1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Đề phòng bệnh dại do chó cắn

Khi bị chó cắn sứt da (chó của nhà người quen không chắc có bị điên hay không) thì xử lý vết thương như thế nào? Có nhất thiết phải tiêm phòng bệnh dại? Thời gian trễ nhất thực hiện việc tiêm phòng là khi nào và cách thức tiêm?

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng gây ra. Nó thường được lây sang người qua vết cắn, nhiều nhất là do chó và mèo cắn (chiếm 90%). Ngoài ra nó còn lây qua người qua vết cắn của chồn, dơi, gấu, cầy, sóc, chó rừng.

 

Hiếm hơn, bệnh dại còn được lây qua đường hô hấp do không khí chứa nhiều siêu vi trùng dại trong các hang động có nhiều dơi sinh sống.

 

Khi bị chó hoặc súc vật cắn, cần phải xử trí vết thương theo trình tự như sau:

 

- Rửa sạch vết cắn nhiều lần với xà bông đặc hoặc các chất tẩy giặt khác, rửa vết thương dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút, lấy bỏ hết dị vật và mô dập nát.

 

- Sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode. Không khâu kín da hoặc băng quá kín.

 

- Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn.

 

- Đề phòng uốn ván bằng huyết thanh kháng độc tố (SAT) và vaccin (Tetavax).

 

Nếu nạn nhân bị chó cắn (không biết là chó dại hay không), nên chủng ngừa sớm trong vòng 2 ngày thì hiệu quả phòng bệnh rất cao, chủng ngừa chậm thì hiệu quả sẽ giảm nhưng vẫn còn hiệu quả, do đó có chủng vẫn còn hơn.

 

- Đối với con chó cắn người, nếu còn sống nên nhốt nó trong 10 ngày và theo dõi, nếu chó vẫn còn khoẻ mạnh thì có thể ngưng các biện pháp điều trị. Nếu chó bị đập chết, nên cắt đầu chó để xét nghiệm xác định bệnh dại.

 

Nếu vết cắn ở đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục; vết cắn sâu hoặc cắn nhiều chỗ; niêm mạc bị chó nghi dại liếm; trẻ em tiếp xúc với siêu vi dại thì phải tiêm thêm huyết thanh kháng dại (SAR, serum antirabique ). L

 

SAR thường được chích ở mông, chích ngay ngày 0 cùng lúc với vaccin phòng dại. Không được chích cả 2 loại vaccin và huyết thanh kháng dại ở cùng 1 vị trí gần nhau và không dùng cùng kim và ống chích của cả 2 loại thuốc với nhau để tránh bị trung hoà thuốc.

 

BS Nguyễn Đình Sang

(Chuyên khoa Bác sĩ gia đình - Trung tâm y tế quận 1)

Theo Tuổi Trẻ