1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Người có thẻ BHYT tự mua thuốc được hoàn tiền, quy trình có khó khăn?

Nam Phương

(Dân trí) - Khi tự bỏ tiền túi để mua thuốc, để được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, người dân có thể đến nhà thuốc của bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến.

ThS Vũ Nữ Anh, chuyên viên Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, cho biết, thông tư này sẽ hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào người dân mua thuốc ngoài được thanh toán BHYT và những nơi sẽ có thể mua thuốc ngoài để thanh toán BHYT, các đơn vị cung ứng có đủ điều kiện gì để được thanh toán BHYT. 

Hiện nay, người dân đến khám, chữa bệnh (cả ngoại trú, nội trú) sẽ được nhận thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc nhà thuốc bệnh viện. Đây là nguồn thuốc cung ứng chính cho người bệnh BHYT. 

Người có thẻ BHYT tự mua thuốc được hoàn tiền, quy trình có khó khăn? - 1

ThS Vũ Nữ Anh, chuyên viên Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế (Ảnh: N.Phương).

Vì vậy, trong dự thảo thông tư, người bệnh có thể trực tiếp mua thuốc tại nhà thuốc của bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT mà không cần thiết phải là nhà thuốc bệnh viện nơi người dân đến khám bệnh, chữa bệnh cũng sẽ được thanh toán BHYT.

Quy định này áp dụng trong một số trường hợp khách quan mà cơ sở khám bệnh chữa bệnh không cung ứng được thuốc cho người bệnh.

"Phạm vi như vậy là mở rộng so với hiện nay người dân chỉ có thể nhận thuốc từ nhà thuốc của bệnh viện nơi khám, điều trị. Điều kiện là người bệnh được bác sĩ chỉ định kê đơn thuốc, thuốc phải thuộc danh mục được BHYT thanh toán và thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT", bà Nữ Anh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, người dân có thể đến mua tại các đơn vị trúng thầu vật tư y tế, thuốc và hợp đồng cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực. Khi đó, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến nơi nào để mua thuốc, vật tư y tế để được thanh toán BHYT.

Bộ Y tế vẫn nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải cung ứng đầy đủ thuốc trong danh mục BHYT cho người bệnh.

Việc quy định nơi mua thuốc để được thanh toán BHYT nhằm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng của thuốc, vật tư y tế, đồng thời kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế và có căn cứ để làm cơ sở thanh toán BHYT trong trường hợp bệnh viện thiếu thuốc.

Nghị định 146 trước đó đã quy định những thủ tục người dân cần cung cấp lại cho cơ quan BHXH để được thanh toán trực tiếp trong trường hợp có những đề xuất thanh toán trực tiếp theo quy định của luật BHYT. Cũng theo nghị định này, thời gian tối đa để người bệnh có thể nhận được thanh toán từ quỹ BHYT khi nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp là 40 ngày. 

"Để xây dựng và hoàn thiện thông tư, ban soạn thảo đã gửi xin ý kiến rộng rãi, đồng thời sẽ có nhiều cuộc kỹ thuật để tiếp tục bàn thảo thêm về những nội dung quy định trong thông tư. Nội dung về quy trình, thủ tục thanh toán chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn trong các bản dự thảo lần sau", bà Nữ Anh nói.

Ngoài ra, trong dự thảo chưa quy định cụ thể trong thời điểm nào mua thuốc thì được thanh toán. Tuy nhiên, với quan điểm đảm bảo quyền lợi của người bệnh thì với những đơn thuốc, vật tư y tế mua trước thời điểm thông tư có hiệu lực mà có đầy đủ hồ sơ, người bệnh vẫn có thể đến cơ quan BHXH để thực hiện thủ tục thanh toán trực tiếp. 

Dự kiến thời gian nộp hồ sơ thanh toán sau ngày thông tư có hiệu lực vẫn sẽ được xem xét để thanh toán mặc dù việc mua thuốc đã diễn ra trước ngày thông tư có hiệu lực.

Vụ Bảo hiểm y tế cũng nhấn mạnh việc thanh toán trực tiếp này chỉ áp dụng trong những điều kiện nhất định, không áp dụng rộng rãi.

Dự kiến trong năm 2024 thông tư sẽ được ban hành và có hiệu lực. Đây sẽ là một trong những giải pháp góp phần giải quyết vướng mắc trong thanh toán thuốc, vật tư y tế và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.