Mạng xã hội TikTok cán mốc một tỷ người dùng thường xuyên

(Dân trí) - TikTok vừa gia nhập "câu lạc bộ" những mạng xã hội có hơn một tỷ người dùng thường xuyên. Sự ảnh hưởng của dịch bệnh là một trong những nguyên do giúp TikTok tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.

TikTok đã đạt một tỷ người dùng tích cực, cột mốc quan trọng cho mạng xã hội

TikTok đã đạt một tỷ người dùng tích cực, cột mốc quan trọng cho mạng xã hội "sinh sau đẻ muộn" này.

TikTok vừa cho biết mình đã đạt được cột mốc một tỷ người dùng tích cực (thường xuyên hoạt động hoặc đăng nhập ít nhất trong vòng một tháng). Đây được xem là cột mốc quan trọng cho một mạng xã hội "sinh sau đẻ muộn", khi mới được chính thức ra mắt thị trường quốc tế vào năm 2017 (phiên bản tại Trung Quốc được giới thiệu vào năm 2016).

Đáng chú ý, con số một tỷ người dùng thường xuyên này chưa bao gồm số lượng người dùng Douyin (TikTok phiên bản dành riêng cho thị trường Trung Quốc). Nếu gộp chung cả hai phiên bản, chắc chắn con số này sẽ lớn hơn rất nhiều.

"Hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới đã đến với TikTok mỗi tháng để được giải trí, học hỏi, vui cười hoặc khám phá điều gì đó mới mẻ", TikTok cho biết trên trang blog chính thức. Giám đốc điều hành Vanessa Pappas của TikTok cũng đã gửi lời cảm ơn đến người dùng của mạng xã hội này và cho biết sẽ "xây dựng TikTok trở thành một nơi thật đặc biệt".

Sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu đã vô tình mang lại lợi thế cho TikTok, khi nhiều người dùng đã lựa chọn TikTok như một hình thức để giải trí khi phải ở nhà tránh dịch. Kết thúc năm 2020, TikTok đã trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên toàn cầu , vượt qua các "ông lớn" khác như Facebook, Instagram, WhatsApp…

Theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, ứng dụng TikTok đã được cài đặt tổng cộng 3,2 tỷ lần, kể từ thời điểm ra mắt lần đầu vào năm 2016 (kể cả số lượt cài đặt ứng dụng Douyin, TikTok phiên bản Trung Quốc). Số lượng người dùng tích cực của TikTok vào tháng 8/2021 cũng đã tăng thêm 25% so với một năm trước đó.

Không chỉ tăng trưởng mạnh về người dùng, TikTok cũng tăng trưởng mạnh về doanh thu. Theo hãng phần mềm ByteDance, "cha đẻ" của TikTok, doanh thu trong năm 2020 của mạng xã hội này đạt 34,3 tỷ USD, hơn gấp đôi so với một năm trước đó.

Tính đến tháng 6/2021, giá trị thị trường của ByteDance được định giá 425 tỷ USD, giúp ByteDance trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất trong lịch sử. Giá trị của ByteDance được dự đoán sẽ còn tăng mạnh khi ByteDance dự kiến sẽ chính thức lên sàn chứng khoán vào đầu năm sau.

Trước đó, ByteDance và hàng loạt công ty Trung Quốc đã bị lọt vào tầm ngắm của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, với cáo buộc TikTok lấy cắp thông tin người dùng. Hiện TikTok đang bị cấm tại một số quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan… vì những lo ngại nội dung trên TikTok có thể ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.

Mới đây,  hơn 500 cô gái trẻ người Bangladesh đã bị những kẻ buôn người lừa bán sang Ấn Độ để làm nghề mại dâm thông qua những video lừa đảo được chia sẻ trên TikTok. Hồi tháng 6 vừa qua, cảnh sát Cairo (Ai Cập) cũng đã phá được một đường dây buôn người thông qua mạng xã hội TikTok, với sự tham gia của 2 TikToker nổi tiếng, có hàng triệu người theo dõi tại Ai Cập...