1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Chết vì hiểu biết nhiều quá!

Nghe ra có vẻ vô lý vì từ trước đến nay, người ta thường chỉ nói: Chết do thiếu hiểu biết. Nhưng trong thực tế khám chữa bệnh hằng ngày, chúng tôi, những người thầy thuốc, lại thấy có những trường hợp chết vì quá... hiểu biết.

Hiện nay, có những người, đặc biệt là giới trí thức, không dám ăn bất kỳ một loại thực phẩm nào. Rau thì có thuốc kích thích tăng trưởng, thịt thì có hormone, cá biển thì có thủy ngân, cá nuôi thì chất kích thích, cá đồng thì ô nhiễm... và rồi cuối cùng trước một rừng thông tin đầy rẫy sự nguy hiểm như vậy, họ quyết định không ăn cái gì cả.

 

Đối với thức uống cũng vậy, uống nước có ga thì sợ béo phì, uống bia thì sợ bệnh tim mạch, uống cà phê thì lo rối loạn thần kinh tim, uống trà thì sợ táo bón... Cuối cùng chỉ uống nước lọc nhưng cũng sợ có khi không tinh khiết và liệu có đủ chất khoáng hay không? Họ vẫn phải uống nước nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng lo âu, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống!

 

Đúng là hiện nay có quá nhiều loại thức ăn gây độc hại cho cơ thể do chính con người tạo ra. Nhưng không thể vì thế mà không ăn uống. Để ổn thỏa, rất cần sự can thiệp của xã hội và các nhà quản lý nhằm làm trong sạch các loại thực phẩm.

 

Sợ uống thuốc

 

Giở cái toa thuốc dài dằng dặc trong hộp thuốc cảm, chị C., một tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh, nói với chúng tôi: “Thế này thì thà nằm yên chịu trận cho qua cơn sốt chứ uống thuốc vào coi chừng tiền mất tật mang thôi”. Sau 5 ngày chịu trận, dù sốt cao và mệt lả, chị cũng kiên quyết không uống thuốc, chỉ ăn cháo và uống nước nhiều.

 

Đúng là vậy thật, nếu nhìn vào toa thuốc đi kèm theo hộp thuốc thì không ai dám uống thuốc cả. Nhà sản xuất rất sợ bị kiện và bị bồi thường. Ở nước ngoài, một vụ kiện về thuốc men có thể kéo dài nhiều năm với mức chi phí khổng lồ có thể làm khánh kiệt cả một công ty dược phẩm. Chính vì vậy, họ ghi tất cả những tác dụng không mong muốn, tác hại, tương tác thuốc, điều cẩn trọng, chống chỉ định... rất kỹ và rất chi tiết để nếu có vấn đề gì về các phản ứng hay tác dụng không mong muốn, họ sẽ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm. Mà như chúng ta đã biết, thuốc là con dao hai lưỡi, vừa có tác dụng điều trị vừa có tác dụng gây độc hại đối với cơ thể. Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra các phản ứng làm chết người.

 

Gặp những bệnh nhân như vậy, thầy thuốc chỉ biết lắc đầu ngao ngán và không biết phải làm thế nào. Cố gắng khuyên họ sử dụng thuốc cũng rất khó, không loại trừ cả khả năng nếu có phản ứng không mong muốn thì chỉ có đội nón đi hầu tòa, mà không bảo người bệnh uống thuốc thì không biết làm sao để chữa lành bệnh!

 

Chính vì vậy, ở các nước phát triển, vai trò người thầy thuốc trong việc hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc rất quan trọng. Chỉ khi nào hành lang pháp lý nhằm bảo vệ bệnh nhân và bảo vệ cả người thầy thuốc thật hoàn hảo thì thầy thuốc mới phát huy hết vai trò trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

 

Bệnh tưởng!

 

Cũng có những bệnh nhân luôn nghĩ mình bị đủ thứ bệnh, ai bị bệnh gì là mình bị bệnh đó. Những người này thấy bệnh nào cũng có triệu chứng giống bệnh của mình và rồi đi chữa khắp nơi, khắp chỗ. Đến nơi nào mà bác sĩ nói: “Anh hay chị về đi, không có bệnh gì đâu” thì những người này lại chê ông bác sĩ đó tay nghề dở. Thế rồi, họ tự đi làm đủ loại xét nghiệm từ rẻ tiền, đơn giản đến đắt tiền và rất phức tạp, có người còn đòi qua tận Singapore để làm Pet CT với giá gần 10.000 USD để tìm một thứ bệnh nào đó mà không ai biết. Các kết quả xét nghiệm được đưa đến rất nhiều bác sĩ và họ nhờ những bác sĩ này giải thích và bình luận kết quả theo trình độ của mỗi người.

 

Theo các chuyên gia về y học, đây cũng là một loại bệnh về tâm lý rất cần điều trị. Bệnh xảy ra trong một số giai đoạn của đời người như: mãn kinh, tiền mãn kinh, về hưu, hội chứng tổ rỗng... và hay xảy ra ở phụ nữ. Khi có các triệu chứng trên, bệnh nhân cần phải được điều trị ở những thầy thuốc chuyên về tâm lý y học, một chuyên khoa mà ở nước ta chưa phát triển và chưa được sự quan tâm của mọi người.

 

Theo PGS. TS Nguyễn Hoài Nam

Người lao động