Chưa có người Việt nào mắc viêm phổi cấp do virus lạ

(Dân trí) - Ngày mùng 2 Tết (ngày 26/1), Bộ Y tế Việt Nam họp khẩn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới. Ngoài 2 khách Trung Quốc dương tính, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào.

Đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona, trong đó 56 trường hợp đã tử vong. Số ca mắc mỗi ngày tăng lên hàng trăm người. Diễn biến dịch rất phức tạp. Dịch bệnh này đã lây lan ra 12 quốc gia. 

Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang ở tình huống 2, có ca bệnh. Tuy nhiên, lưu lượng người Trung Quốc đến Việt Nam rất lớn, nhất là trong những ngày Tết vừa qua nên cần luôn sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống 3- dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Chưa có người Việt nào mắc viêm phổi cấp do virus lạ - 1
Khai báo y tế tại cửa khẩu Lào Cai.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam có 59 ca nghi ngờ mắc nCoV, trong đó có 2 ca xác định dương tính. Trong đó 22 trường hợp đã được loại trừ, còn lại 35 ca đang đợi kết quả xét nghiệm. Các tỉnh cũng đang theo dõi hàng chục người có tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV. 

Chưa có người Việt nào nhiễm virus corona mới

Trong hai bệnh nhân xác định nhiễm nCoV thì người con đã có sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm vẫn dương tính với nCOV nên tiếp tục giữa lại khu cách ly. Người cha đang tiếp tục điều trị, thở máy, do tuổi cao lại bị viêm phổi trên nền nhiều bệnh mãn tính khác (u phổi mới được phẫu thuật, đái tháo đường, huyết áp cao). 

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thì dịch nCoV rất có khả năng lan rộng và phát triển. Một trong những khó khăn trong việc kiểm soát dịch là do có thể nhiều người bị bệnh nhẹ, tự điều trị tại nhà.

“Chúng ta không chỉ chú ý đến khách đến từ Vũ Hán đến mà còn các tỉnh khác sát biên giới như Quảng Đông. Chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Do đó, chưa cần công bố dịch ", ông Phu nói. 

Ngành Y tế đã triển khai đồng loạt việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu trong cả nước đối với hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khuyến cáo người dân nên hạn chế đi đến các vùng có dịch. Đồng thời làm tốt việc ngăn chặn dịch bệnh nội địa như giám sát chặt chẽ các ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV, giám sát các ca viêm phổi nặng. Người dân đi từ vùng dịch về có biểu hiện sốt nên đi đến các cơ sở y tế sớm để được khám và điều trị kịp thời. 

"Người tử vong chủ yếu ở người tuổi cao, có các bệnh mãn tính khác. Do đó cần tránh lây nhiễm tự bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, cũng như nhân viên y tế", ông Long nói. 

Khoảng 20-25% số ca mắc virus corona mới ở thể nặng

Chưa có người Việt nào mắc viêm phổi cấp do virus lạ - 2
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế chiều ngày 16/1.

Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới số bệnh nhân nặng chiếm khoảng 20-25% trên tổng số bệnh nhân nhưng mẫu số cũng đang cần phải tiếp tục cân nhắc. Đây là sự kiện y tế nghiêm trọng, khẩn cấp của Trung Quốc nhưng chưa phải khẩn cấp với quốc tế. Vì thế, WHO chưa khuyến nghị hạn chế đi lại và giao thương đối với sự kiện dịch nCoV ở Trung Quốc.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mức độ lây nhiễm tại Việt Nam chưa có biến động, mới chỉ dừng ở hai ca xác định dương tính.

"Các biện pháp chống dịch của Việt Nam đã được nâng lên một bước. Chúng ta phải tập trung cao nhất phát hiện kịp thời các ca nghi ngờ lây nhiễm để khoanh lại, cách ly, xét nghiệm chẩn đoán nhanh nhất, để bệnh dịch không lây ra cộng đồng. Đồng thời tăng cường truyền thông cho nhân dân ý thức phòng nCoV nói riêng và các bệnh lây nhiễm nói chúng: đeo khẩu trang khi đến bệnh viện, rửa tay, ăn chín, uống sôi...", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, WHO khuyến cáo người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sau:

- Rửa tay bằng xà phòng và nước, hoặc chà (xoa) tay bằng cồn khô;- Che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, khăn giấy, ống tay áo hoặc lấy khuỷu tay che khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh tiếp xúc gần mà không có mặc đồ bảo hộ với bất kỳ ai có các triệu chứng cảm lạnh hoặc giống như cúm, đi khám nếu bị sốt, ho và khó thở. 

Những người làm việc trong chợ dân sinh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để giữ sức khỏe:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật- Khử trùng dụng cụ và chỗ làm ít nhất một lần một ngày- Mặc áo choàng, đeo găng tay và tấm che mặt khi xử lý động vật và các sản phẩm động vật tươi sống- Bỏ quần áo bảo hộ sau khi làm việc, giặt hàng ngày và để lại nơi làm việc
- Không để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với quần áo làm việc và giày dép bẩn

Nam Phương