1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bé trai gặp nạn khi ngậm viên bi sắt trong miệng

Vân Sơn

(Dân trí) - Đang ngậm viên bi sắt trong miệng thì bị cha mẹ phát hiện bắt nhả ra nhưng cậu bé lại nuốt vào. Viên bi đã kẹt ở vùng thực quản khiến bệnh nhi không ăn uống được.

Tai nạn xảy đến với bé trai N.T.P. (5 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp). Theo thông tin từ người nhà cung cấp cho bác sĩ, trước khi gặp nạn, bé nằm võng chơi và ngậm viên bi sắt trong miệng thì bị ba mẹ phát hiện yêu cầu nhả ra. Tuy nhiên, thay vì đẩy viên bi ra ngoài cậu bé lại nuốt vào. 

Bé trai gặp nạn khi ngậm viên bi sắt trong miệng - 1
Hình ảnh kiểm tra cho thấy viên bi sắt bị kẹt trong thực quản đoạn ngực của bệnh nhi

Ngay lập tức bệnh nhi bị nôn ói, đau vùng cổ, không ăn uống được. Cháu được ba mẹ đưa đến khám tại bệnh viện địa phương. Kết quả chụp X-quang ghi nhận vùng thực quản có dị vật cản quang. Dị vật nằm ở vị trí khó, vượt quá chuyên môn và phương tiện hỗ trợ can thiệp của bệnh viện nên bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). 

Sau khi kiểm tra lại tình trạng của bệnh nhi, bác sĩ xác định dị vật kẹt ở thực quản đoạn ngực có hình tròn, nhẵn và trơn nên rất khó gắp ra ngoài bằng phương pháp nội soi thông thường. Sau khi nghiên cứu và trao đổi chuyên môn, các bác sĩ quyết định gây mê cho bệnh nhi để thực hiện phương pháp nội soi bằng thiết bị hỗ trợ đặc biệt. 

ThS.BS Phú Quốc Việt, khoa Tai Mũi Họng cùng ê kíp đã dùng chiếc ống luồn xuống phía dưới của viên bi sau đó bơm hơi làm phồng lên như chiếc bóng rồi từng bước kéo viên bi ra ngoài thành công. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhi đã hoàn toàn bình phục.

Bé trai gặp nạn khi ngậm viên bi sắt trong miệng - 2
Viên bi được bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi bơm bóng hơi kéo ra ngoài thành công

Từ trường hợp trên BS chuyên khoa 2 Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết, tai nạn hóc các loại dị vật như đồ chơi, đồng xu, viên bi... đặc biệt nguy hiểm nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi hóc dị vật, bệnh nhi có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như không ăn uống được, áp xe thành sau họng, áp xe cổ, áp xe – thủng thực quản, tổn thương mạch máu... đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.

Để hạn chế tối đa nguy cơ hóc dị vật, phụ huynh tuyệt đối không nên cho trẻ dùng các món đồ chơi có thể bỏ lọt vào miệng hoặc các lỗ tự nhiên trên cơ thể, các vật dụng có kích thước nhỏ cần để xa tầm tay của trẻ. Khi nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, người nhà nên đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.