Mạng xã hội của Elon Musk bị tố giao dịch với khủng bố

T.Thủy

(Dân trí) - Mạng xã hội X, trước đây là Twitter, đã bán dịch vụ tài khoản tích xanh cho các đối tượng và tổ chức bị tình nghi là khủng bố tại Mỹ, khiến nhiều người phẫn nộ.

Theo một báo cáo vừa được công bố bởi Dự án Minh bạch Công nghệ (Tech Transparency Project - TTP), mạng xã hội X của Elon Musk đã cho phép hàng chục tài khoản thuộc quản lý của những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ liệt kê vào danh sách khủng bố hoặc tài trợ cho khủng bố, mua dịch vụ tài khoản tích xanh và tích vàng.

Báo cáo của TTP cho thấy có ít nhất 28 tài khoản đã được cấp tích xanh (hoặc tích vàng) thuộc về những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có những tổ chức bị cáo buộc hoạt động hoặc tài trợ cho khủng bố tại các quốc gia Trung Đông.

Mạng xã hội X bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm của chính phủ Mỹ vì bán tích xanh cho các cá nhân, tổ chức khủng bố (Ảnh minh họa: Pinterest).

Mạng xã hội X bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm của chính phủ Mỹ vì bán tích xanh cho các cá nhân, tổ chức khủng bố (Ảnh minh họa: Pinterest).

Thậm chí, TTP còn nhận thấy các tài khoản này có thể đăng ký để tham gia chương trình chia sẻ doanh thu của X, nghĩa là có thể kiếm được tiền từ mạng xã hội này thông qua các nội dung được chia sẻ.

"Việc X cho phép các tài khoản thuộc sở hữu những cá nhân, tổ chức bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia trả tiền để mua dấu tích xác nhận trên mạng xã hội này là hành động vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ", báo cáo của TTP nêu rõ.

Tháng 11/2022, mạng xã hội Twitter (nay đã được đổi tên thành X), chính thức ra mắt dịch vụ bán tài khoản tích xanh. Người dùng có thể chi ra 7,99 USD/tháng để sở hữu dấu tích xanh xác minh tài khoản, thay vì dấu tích này chỉ dành riêng cho những tài khoản người nổi tiếng hoặc thương hiệu lớn như trước đây.

Ngoài ra, X cũng bán dịch vụ cung cấp dấu tích màu vàng cho các tổ chức, doanh nghiệp với mức giá 200 USD/tháng.

Đáng chú ý, quá trình xác minh thông tin cá nhân của chủ tài khoản trước khi cung cấp dấu tích của X diễn ra một cách sơ sài, điều này khiến nhiều tài khoản giả mạo người nổi tiếng vẫn được X cung cấp dấu tích xác minh tài khoản, dẫn đến tình trạng tin giả và các thông tin giả mạo được chia sẻ tràn lan trên nền tảng mạng xã hội này.

Sau khi báo cáo của TTP được công bố, X đã xóa dấu tích xác minh của một số tài khoản có trong danh sách cấm vận của chính phủ Mỹ.

"X, trước đây là Twitter, đã xóa dấu tích xác nhận của một số tài khoản thuộc các cá nhân, tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, một số tài khoản khác hiện vẫn còn dấu tích xác nhận", TTP cho biết.

Về phần mình, một đại diện của mạng xã hội X cho biết công ty đang xem xét báo cáo của TTP và sẽ thực hiện các hành động cần thiết nếu báo cáo này là chính xác.

"Một số tài khoản được liệt kê trong Báo cáo minh bạch Công nghệ không có tên trong danh sách trừng phạt của chính phủ Mỹ. X có một cách tiếp cận mạnh mẽ và an toàn để bảo vệ cộng đồng người dùng, tuân thủ luật pháp tại các quốc gia đang hoạt động. Chúng tôi sẽ thực hiện các hành động cần thiết và kịp thời", đại diện của mạng xã hội X cho biết.

Tháng 10/2022, Elon Musk đã chi ra 44 tỷ USD để thâu tóm Twitter, sau đó thực hiện hàng loạt sự thay đổi đối với nền tảng mạng xã hội này, bao gồm đổi tên từ Twitter sang X, cung cấp dịch vụ bán tài khoản tích xanh cho cá nhân hay tích vàng cho tài khoản thuộc về tổ chức, doanh nghiệp…

Bất chấp những nỗ lực để cải tổ và kiếm tiền từ X, mạng xã hội này vẫn trở nên hỗn loạn dưới sự điều hành của Elon Musk khi các nội dung sai sự thật, kích động bạo lực, khiêu dâm… tràn ngập.

Nhiều người dùng trung thành với Twitter trước đây đã từ bỏ mạng xã hội này để chuyển sang các nền tảng khác vì không chấp nhận được sự điều hành của Elon Musk khiến "bộ mặt" của Twitter thay đổi hoàn toàn.

Tech Transparency Project (TTP) là một dự án giám sát nhằm đưa ra sự minh bạch và kiểm soát đối với các hãng công nghệ lớn. TTP cung cấp thông tin và nghiên cứu cho các nhà báo, học giả, nhà hoạch định chính sách và công chúng quan tâm đến tầm ảnh hưởng của các hãng công nghệ lớn đối với chính trị, chính sách và cuộc sống hàng ngày.

Dự án này hoạt động độc lập, không chấp nhận quyên góp từ các công ty để đảm bảo tính độc lập, minh bạch của các nghiên cứu và thông tin.

Theo Engadget/PCMag