Tết muộn vẫn ấm lòng của những bác sĩ cứu người giữa "lằn ranh sinh tử"

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Có những sự sống được hồi sinh giữa lằn ranh sinh tử trong thời khắc thật đặc biệt...", vị bác sĩ chia sẻ về ca bệnh mà mình mãi không quên trong lần trực Tết của mình.

Những ngày này, khi người dân cả nước được quây quần, sum họp bên gia đình đón xuân thì ở các bệnh viện, đặc biệt là các khoa, phòng phụ trách hồi sức, cấp cứu, khái niệm "nghỉ Tết" dường như vẫn còn rất xa vời.

Với đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), đơn vị hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, làm việc trong những ngày Tết từ lâu đã là lịch trình bình thường trong công việc của họ.

Tết muộn vẫn ấm lòng của những bác sĩ cứu người giữa lằn ranh sinh tử - 1

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024 (Ảnh: Hoàng Lê).

Mùa Tết Nguyên đán 2024, ekip trực của khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 8 nhân sự sẽ đảm trách nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, chăm sóc và điều trị cho hơn 25 bệnh nhân trong mỗi tua trực...

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thanh Trang , Trưởng tua trực khoa Hồi sức cấp cứu khu B cho biết, công việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân trong những ngày Tết vẫn luôn được thực hiện theo đúng phác đồ của ngày thường. Biết hầu hết bệnh nhân đều rất nặng nên khi vừa tiếp nhận bàn giao từ ca trước, tất cả nhân viên y tế sẽ tập trung vào công việc ngay.

Tết muộn vẫn ấm lòng của những bác sĩ cứu người giữa lằn ranh sinh tử - 2

Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn "sáng đèn" những ngày Tết (Ảnh: BV).

Trong đó, nhóm chịu áp lực nhất là các điều dưỡng, những người trực tiếp làm công việc chăm sóc, tắm rửa, đút thức ăn cho bệnh nhân. "Công việc tất bật khiến chúng tôi không còn nhớ bên ngoài khung cửa là không khí rộn ràng của những ngày Tết...", bác sĩ Trang tâm sự.

Còn điều dưỡng Huỳnh Công Danh, khoa Cấp cứu chia sẻ, khi hoàn thành công việc rời bệnh viện trở về nhà, anh cùng đồng nghiệp chủ yếu dành thời gian ngủ để phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho ca làm việc tiếp theo, nên cũng không biết không khí Tết trọn vẹn là thế nào...

"Làm cấp cứu nên phải nỗ lực hết sức khi người bệnh cần mình, đảm bảo được chức năng điều trị, đặc biệt là mùa Tết...", nam điều dưỡng tâm niệm.

Tết muộn vẫn ấm lòng của những bác sĩ cứu người giữa lằn ranh sinh tử - 3

Niềm vui của các y bác sĩ trực trong những ngày Tết là giúp những bệnh nhân nặng qua cơn nguy hiểm (Ảnh: BV).

Với bác sĩ Trần Hoàng An, khoa Hồi sức Cấp cứu khu B, kỷ niệm nhớ mãi với anh trong những lần trực Tết lại là khi tiếp ứng các đồng nghiệp bệnh viện bạn cấp cứu thai phụ cùng đứa con trong bụng đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Bác sĩ An nhớ lại, hôm đó, nhận được điện thoại mời hỗ trợ trường hợp có khả năng cần phải can thiệp bằng ECMO, ekip trực của Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức khởi động nhóm, tức tốc đến đơn vị bạn cùng hội chẩn. Sau đó, các bác sĩ quyết định lựa chọn phương án đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) cho thai phụ.

Nhờ vậy, ca phẫu thuật bắt con cứu thành công cả em bé và bà mẹ.

"Có những sự sống được hồi sinh giữa lằn ranh sinh tử, trong thời khắc thật đặc biệt...", bác sĩ Hoàng An kết luận bằng nụ cười rất tươi, dù đồng hồ trong khu vực làm việc đã báo hiệu hơn 23 giờ.

Tết muộn vẫn ấm lòng của những bác sĩ cứu người giữa lằn ranh sinh tử - 4

Các y bác sĩ trong tua trực cấp cứu ngày 30 Tết của Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Hoàng Lê).

Cùng điều dưỡng và bác sĩ trực đi kiểm tra một buồng bệnh trước khi họp ekip, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Song Toàn, khoa Chăm sóc giảm nhẹ (người có thâm niên trực Tết hơn 15 năm) nói, nơi đây chuyên tiếp nhận bệnh nhân cần nâng đỡ sức khỏe để tiếp tục liệu trình điều trị.

Cũng như các khoa điều trị nội trú khác, khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn "sáng đèn" trong mọi ngày lễ vì vẫn còn rất nhiều bệnh nhân ngụp lặn trong hành trình níu giữ sự sống.

Tết muộn vẫn ấm lòng của những bác sĩ cứu người giữa lằn ranh sinh tử - 5

Các nhân viên y tế chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân (Ảnh: BV().

Khi được hỏi cảm giác thế nào khi phải ở lại bệnh viện trực Tết Nguyên đán, bác sĩ Nguyễn Tuấn Nhật, khoa Chăm sóc giảm nhẹ, nói trong niềm vui vừa giúp bệnh nhân giảm được cơn đau: "Sáng mai ra trực, em sẽ lên xe về quê, vẫn còn kịp ăn Tết cùng cha mẹ".

Điều dưỡng Kim Hạnh, người có thâm niên 30 năm trực Tết ở Bệnh viện Chợ Rẫy xúc động nhận định, trực Tết vất vả, nhưng các đồng nghiệp đàn em của cô hầu như không muốn thay đổi công việc.

"Có lẽ em nào cũng hiểu, đó cũng là công việc thiêng liêng trong những thời khắc đặc biệt mà bất kỳ nhân viên y tế nào đều sẽ phải trải qua…", nữ điều dưỡng nói.