1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ám ảnh lời nói sau cùng của người đàn ông bị cảnh sát Mỹ ghì chết

(Dân trí) - Từ cuộc điện thoại nghi ngờ tiêu thụ tiền giả, George Floyd đã trở thành mục tiêu bắt giữ của cảnh sát và chết sau cú ghì chí mạng không lâu sau đó.

Ám ảnh lời nói sau cùng của người đàn ông bị cảnh sát Mỹ ghì chết - 1

Cảnh sát ghì cổ George Floyd sau khi còng tay. (Ảnh: Dailymail)

Vào tối 25/5, George Floyd bị bắt sau khi một chủ cửa hàng gọi điện cho cảnh sát vì nghi ngờ người đàn ông da màu này sử dụng một tờ 20 USD giả.

Hai sĩ quan cảnh sát đầu tiên có mặt tại hiện trường là Thomas Lane và J.A. Kueng. Họ tiến về phía xe của Floyd, phát hiện anh đang ngồi trên ghế lại cùng hai người khác.

Cảnh sát Lane bắt đầu trao đổi với Floyd, sau đó rút súng chĩa vào cửa kính xe đang mở, đồng thời yêu cầu Floyd giơ hai tay lên.

Khi Floyd đặt tay lên vô lăng, cảnh sát Lane cất súng trước khi yêu cầu Floyd bước ra khỏi xe và kéo người đàn ông này ra ngoài.

Telegraph dẫn báo cáo về vụ việc cho biết Floyd ban đầu “chống cự khi bị còng tay”. Tuy nhiên, sau khi bị tra tay vào còng, Floyd “trở nên tuân thủ”. Cảnh sát Lane để Floyd ngồi xuống, hỏi tên, giấy tờ tùy thân và giải thích lý do anh bị bắt.

Lane và Keung sau đó kéo Floyd đứng dậy và đưa về xe tuần tra của cảnh sát.

Báo cáo cho biết vào lúc 20h14, Floyd bỗng cứng đờ người, ngã xuống đất và nói cảnh sát rằng anh bị mắc chứng sợ không gian hẹp.

Các cảnh sát Derek Chauvin và Tou Thao sau đó đưa một xe tuần tra khác tới hiện trường.

Năm ngoái, Floyd và Chauvin, 44 tuổi, từng làm việc cùng nhau tại một hộp đêm ở thành phố Minneapolis.

“Chauvin là một trong số nhân viên an ninh làm thêm trong gần 17 năm chúng tôi hoạt động tại đây”, Maya Santamaria, chủ hộp đêm El Nuevo Rancho - nơi Floyd làm việc, cho biết. Floyd có nhiệm vụ xử lý những kẻ gây rối trong hộp đêm.

“Họ làm việc cùng nhau trong cùng thời điểm. Chauvin làm việc bên ngoài còn các nhân viên an ninh (như Floyd) làm việc bên trong”, bà Maya nói.

Tuy nhiên, bà Maya không rõ Chauvin và Floyd có quen biết nhau hay không.

Cảnh sát ghì đầu người đàn ông tại Mỹ

"Tôi không thể thở được"

4 cảnh sát đã tìm cách đưa Floyd vào ghế sau của xe tuần tra. Tuy nhiên, báo cáo nói rằng Floyd “không tự nguyện vào trong xe và vật lộn với các sĩ quan cảnh sát bằng cách cố tình ngã xuống”.

Khi đứng bên ngoài xe, Floyd bắt đầu nói rằng anh không thở được.

Các cảnh sát sau đó tìm cách đưa Floyd vào trong xe từ bên phía ghế phụ cạnh người lái. Tuy nhiên, Chauvin đã kéo Floyd ra khỏi xe. Báo cáo cho biết Floyd bị úp mặt xuống đường trong khi vẫn đang bị còng tay.

Vào lúc 20h19, hai cảnh sát giữ chân của Floyd, trong khi Chauvin ghì đầu gối trái lên gáy của Floyd.

Trong khi Floyd nói “Tôi không thở được”, “Mẹ ơi” và “Làm ơn”, các cảnh sát vẫn giữ nguyên vị trí.

