Hàng chục học sinh ở điểm trường Xem Đót (Trường Tiểu học Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đang phải học trong lớp học xuống cấp. Mùa mưa nước dột tứ bề, mùa nắng nóng như lửa đổ.

Trường xuống cấp, không có nhà vệ sinh, học sinh phải đi nhờ nhà dân

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 70km về phía Tây, điểm trường lẻ Xem Đót (Trường Tiểu học Xuân Thắng, xã Xuân Thắng) là một trong những điểm trường khó khăn nhất của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều năm qua, hàng chục học sinh và thầy cô ở điểm trường này đang dạy và học trong cảnh thấp thỏm, bất an vì ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng.

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 1

Điểm trường lẻ Xem Đót, Trường Tiểu học Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Đã 4 năm gắn bó với điểm trường vùng cao này, cô Lò Thị Liên cho biết, trường được xây dựng cách đây gần 30 năm. Sau một thời gian sử dụng, phần mái tôn, trần, tường, nền nhà đang bị hư hỏng nghiêm trọng.

"Có những hôm trời mưa lớn, nước dột khắp lớp học. Tôi và các em phải di chuyển lên nhà dân để lánh nạn. Còn những ngày nắng thì nóng như lửa đổ. Mỗi lần nhìn các em ngồi học, mồ hôi ra nhễ nhại, chúng tôi thấy thương vô cùng", cô Liên chia sẻ.

Theo cô Liên, không chỉ lớp học xuống cấp, tại điểm trường hiện nay còn tồn tại rất nhiều khó khăn như không có sân vui chơi, không có nhà vệ sinh, giếng khoan.

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 2

Cửa lớp học bị hư hỏng, mục nát (Ảnh: Thanh Tùng).

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 3

Hệ thống điện bị hư hỏng, trần nhà bong tróc, ẩm mốc (Ảnh: Thanh Tùng).

"Sân vui chơi, tập thể dục của các em hiện nay là nền đất. Vào ngày mưa, cả khoảng sân bị ướt, sình lầy, không thể cho các em ra học thể dục và giải lao giờ ra chơi được.

Điều đáng nói, nhiều năm qua tại đây không có nhà vệ sinh khép kín, thầy cô và các học sinh phải đi nhờ nhà dân. Không chỉ vậy, nước giếng khoan cũng bị hư hỏng đã lâu nhưng không có kinh phí sửa chữa nên hiện nay không có nước sinh hoạt cho các em", cô Liên tâm sự.

Trường xuống cấp, không có nhà vệ sinh, cô trò vùng cao phải đi nhờ nhà dân (Video: Thanh Tùng).

Thầy Hà Xuân Sang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xem Đót, cho biết hiện nay nhà trường có 2 khu lẻ là khu Xem Đót và khu Én.

Tại điểm trường Xem Đót hiện có 2 phòng học bị xuống cấp nghiêm trọng. Đa số học sinh nơi đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 4

Hàng ngày, học sinh tại điểm trường thấp thỏm, bất an trong lớp học xuống cấp (Ảnh: Thanh Tùng).

"Do hoàn cảnh địa phương còn nhiều khó khăn, mỗi năm học chúng tôi cùng chính quyền địa phương chỉ tu sửa được một số hạng mục, không có kinh phí để xây thêm phòng mới. Ngôi trường xây dựng đã quá lâu nên sửa xong hạng mục này, hạng mục khác lại hư hỏng", thầy Sang cho hay.

Thiếu phòng, hàng chục học sinh đi 10km ra điểm chính học

Hiện tại điểm trường Xem Đót có gần 70 học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 5. Nhưng do thiếu phòng học nên có 37 học sinh lớp 1, 2 và 3 học tại điểm trường lẻ này, số học sinh lớp 4, 5 phải ra điểm trường chính để học.

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 5

Nền nhà bong tróc, mối đùn khắp nơi trong lớp học (Ảnh: Thanh Tùng).

Việc các học sinh phải ra điểm trường chính gặp rất nhiều khó khăn và vất vả, thậm chí là nguy hiểm vì có học sinh nhà cách điểm trường chính hơn 10km.

Là một trong những phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Xuân Thắng, anh Lê Văn Trường (thôn Xem Đót) chia sẻ, anh có 3 người con đang học tại điểm trường chính. Mỗi ngày 4 lần, anh phải vượt quãng đường hơn 10km đưa đón các con đến trường.

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 6

Anh Trường vượt quãng đường hơn 10km để đưa đón các con mỗi ngày (Ảnh: Thanh Tùng).

"Do điểm lẻ không đủ phòng học, tôi phải đưa các con ra điểm chính cách xa nhà hơn 10km. Không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh ở đây luôn mong muốn sớm có một ngôi trường mới khang trang để các con bớt vất vả, thầy cô yên tâm công tác", anh Trường bày tỏ.

Theo thầy Hà Xuân Sang, nếu có kinh phí xây dựng thêm một phòng học và nhà chờ giáo viên, sẽ giải quyết được câu chuyện các em không phải di chuyển quãng đường xa xôi để đến điểm chính học. Nhưng vì điều kiện địa phương khó khăn nên nhiều năm qua, tình trạng này chưa thể giải quyết được.

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 7

Tường lớp học nứt gãy ở nhiều vị trí (Ảnh: Thanh Tùng).

"Hiện tại, nếu xây thêm một lớp học, các em có thể học tại điểm trường lẻ. Ở điểm trường này cũng chưa có nhà chờ giáo viên, nên sau mỗi buổi học các thầy cô phải ra điểm chính để nghỉ trưa, rất khó khăn, vất vả. Hy vọng, thông qua báo Dân trí, bạn đọc và các nhà hảo tâm sẽ quan tâm, giúp đỡ để nhà trường tu sửa, xây thêm phòng học cho các em", thầy Sang bày tỏ.  

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng, cho biết điểm trường Xem Đót là điểm trường còn khó khăn nhất của xã, lượng học sinh theo học tại đây lớn.

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng - 8

Một số em học sinh do không có người đưa đón, buộc phải bất chấp nguy hiểm, tự đi xe đến lớp học (Ảnh: Thanh Tùng).

"Những năm gần đây, điểm trường đang bị xuống cấp. Ngoài ra, nhiều em phải đi xa để đến điểm chính học, điều này khiến gia đình và các em gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành chức năng và bạn đọc báo Dân trí chung tay ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ giúp nhà trường có điều kiện tu sửa lại điểm trường, xây thêm phòng học, đảm bảo an toàn cho các học sinh", ông Lượng nói.

Mã số 5211:

Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng

12/05/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí