1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Nhật: Không có người chết vì Covid-19, Việt Nam làm thế giới kinh ngạc

(Dân trí) - Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam đã khiến thế giới bất ngờ vì chiến dịch chống dịch hiệu quả, thể hiện qua việc chưa có ca tử vong nào.

Báo Nhật: Không có người chết vì Covid-19, Việt Nam làm thế giới kinh ngạc - 1

Du khách Việt Nam đi du lịch sau khi chính phủ nới lỏng lệnh giãn cách xã hội ở Quảng Ninh ngày 19/5 (Ảnh: Reuters)

Theo Asahi, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới gần như đã có dấu hiệu kiểm soát được đại dịch Covid-19, thể hiện qua số ca nhiễm thấp (327 ca) và chưa có bất cứ trường hợp tử vong nào vì dịch.

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu bắt đầu từ vài tháng trước gần như không tác động quá nghiêm trọng tới Việt Nam mặc dù nằm cạnh Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát hồi năm ngoái, theo Asahi.

Trong bài viết đăng tải ngày 27/5, một phóng viên thường trú của Asahi Shimbun tại Việt Nam đã chỉ ra những yếu tố làm nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng những trải nghiệm thực tế.

Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/1 là người đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Tới ngày 13/2, số ca bệnh ở Việt Nam tăng lên 16. Trong khi đó, Nhật Bản vào ngày 14/2 có 41 ca bệnh (không tính những người trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi Yokohama vì có mầm bệnh).

Vào thời điểm đó, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và Nhật Bản được xem khá tương đồng. Hiện tại, Nhật Bản có 16.623 ca bệnh và 846 người tử vong.

Mặc dù, số lượng ca nhiễm là khá thấp vào thời điểm đó, nhưng Việt Nam ngay lập tức đã ban hành các biện pháp nhanh chóng, quyết liệt như dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc hồi đầu tháng 2, rồi cấm nhập cảnh với người đã ở Trung Quốc trong vòng 2 tuần trước. Việt Nam cũng quyết định tạm đóng cửa trường học để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm cộng đồng sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch.

Số lượng ca ở Việt Nam bắt đầu gia tăng vào giữa tháng 3. Vào thời điểm đó, tình trạng dịch bệnh đã bắt đầu có dấu hiệu bùng phát ở châu Âu và Mỹ. Các xét nghiệm kháng thể được thực hiện ở một số quốc gia cho thấy số ca nhiễm thực tế có thể gấp nhiều lần số công bố chính thức.

Bác sĩ Hiroshi Chiba, 46 tuổi, làm việc tại một phòng khám ở Hà Nội cho biết nhận định rằng Việt Nam đã không bị lâm vào tình huống số lượng bệnh nhân mắc viêm phổi tăng mạnh ở các cơ sở y tế. “Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất kể từ đầu tháng 2 và đã chứng minh được hiệu quả”.

Ngày 21/3, chính phủ đã yêu cầu mọi người nhập cảnh vào Việt Nam phải tự cách ly. Sau đó, Việt Nam cũng ban hành lệnh cấm nhập cảnh để ngăn dịch lây lan.

Việt Nam bước vào giai đoạn giãn cách xã hội từ ngày 1/4. Trong thời điểm này, Việt Nam tiếp tục áp dụng chính sách theo dõi, truy vết mầm bệnh chặt chẽ, quyết liệt với tất cả những người có nguy cơ phơi nhiễm.

Phóng viên của Asahi Shimbun từng cảm thấy lo lắng và chưa quen khi Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cứng rắn ngay từ sớm.

Tuy nhiên, sau đó, các nước châu Âu và châu Mỹ cũng bắt đầu ban hành lệnh hạn chế đi lại vì trên thực tế, giãn cách xã hội hiện được xem là cách hiệu quả nhất để chống lại dịch bệnh.  

Asahi Shimbun cho rằng các biện pháp Việt Nam đã áp dụng được xem là hiệu quả nhất để ngăn dịch đối với một quốc gia có nguồn lực kinh tế và y tế vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, tờ báo cũng nhắc lại câu chuyện chống dịch SARS của Việt Nam năm 2003. Việt Nam là quốc gia đầu tiên tuyên bố khống chế được đại dịch SARS.

Ba mũi nhọn chống dịch

Trang tin The Conversation đã “giải mã” 3 mũi nhọn trong chiến lược chống Covid-19 giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào. Tác giả bài viết cho rằng Việt Nam thành công nhờ vào chiến lược 3 mũi nhọn của chính phủ: Kiểm tra nhiệt độ và xét nghiệm, cách ly có mục tiêu, và truyền thông thường xuyên.

Theo The Conversation, từ đầu tháng 1, chính phủ Việt Nam đã tuyên truyền rộng rãi tới người dân về mức độ nghiêm trọng của virus corona chủng mới. Thông điệp được truyền tải rất rõ ràng: Covid-19 không phải là cúm thông thường, mà là dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy mọi người được khuyến cáo không nên gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người khác.

Chính phủ Việt Nam cũng rất sáng tạo trong các phương thức truyền thông. Mỗi ngày, các cơ quan khác nhau của chính phủ, từ Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông và chính quyền các tỉnh, đều gửi tin nhắn cho người dân.

Thông tin chi tiết về các triệu chứng và biện pháp bảo vệ được gửi qua tin nhắn tới điện thoại di động của người dân trên cả nước. Chính phủ cũng hợp tác với các nền tảng nhắn tin để truyền tải thông tin.

Bài viết khẳng định rằng, cách tiếp cận của Việt Nam chắc chắn đã phát huy hiệu quả trong việc giảm bớt sự lây lan của virus corona. Nhờ kết hợp những biện pháp này, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp bùng phát dịch quy mô lớn nào trong cộng đồng.

“3 mũi nhọn trong chiến lược chống dịch của Việt Nam đang phát huy hiệu quả. Hệ thống y tế có thời gian để điều trị cho từng bệnh nhân, nhờ vậy mới có thể giữ cho số ca tử vong vì Covid-19 vẫn ở mức 0. Việt Nam đã cho thấy những bài học quan trọng khi dịch Covid-19 đang lan rộng hơn ra các nước đang phát triển”, bài viết kết luận.

Đức Hoàng

Theo Asahi Shimbun