Một cảnh sát nói với Floyd: “Anh vẫn đang nói chuyện đấy thôi”.

Cảnh sát Lane rốt cuộc cũng lên tiếng: “Chúng ta có nên lật ngược anh lại không?”

Chauvin đáp lại: “Không, cứ giữ nguyên vị trí khi chúng ta tóm được hắn”.

Khi Lane bắt đầu “lo lắng về tình trạng mê sảng” của Floyd, Chauvin nói: “Đó là lý do chúng ta phải để hắn nằm sấp xuống”.

Đến 20h24, Floyd ngừng cử động.

Diễn biến gần một phút sau đó là những hình ảnh xuất hiện trong đoạn video “được cho là ghi lại cảnh Floyd ngừng thở hoặc ngừng nói”.

Cảnh sát Keung kiểm tra mạch trên cổ tay phải của Floyd và cho biết không thể bắt được mạch. Lúc này, vẫn không có sĩ quan nào rời khỏi vị trí.

20h27, Chauvin đưa đầu gối ra khỏi cổ Floyd.

Xe cứu thương tới hiện trường và Floyd được tuyên bố đã chết tại Trung tâm Y tế hạt Hennepin không lâu sau đó.

"Gã khổng lồ" vui vẻ

Mỹ chìm trong bạo động, hơn 30 thành phố ban bố lệnh giới nghiêm

Floyd, 46 tuổi, nghỉ việc tại nhà hàng Conga Latin Bistro khi cơ sở này đóng cửa do dịch Covid-19. Với chiều cao nổi bật, bạn bè coi Floyd như một người khổng lồ hiền lành và đặt cho anh biệt danh “Floy to lớn”.

“Luôn luôn vui vẻ. Anh ấy có thái độ tốt. Anh ấy nhảy nhót kiểu kỳ quặc để chọc cười mọi người”, Jovanni Tunstrom, chủ nhà hàng nơi Floyd làm việc, cho biết.

Floyd từng chuyển từ Houston tới Minneapolis. Tại Houston, Floyd từng là ngôi sao của đội bóng trường học.

Cuộc đời Floyd trượt dốc vào năm 2007 sau khi anh bị cáo buộc cướp có vũ trang ở Texas. Floyd bị kết án 5 năm tù vào năm 2009.

Floyd chuyển đến Minneapolis vào khoảng năm 2014, để lại con gái 6 tuổi đang ở cùng với mẹ. Đại dịch khiến Floyd lâm vào khó khăn khi anh bị mất cả công việc tại nhà hàng và lái xe tải.

Những lời cuối cùng của Floyd: “Tôi không thở được” đã trở thành câu khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ những ngày vừa qua. Đây cũng là lời gợi nhắc về lịch sử đau buồn của nước Mỹ trong một vụ việc từng xảy ra trước đây.

Eric Garner cũng từng thốt lên những lời tương tự khi anh bị cảnh sát kẹp cổ đến chết vào tháng 7/2014 tại thành phố New York.

Cả hai nạn nhân đều là người da màu. Các sĩ quan cảnh sát trong cả hai vụ việc đều là người da trắng.

Cả 4 cảnh sát đều phải chịu trách nhiệm

Cảnh sát trưởng Minneapolis Medaria Arradondo nói với CNN rằng cả 4 sĩ quan cảnh sát có liên quan tới cái chết của George Floyd đều phải chịu trách nhiệm cùng nhau.

“Floyd đã chết dưới tay của chúng tôi, vì thế tôi xem đây là hành động đồng lõa. Im lặng và không hành động, tức là bạn đồng lõa. Giá như chỉ cần một tiếng nói can thiệp… đó là những gì tôi hy vọng”, cảnh sát trưởng cho biết.

Cả 4 sĩ quan cảnh sát trên đều đã bị sa thải. Riêng Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ 3 và tội ngộ sát cấp độ 2, song người biểu tình cho rằng bản án này chưa thực sự thỏa đáng. Cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục, trong khi hơn 40 thành phố trên khắp nước Mỹ áp lệnh giới nghiêm để ngăn chặn biểu tình gia tăng.

Thành Đạt

Tổng hợp