rằng có bằng chứng cho thấy máy bay này đã bị tên lửa Iran bắn rơi.

Thành Đạt

Tổng hợp