Phương pháp mới ức chế khả năng di căn của ung thư đại trực tràng

Minh Nhật

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã sử dụng một loại phân tử nhỏ có khả năng “khóa” các tế bào ung thư sắp sửa thay đổi hình dạng, để di chuyển khắp cơ thể.

Khi ung thư bước vào giai đoạn di căn, các tế bào ung thư sẽ rời khối u ban đầu và di chuyển khắp cơ thể thông qua mạch máu, từ đó hình thành khối u thứ phát. Thống kê chỉ ra rằng, ung thư di căn có liên quan đến 90% các trường hợp tử vong do ung thư.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Chiago, Mỹ đã tìm ra 1 phương pháp mới để làm chậm quá trình di căn của ung thư đại trực tràng, đó là sử dụng một loại phân tử nhỏ có khả năng “khóa” các tế bào ung thư sắp sửa thay đổi hình dạng, để di chuyển khắp cơ thể.

Phương pháp mới ức chế khả năng di căn của ung thư đại trực tràng - 1

Trong thử nghiệm trên chuột, loại phân tử này có thể giảm đáng kể khả năng di căn của tế bào ung thư. Mặc dù, cần nhiều nghiên cứu nữa được thực hiện để đưa phương pháp này vào thực tế lâm sàng, nhưng những kết quả đạt được đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.

“Đây là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn” - TS Ronald Rock, khoa hóa sinh và sinh học phân tử (Đại học Chicago), đại diện nhóm nghiên cứu, chia sẻ - “Nó cho thấy khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều khía cạnh. Nếu có thể sử dụng phương pháp này, để cải thiện tiên lượng của bệnh nhân ung thư từ 5-10%, đã là một bước đột phá lớn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nan y này”.

Các tế bào ung thư cần tái cấu trúc để có thể tách khỏi khối u và di chuyển sang các vị trí khác trong cơ thể. TS Ronald Rock và các cộng sự của mình muốn đi sâu vào nghiên cứu cách chống lại quá trình này, từ đó ngăn chặn di căn.

Giải pháp được nhóm tác giả đưa ra là một loại phân tử nhỏ có tên 4-hydroxyacetophenone (4-HAP), có khả năng tác động vào protein myosin-2C (NM2C) trên tế bào ung thư. NM2C đã được chứng minh là một trong những “cỗ máy” cho phép tế bào ung thư tách ra khỏi khối u và di chuyển.

Nhóm tác giả đã thực hiện thí nghiệm ở cấp độ phân tử lẫn khối u đại tràng của người được cấy trên chuột thí nghiệm. Kết quả cho thấy 4-HAP khiến tế bào ung thư bị khóa chặt vào khối u, từ đó giảm số lượng tế bào ung thư di căn sang các phần khác của cơ thể. So với nhóm đối chứng, lượng tế bào ung thư di căn ở khối u đã được xử lý bằng 4-HAP đã giảm đi một nửa.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, việc sử dụng 4-HAP cũng như ném cát vào cỗ máy giúp ung thư di chuyển. Nếu cỗ máy bị kẹt thì đương nhiên quá trình di căn của ung thư sẽ không thể xảy ra.

Từ kết quả này, nhóm tác giả đặt ra mục tiêu sử dụng 4-HAP như một phương pháp phối hợp với hóa, xạ trị nhằm tăng hiệu quả điều trị ung thư.

“Với loại phân tử này, sẽ có ít tế bào ung thư có thể di chuyển trong cơ thể hơn, do đó hóa, xạ trị có thể tiêu diệt mầm mống bệnh dễ dàng hơn. Giảm khả năng di căn đồng nghĩa với việc bệnh nhân ung thư có thể kéo dài thời gian sống, cũng như tăng chất lượng cuộc sống” – ThS Weichselbaum nhấn mạnh.

Không chỉ dừng lại ở ung thư đại tràng. Kết quả nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng, 4-HAP cũng có hiệu quả tương tự trên nhiều loại ung thư đang trong giai đoạn di căn khác.