Chỉ số UV ở mức cao, cần làm để bảo vệ sức khỏe?

(Dân trí) - Chỉ số UV là công cụ giúp chúng ta dễ dàng đánh giá khả năng gây hại của ánh nắng mặt trời, từ đó có thể lựa chọn giải pháp bảo vệ tối ưu nhất cho sức khỏe, trong đợt cao điểm nắng nóng hiện nay.

Chỉ số UV ở mức cao, cần làm gì lúc này để bảo vệ sức khỏe?

Bước vào mùa hè, một trong những vấn đề sức khỏe đáng lưu tâm nhất chính là bệnh da liễu do ánh nắng gay gắt gây ra. Theo bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, thời tiết nắng nóng kèm theo cường độ UV (tia cực tím) cao trong ánh nắng mặt trời có thể gây ra những vấn đề cấp tính lẫn mạn tính đến làn da, nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ thích hợp: “Về các vấn đề cấp tính, kiểu thời tiết đặc trưng của mùa hè có thể gây đen da, cháy nắng, bỏng nắng nếu chúng ta tiếp xúc với cường độ UV cao trong thời gian dài. Ngoài ra, tia UV cũng có gây ra các tình trạng mạn tính về da như lão hóa da, rám má, khô da, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư da …”

Chỉ số UV ở mức cao, cần làm để bảo vệ sức khỏe? - 1

Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Trong ánh nắng mặt trời, tia UV là nhân tố chính tấn công và gây tổn thương đến làn da. Do đó, có thể dựa vào độ mạnh/yếu của tia UV trong ngày để đánh giá mức độ ảnh hưởng của ánh nắng đến cơ thể, từ đó có biện pháp bảo vệ thích hợp.

Cũng giống như các yếu tố thời tiết khác như nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ ngoại tử từ mặt trời cũng có một thang đo lường riêng được gọi là “Chỉ số UV”, đây là một chỉ số đo lường theo tiêu chuẩn quốc tế về cường độ của bức xạ tử ngoại do mặt trời phát ra. Chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt chỉ số UV tại khu vực mình sinh sống theo từng ngày, thông qua các bản tin, ứng dụng, website về tình hình thời tiết.

“Nguy cơ gây hại từ tia cực tím, dựa trên chỉ số UV, sẽ được xếp vào các cấp độ từ “thấp” đến “cực cao”. Mỗi cấp độ lại có một khuyến nghị riêng về các phương pháp phòng hộ như cách chắn nắng vật lý, cách lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp, để tối ưu hiệu quả bảo vệ sức khỏe” – BS Bích Diệp cho biết.

Dựa theo khuyến nghị của chuyên gia da liễu này, có thể tổng hợp các biện pháp bảo vệ làn da dựa theo chỉ số UV theo bảng sau:

Chỉ số UV ở mức cao, cần làm để bảo vệ sức khỏe? - 2

Lưu ý:

- Thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 10h-14h.

- Ở các khu vực biển, mặt nước sẽ bức xạ ánh sáng mặt trời nên chỉ số UV sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác.

- Ở nước ta, vào đợt nắng nóng cao điểm như hiện nay, nên chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và chỉ số PA từ “++” trở lên. Bôi kem chống nắng nhắc lại sau mỗi 2-3 tiếng.

- Những người có tiền sử ung thư da thì làn da sẽ nhạy cảm với tia UV hơn nên cần cảnh giác và có biện pháp phòng hộ kỹ lưỡng hơn so với khuyến nghị chung.

Dấu hiệu cho thấy da đã bị cháy nắng

Theo BS Bích Diệp, một trong những vấn đề sức khỏe của làn da hay gặp nhất trong mùa hè là hiện tượng cháy nắng. Nguyên nhân chủ yếu là do làn da chịu tác động trực tiếp bởi ánh nắng mặt trời cường độ cao trong thời gian dài, thường là vài tiếng.

Có thể nhận biết da đã bị cháy nắng thông qua các dấu hiệu sau:

- Da bị đau rát, có cảm giác ấm/nóng khi chạm vào.

- Vùng da hở xuất hiện mảng đỏ hoặc hồng.

- Có hiện tượng bong da và nặng hơn là lột da.

Chỉ số UV ở mức cao, cần làm để bảo vệ sức khỏe? - 3

Thực tế, trong đợt cao điểm nắng nóng vừa qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị cháy nắng, chủ yếu là những công nhân phải làm việc ngoài trời trong giai đoạn cao điểm 10h-14h.

Về vấn đề này, BS Diệp khuyến cáo: “Da bị cháy nắng thường mất vài ngày và thậm chí là vài tuần để có thể hồi phục. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có khả năng dẫn đến các biến chứng khác. Vì vậy, khi bị cháy nắng tuyệt đối không được chủ quan, mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ và có biện pháp điều trị đúng đắn, kịp thời”.

Minh Nhật