Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện

(Dân trí) - Không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đủ mũi là đặc điểm chung của hầu hết các trường hợp viêm não Nhật Bản, mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trong thời gian qua.

Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện

Nhiều bệnh nhân viêm não Nhật Bản nhập viện trong tình trạng nặng

Mùa hè là thời điểm nhiều loại bệnh truyền nhiễm bùng phát mạnh, trong đó có viêm não Nhật Bản. Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm não Nhật Bản là loại viêm não do nhiễm trùng đáng ngại nhất ở Việt Nam. Trung bình, căn bệnh này chiếm 25-30% các ca viêm não mà chúng ta ghi nhận hàng năm.

Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện - 1

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Viêm não Nhật Bản gây ra bởi virus JEV, có trung gian truyền bệnh là muỗi culex. Đặc điểm của loại muỗi này là sinh sống ở vùng đồng bằng, nhiều ruộng nước. Muỗi phát triển mạnh khi nhiệt độ môi trường dao động trong khoảng 25-40 độ C. Do đó, dịch viêm não cũng bùng phát mạnh vào mùa nắng nóng, với cao điểm dịch thường rơi vào tháng 6 hàng năm.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều ca viêm não Nhật Bản trong đó có cả người lớn lẫn trẻ em. Tại khoa Nhi của Bệnh viện hiện tại cũng đang điều trị 2 bệnh nhân viêm não Nhật Bản được chuyển từ tuyến dưới lên.

Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện - 2

Đặc điểm của muỗi culex là sinh sống ở vùng đồng bằng, nhiều ruộng nước. Muỗi phát triển mạnh khi nhiệt độ môi trường dao động trong khoảng 25-40 độ C.

“Các bệnh nhi viêm não Nhật Bản mà chúng tôi tiếp nhận đều trong tình trạng nặng, có các triệu chứng như: hôn mê, liệt, sốt cao. May mắn là hiện tại các cháu đã tỉnh và tương đối ổn định” - PGS.TS Bùi Vũ Huy cho biết.

B.H.D, 15 tuổi, là 1 trong 2 bệnh nhi viêm não Nhật Bản đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. D. nhập viện trong tình trạng kích thích mạnh, la hét, không tỉnh táo. Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định, đã ăn uống được và nhớ được mật khẩu điện thoại.

Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện - 3

Bệnh nhân viêm não Nhật Bản B.H.D

Trước đó, D. được điều trị tại Bệnh viện tỉnh Hà Nam nhưng sau 3 hôm thấy bệnh tình diễn biến nặng lên nên được các bác sĩ giới thiệu chuyển lên tuyến trên.

Đáng chú ý, theo lời kể của bố bệnh nhân, vào lúc 5 tuổi, D. đã được tiêm phòng mũi 1 viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, vào trước ngày tiêm mũi thứ 2 (sau mũi đầu tiên 1 tháng), em lại bị sốt nên bỏ không tiêm nữa. Đến nay, D. vẫn chưa hoàn thành đủ liều tiêm phòng viêm não Nhật Bản của mình. “Gia đình thấy cháu lớn rồi nên thôi không tiêm nữa” – Bố bệnh nhân chia sẻ về lý do.

Lưu ý khi tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản

Không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đủ mũi cũng là đặc điểm chung của hầu hết các trường hợp viêm não Nhật Bản, mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trong thời gian qua.

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus, việc điều trị chỉ là điều trị triệu chứng, tỉ lệ tử vong do căn bệnh này trên thế giới lên tới 30%. Bệnh nhân dù được điều trị khỏi thì vẫn có khả năng chịu các di chứng của bệnh. Do đó, cách tốt nhất là phòng bệnh thông qua chủng ngừa vắc xin viêm não Nhật Bản.

Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện - 4

PGS.TS Bùi Vũ Huy thăm hỏi tình hình bệnh nhân viêm não Nhật Bản.

“Trước đây viêm não rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng Đông Anh, Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang. Cứ vào mùa là lượng bệnh nhân nhập viện rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi người dân được chủng ngừa viêm não Nhật Bản, thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng, thì số ca bệnh giảm hẳn” – PGS.TS Bùi Vũ Huy chia sẻ về hiệu quả của vắc xin viêm não Nhật Bản.

Cần đặc biệt lưu ý rằng, để vắc xin phát huy tác dụng, phải tiêm đúng, tiêm đủ mũi theo chỉ định. Về vấn đề này, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ rõ: “Loại vắc xin viêm não Nhật Bản phổ biến nhất ở nước ta, hiện đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin bất hoạt. Với loại này, nên tiêm cho trẻ từ lúc 12 tháng tuổi và tiêm đủ 3 mũi (mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên 1 tuần, mũi thứ 3 tiếp sau đó 1 năm). Cần lưu ý thêm rằng, mỗi 5 năm lại tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi 18 tuổi. Nếu bỏ qua việc tiêm nhắc lại thì lượng kháng thể sẽ bị giảm và không phòng được bệnh”.

Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện - 5

Bên cạnh đó, theo ông, hiện có một loại vắc xin phòng viêm não Nhật Bản mới là vắc xin sống giảm độc lực, đã được áp dụng tại nhiều nơi, trong đó có phòng tiêm chủng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Với loại vắc xin này, chỉ cần tiêm 2 mũi và không phải nhắc lại (mũi đầu lúc trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 sau đó 1 năm) là gần như có thể bảo vệ khỏi bệnh viêm não Nhật Bản suốt cả cuộc đời.

Minh Nhật