1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Số điện thoại “nóng” phản ánh về tiêm vắc xin tại TT YTDP Hà Nội

(Dân trí) - Đường dây nóng phản ánh về những băn khoăn, thắc mắc khi tiêm vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã chính thức được thiết lập.

Công bố 3 số điện thoại “nóng” phản ánh về tiêm vắc xin

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội giữ một số máy nóng, tiếp nhận phản ánh thông tin của người dân về những vấn đề liên quan đến tiêm vắc xin tại trung tâm này. Ảnh: H.Hải

Ngày 10/5, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, để tiếp nhận thông tin của người dân về tiêm vắc xin nói chung tại đây, trung tâm sẽ tăng cường thêm 3 bác sỹ tại mỗi phòng tiêm để làm nhiệm vụ trực điện thoại, tư vấn, tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người dân.

Các số điện thoại đường dây nóng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội người dân có thể gọi đến để phản ánh:

0913513616: ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

0915421888: ông Hoàng Thế Hùng - Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắcxin.

0439035688: Số điện thoại từ tổng đài tiếp nhận các phản ánh của người dân.

Số điện thoại đường dây nóng vừa được lập này là để tiếp nhận thông tin từ phụ huynh đưa con đến tiêm chủng nếu họ thấy có điều chưa thỏa đáng về loại vắc xin, tên vắc xin, liều vắcxin đã dùng... Động thái này được đưa ra sau sự việc một y tá tại Trung tâm này tiêm thiếu liều vắc xin Pentaxim cho trẻ.

Ông Cảm cho biết, tất cả mọi văn khoăn, thắc mắc của khách hàng xung quanh vấn đề tiêm chủng vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sẽ được tiếp nhận. Nhân viên y tế có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn, có trách nhiệm với những người đã đến tiêm chủng tại trung tâm.

“Tất cả những trường hợp đã tiêm chủng tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vắc xin Pentaxim phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hip mà trẻ bị mắc một trong những bệnh này, nếu liên quan đến việc tiêm chủng tại Trung tâm y tế dự phòng mà không đảm bảo thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về trường hợp đó”.

Ông Cảm cũng kêu gọi người dân tham gia giám sát nhân viên y tế. Cán bộ y tế phải có trách nhiệm thông báo loại vắc xin tiêm cho cháu là loại gì, phòng bệnh gì. Cha mẹ cũng cần yêu cầu cho xem vỏ, lọ vắc xin, hạn sử dụng… trước khi tiêm cho con. Theo quy định, lọ vắc xin phải lưu lại Trung tâm trong 14 ngày để theo dõi, vì thế, khách hàng được quyền xin hộp vắc xin, hướng dẫn sử dụng về để đọc, tìm hiểu. Nếu nhân viên y tế không đáp ứng người dân hoàn toàn có thể phản ánh vấn đề này.

Ông Cảm cũng cho biết thêm, sau vụ việc xảy ra, Trung tâm cũng đang tính đến phương án lắp camera giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót trong quy trình tiêm chủng, đảm bảo việc tiêm chủng đúng quy trình, an toàn nhất cho khách hàng.

Hồng Hải