1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tiếng sấm đêm hè

Cuốn sách của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton có thể mở màn cho cơn giông chực chờ cuốn phăng thành tích của ông Donald Trump trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tiếng sấm đêm hè - 1

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton thời còn tại nhiệm. (Ảnh: Washington Post)

Cuốn sách “Căn phòng nơi điều đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng”, dự kiến xuất bản ngày 23/6 tới, đang gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa khi có công bố nhiều trích đoạn, thể hiện góc nhìn tiêu cực về chính sách đối ngoại của xứ cờ hoa dưới thời Tổng thống Donald Trump trong nhiều vấn đề như thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, quan hệ Mỹ - Nga, vấn đề Ukraine, Iran hay Triều Tiên…

Phản ứng gay gắt

Do đó, sự xuất hiện của cuốn sách đã gặp sự phản đối mạnh của Nhà Trắng. Tổng thống Donald Trump gọi đây là “tổng hợp những lời dối trá và câu chuyện bịa đặt” từ cựu quan chức đang cố gắng “trả thù” vì bị sa thải. Nhiều đồng minh chính trị của ông Trump cũng hưởng ứng chỉ trích này. Ông Bolton cũng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của phe tự do, cho rằng ông đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia khi sử dụng tuyên bố gây tranh cãi nhằm trục lợi, thay vì công bố chúng vào thời gian trước đó trong nỗ lực tiến hành luận tội của đảng Dân chủ.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia được đề cập trong tiết lộ của ông Bolton như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên tiếng. Moscow cho rằng việc ông Bolton nhận định ông Trump dễ bị người đồng cấp Nga Vladimir Putin “dắt mũi” là không có cơ sở. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận thông tin về việc ông Trump “nhờ” Bắc Kinh giúp đỡ để tái đắc cử. 

Gay gắt hơn cả, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đã chỉ trích mạnh mẽ cuốn hồi ký, phủ nhận khẳng định của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng ông Trump muốn “gạt” Hàn Quốc ra khỏi Thượng đỉnh Mỹ - Triều và không muốn tìm kiếm tiến triển thực chất trong đàm phán Mỹ - Triều.

Ông Chung cho rằng cuốn sách này đã đặt ra “tiền lệ nguy hiểm”, khi việc đơn phương tiết lộ những thông tin nhạy cảm và không đúng sự thật “đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản về ngoại giao và có thể phá hoại nghiêm trọng các cuộc đàm phán tương lai”.

Cùng lúc đó, chính quyền của ông Trump đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc phát hành cuốn sách chứa nhiều thông tin mật. Tuy nhiên, ngày 20/6, thẩm phán Tòa án Liên bang Royce Lamberth đã phủ quyết đề nghị này, cho rằng yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm ngăn chặn phát hành cuốn sách này vì lý do an ninh quốc gia trên phạm vi toàn quốc là bất khả thi. Song ông cũng không đứng về phía cựu Cố vấn An ninh Quốc gia, khẳng định ông Bolton đáng lẽ phải tham khảo ý kiến của chính quyền đương nhiệm trước khi xuất bản cuốn sách.

Thẩm phán Lamberth nhận định: “Ông Bolton đã đánh cược với nền an ninh quốc gia Mỹ. Ông đã khiến đất nước gặp nguy hiểm và đặt bản thân mình trước nguy cơ đối mặt với các trách nhiệm dân sự, thậm chí là hình sự”.

Cơn giông khó ngờ

Phản ứng của Tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa, đồng minh hay đối thủ của Mỹ là có thể hiểu được, khi những gì ông Bolton công bố có thể tác động sâu sắc tới kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, tạo ra ẩn số mới trong bối cảnh thế giới đã và đang đối mặt với quá nhiều ẩn số thời gian qua.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tiếng sấm đêm hè - 2

Tác động tiêu cực từ cuốn sách của ông John Bolton có thể khiến hành trình tái cử của Tổng thống Donald Trump gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: Politico)

Thứ nhất, những tuyên bố của ông Bolton, dù xác thực hay không, sẽ tác động tới uy tín của ông Donald Trump. Theo kết quả cuộc khảo sát được Gallup công bố ngày 10/4, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đã giảm từ 48% xuống 39%; tỷ lệ không tán thành tăng từ 48% lên 57%.

Kết quả này được cho là đến từ ba nguyên nhân chính: Phản ứng chưa đủ của chính quyền liên bang đối với đại dịch; triển vọng không lạc quan của nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19, và làn sóng biểu tình dữ dội sau cái chết của nạn nhân da màu xấu số George Floyd.

Trong khi cả ba vấn đề này chưa có nhiều tiến triển, những mẩu chuyện của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia sẽ làm tình hình khó khăn hơn, đe dọa tới tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho ông Trump, trong bối cảnh bầu cử Mỹ đang đến gần.

Thứ hai, cuốn sách có thể khiến nhiều cựu quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump hành động tương tự. Trước ông Bolton, một cựu quan chức cấp cao khác trong Nội các là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã chỉ trích ông Trump đã phản ứng không phù hợp trước làn sóng biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu lan rộng. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, cựu Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer, cựu Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci, cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn cũng phát ngôn tương tự, điều hiếm gặp ở các Tổng thống trước.

Ông Bolton không phải người đầu tiên, nhưng e rằng chưa phải người cuối cùng, khi còn nhiều quan chức từng phục vụ dưới chính quyền ông Trump với tầm ảnh hưởng lớn chưa lên tiếng, trong đó có cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley.

Như vậy, những lùm xùm xung quanh cuốn sách “Căn phòng nơi điều đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng” sẽ đặt ra thách thức lớn mà ông Trump cần sớm giải quyết nhằm ngăn cơn giông ập đến, cuốn trôi thành quả ông đã dày công vun đắp ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo Minh Vương

Thế giới & Việt Nam