1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Ô nhiễm vi nhựa trong thực phẩm - vấn đề mới nổi

Nam Phương

(Dân trí) - PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm cho biết ô nhiễm về vi nhựa là một vấn đề mới, cần nghiên cứu sâu. Thế giới cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn đề môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Một số nghiên cứu trước đây đã báo cáo sự hiện diện của vi nhựa trong 94% mẫu muối được khảo sát trên toàn thế giới. Ô nhiễm vi nhựa đã được tìm thấy trong các mẫu muỗi biển tại nước ta. 

Ô nhiễm nhựa đặc biệt là vi nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức đối với môi trường, kinh tế và xã hội toàn cầu. 

Chia sẻ bên lề hội nghị Khoa học Kiểm nghiệm thực phẩm 2022 diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 20-21/10, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm cho biết trong những năm gần đây nhờ được đầu tư về khoa học kỹ thuật, trình độ kiểm nghiệm của Việt Nam đã sánh ngang các nước trong khu vực và quốc tế.

Số lượng sản phẩm thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu rất nhiều vì thế để đưa ra bằng chứng chính xác, khoa học kiểm nghiệm phải phát triển đầu tiên. Nhờ đó, chúng ta mới có barie để kiểm soát an toàn thực phẩm. 

Ô nhiễm vi nhựa trong thực phẩm - vấn đề mới nổi - 1

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Nhờ trang thiết bị ngày càng tiên tiến, có độ chính xác cao, nhanh hơn, quản lý an toàn thực phẩm ngày càng đi vào chiều sâu và chặt chẽ hơn. Đặc biệt trong những năm gần đây, việc sử dụng các chất cấm, chất mới đặc biệt là phụ gia mới nổi đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, công nghệ thực phẩm, hóa chất ngày càng phát triển, nên việc đầu tư về con người chuyên môn, trang thiết bị vẫn cần. Kiểm soát về an toàn thực phẩm ngày nay cần hội nhập quốc tế nhiều hơn, PGS Hảo cho biết. 

Mỗi năm Viện, các Viện trực thuộc Bộ lấy vài nghìn mẫu các chủng loại, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, từ đó ngăn chặn kịp thời một số sản phẩm đặc biệt là các mặt hàng hỗ trợ sinh lý nam, giảm béo chứa chất cấm. Ngoài ra, hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng hoàn thiện, đây cũng là nền tảng kiểm soát tốt hơn. 

"Gần đây, sự cố về an toàn thực phẩm giảm dần, chỉ có một số sự vụ gian dối, đơn lẻ "đánh sâu" vào một số nhóm như thực phẩm chức năng, với hình thức tinh vi hơn. Bên cạnh đó, ô nhiễm vi nhựa là một vấn đề mới, cần đặt ra hướng nghiên cứu trong thời gian tới. Tuy nhiên, thế giới cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, cũng như chưa có nghiên cứu sâu mà chỉ là các nghiên cứu nhỏ", PGS Hảo nhấn mạnh.

PGS Hảo cũng cảnh báo sản phẩm bán hàng online là mối nguy cao, người dân cần cảnh giác. Trong số các sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì tỷ lệ bán online cao hơn nhiều. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết kiểm nghiệm an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên thị trường hiện vẫn tồn tại các sản phẩm gian dối, kém chất lượng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, cần nhiều biện pháp để kiểm soát. 

Thứ trưởng cũng thừa nhận thực tế việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm hiện tập trung chủ yếu ở trung ương. Các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm hiện còn hạn chế cả về cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị, nhân lực, chưa đáp ứng được với yêu cầu xu thế phát triển hiện nay. Qua theo dõi cho thấy, hầu hết những kiểm nghiệm mang tính chất quyết định, kiểm nghiệm mẫu trong các vụ ngộ độc thực phẩm đều chuyển về tuyến trung ương làm. 

Thứ trưởng đề nghị cần nâng cao năng lực kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương, thực hiện đúng chủ trương của Đảng trong việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, giảm tải gánh nặng cho trung ương. 

Hiện cả nước có hơn 200 phòng kiểm nghiệm thực phẩm.