“Mở hàng” sống khỏe cho năm mới từ việc giảm ăn mì tôm, xúc xích…

(Dân trí) - Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa… một nghiên cứu mới đây còn chỉ ra mối liên quan giữa các thực phẩm chế biến công nghiệp, điển hình như: nước ngọt, xúc xích, mì ăn liền với bệnh tiểu đường.

Thực phẩm siêu chế biến (UPF) là những loại thực phẩm được chế biến công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên bao gồm: chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản, chất chống oxy hóa, chất ổn định… Phổ biến nhất có thể kể đến như: nước ngọt có ga, mì ăn liền, xúc xích, bánh kẹo…

“Mở hàng” sống khỏe cho năm mới từ việc giảm ăn mì tôm, xúc xích… - 1

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, việc sử dụng nhiều UPF trong chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Mặc dù đã từng có nhiều bằng chứng khoa học về việc lạm dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền, xúc xích, bánh kẹo, nước ngọt chế biến công nghiệp… có thể làm tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch, triệu chứng trầm cảm, rối loạn chuyển hóa, nhưng nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí “JAMA Internal Medicine” đã tiên phong về mối liên quan giữa UPF với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Quan sát trên 21.800 nam giới và 82.907 phụ nữ tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học tìm thấy tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhóm tiêu thụ ít UPF nhất là 113/100.000 người và 166/100.000 người đối với nhóm tiêu thụ nhiều UPF nhất.

Đáng chú ý, kết quả trong công trình khoa học này còn chỉ ra rằng, chỉ cần tăng 10% lượng UPF vượt mức trong khẩu phần ăn thì khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng tăng lên 15%. Kết quả này vẫn đúng kể cả khi đã xét đến các yếu tố có thể ảnh hưởng như tình trạng béo phì hay chế độ luyện tập thể dục thể thao.

KN

Theo Medscape