Đắk Nông:

Nữ cán bộ xã biên giới gần 30 lần hiến máu cứu người

(Dân trí) - (Dân trí)- Từng chứng kiến những bệnh nhân nghèo chạy vạy để có máu duy trì sự sống, nhiều năm qua chị Nguyễn Thị Thuyến lặng lẽ chia sẻ những giọt máu của mình cho người bệnh cần được truyền máu. Đối với người phụ nữ này, hiến máu cứu người đã trở thành niềm vui và "mạch sống" của bản thân.

Vừa trở về từ Lễ tôn vinh Người hiến máu tình nguyện toàn quốc năm 2019, chị Nguyễn Thị Thuyến (SN 1982, Phó chủ tịch HĐND xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) lại bắt đầu công việc đi vận động người dân trong xã tham gia hiến máu trong chương trình Hành trình đỏ. Lần đầu tiên, một chương trình hiến máu lớn được tổ chức tại Đắk Nông nên chị Thuyến cùng các thành viên trong ban vận động hiến máu của xã đặt mục tiêu vận động được nhiều người dân tham gia.

Nữ cán bộ xã biên giới gần 30 lần hiến máu cứu người - 1
Chị Thuyến tham gia hiến máu sau khi dự lễ tuyên dương tại Hà Nội

Đúng như kế hoạch, sáng 13/6, gần 50 người dân của xã biên giới Đắk Wil tập trung tại trung tâm huyện Cư Jút để tham gia hiến máu. Tại đây, chị Thuyến cũng là người đầu thực hiện công việc này, nâng tổng số lần hiến của nữ cán bộ xã lên con số 28.

Kể về cơ duyên đưa mình đến hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa này, chị Thuyến cho biết, năm 1993 bố đẻ của chị bị ốm phải vào bệnh viện điều trị. Thời điểm đó người dân còn khó khăn, tiền ăn, tiền viện phí còn chưa lo được nên rất nhiều người không có tiền để truyền máu. Chứng kiến nhiều bệnh nhân rơi vào cảnh thập tử nhất sinh vì thiếu máu, trong tư tưởng của mình, chị Thuyến đã nghĩ đến việc hiến máu để cứu người.

Tuy nhiên, ngày ấy chị Thuyến mới chỉ là cô bé hơn 10 tuổi. Phải đến tận 10 năm sau, khi đang là sinh viên năm nhất của Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, chị Thuyến mới lần đầu hiến máu. Cũng từ đó, đều đặn mỗi năm 2 lần, chị tham gia hiến máu tình nguyện tại chính nơi mình học tập.

Nữ cán bộ xã biên giới gần 30 lần hiến máu cứu người - 2
Mỗi năm hai lần, nữ cán bộ xã đều tình nguyện đi hiến máu cứu người

“Thực tế, mỗi năm mình chỉ được hiến hai lần máu, thế nhưng khi có bệnh nhân cần máu gấp, mình cũng sẵn sàng hỗ trợ. Năm 2018, một người phụ nữ ở xã bên bị tai nạn, người nhà chị ấy lên trên Facebook nhờ trợ giúp nên mình phóng xe một mạch từ xã ra bệnh viện để hiến ngay. Trước đó gần 3 tháng mình mới hiến máu, nên chắc chắn rằng khi đăng ký là tình nguyện viên thì sẽ không được bác sĩ chấp nhận, vì thế mình phải nói là người nhà mới được lấy máu”, chị Thuyến chia sẻ thêm.

Gần 30 lần hiến máu cứu người, chị Thuyến không ít những kỷ niệm về công việc thiện nguyện này. Nữ cán bộ xã cho biết, khi về làm công tác tại xã Đắk Wil, đối với công việc, hoạt động phong trào, đặc biệt là các phong trào tình nguyện chị tham gia hết mình. Có những hôm, biết được lịch hiến máu tại nơi khác, chị lo sắp xếp công việc trước để dành thời gian hôm đó đi tham gia hiến máu.

“Nhiều lần từ 4 giờ sáng, mình đi cả trăm cây số đến các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô hay thị xã Gia Nghĩa để hiến máy. Vì không thể bỏ việc đi hiến máu nên lần nào cũng vậy, mình là một trong những người đầu tiên hiến. Mỗi lần viết trong đơn hiến máu, mình đều đăng ký ở mức cao nhất là 350ml, thế mà cứ lấy đủ máu, mình nằm nghỉ ngơi một lúc rồi bắt xe về xã để làm việc ngay. Nhiều khi đăng ký xong, bác sĩ đoán được mình khai sai cân nặng, không cho hiến nhiều máu như đã đăng ký vì sợ ảnh hưởng sức khỏe…”, nữ cán bộ xã 37 tuổi kể lại.

Nữ cán bộ xã biên giới gần 30 lần hiến máu cứu người - 3
Nữ cán bộ xã biên giới Đắk Wil vinh dự đại diện tỉnh Đắk Nông tại lễ tôn vinh những cá nhân hiến máu tình nguyện

Đối với chị Thuyến, một lần hiến máu có thể giúp được nhiều người bệnh, đặc biệt là những trường hợp khẩn cấp. Thế nên, có lần trời nhập nhoạng tối, nghe tin một người dân tại tỉnh Đắk Lắk đang cần máu gấp để phẫu thuật, chị Thuyến quyết định tự đi xe máy gần 60km lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để hiến máu. “Trong ngân hàng máu của bệnh viện không còn nhóm máu B, trong khi máu của người nhà bệnh nhân lại không đáp ứng yêu cầu. Tình thế cấp bách như vậy, mình không đắn đo, suy nghĩ gì cả, chỉ mong hy vọng máu của mình cứu được mạng sống của người bệnh”.

Được biết, những năm qua, chị đã vận động hơn 1.500 lượt người thân, bạn bè và mọi người xung quanh cùng tham gia hiến máu cứu người.

Chị Hoàng Thị Công (dân tộc Tày), từng 7 lần tham gia hiến máu tình nguyện chia sẻ: “Chị em trong xã cũng nhiều người đi hiến máu tình nguyện rồi. Người ít thì đôi ba lần, nhiều thì hơn chục lần. Trước đây chị em cũng e ngại việc đi hiến máu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, thế nhưng được chị Thuyến vận động, hướng dẫn nên mọi người thay đổi suy nghĩ, tham gia chương trình ý nghĩa này”.

Nữ cán bộ xã biên giới gần 30 lần hiến máu cứu người - 4
Chị Thuyến nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì những cống hiến trong phong trào “Hiến máu tình nguyện”

Vừa qua, chị là một trong 100 người được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh, biểu dương vì những cống hiến trong phong trào “Hiến máu tình nguyện” năm 2019.

Phó chủ tịch HĐND xã Đắk Wil chia sẻ: “Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lại là xã biên giới, đường sá xa xôi, cách trở nên nhiều người dân vẫn chưa biết đến việc hiến máu tình nguyện. Với trách nhiệm là một cán bộ xã, thành viên ban vận động hiến máu của địa phương, trước tiên tôi phải làm gương cho mọi người, có như thế mọi người mới nghe mình.Nếu so với những tấm gương khác, đóng góp của bản thân còn rất nhỏ bé”.

Dương Phong